Tòa rối vì giấy khai sinh trễ hạn

Nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em, người bị hại, bị can, bị cáo có giấy khai sinh trễ hạn, kết luận giám định tuổi lại có sự chênh lệch khiến cơ quan tố tụng lúng túng, phải trả hồ sơ nhiều lần…

Mới đây, TAND TP.HCM đã phải hoãn xử một vụ xâm hại trẻ em để xác định lại độ tuổi của nạn nhân.

Khai sinh trễ làm rối tòa

Theo cáo trạng, từ tháng 10-2007, Đặng Thành Lộc và V. (SN 27-11-1996 theo giấy khai sinh) nảy sinh tình cảm và nhiều lần “quan hệ”. Đến cuối tháng 10-2009, Lộc và V. chia tay vì V. có bạn trai mới là Nguyễn Quốc Trung. Từ cuối tháng 7-2010, Trung cũng nhiều lần “quan hệ” với V.

Ngày 15-4-2011, mẹ của Trung đến Công an quận 9 trình báo sự việc Trung đưa bạn gái chưa đủ tuổi thành niên về nhà. Qua xét hỏi, cơ quan điều tra đã phát hiện sự việc như trên. Sau đó, VKSND TP truy tố Lộc về tội hiếp dâm trẻ em, Trung về tội giao cấu với trẻ em.

Tại phiên tòa, mẹ của V. cho biết sinh V. được mấy tháng mới làm giấy khai sinh cho con. Do đó, tòa đã quyết định hoãn xử để điều tra bổ sung làm rõ tuổi của nạn nhân nhằm xác định tội danh của Lộc là giao cấu với trẻ em hay hiếp dâm trẻ em.

Tòa rối vì giấy khai sinh trễ hạn ảnh 1

Kết quả giám định chung chung

Trước đó, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM cũng phải hoãn xử vụ Dương Văn Thủ bị truy tố về tội hiếp dâm trẻ em vì kết luận giám định độ tuổi của nạn nhân còn chưa rõ.

Thủ thường đến quán nhà em L. ở thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp) uống cà phê nên hai bên quen biết. Một tối tháng 4-2008, Thủ rủ em L. đi uống nước, đến 22 giờ thì chở em về. Sợ bị cha mẹ mắng, em L. nhờ Thủ chở đến nhà anh trai thì Thủ lại chở thẳng đến một nhà trọ gần đó. Dù biết em L. chưa đầy 13 tuổi nhưng Thủ vẫn “quan hệ” ba lần.

Cơ quan điều tra xác định theo giấy khai sinh và lời khai của em L. thì đến lúc bị xâm hại, nạn nhân mới 12 tuổi sáu tháng 24 ngày. Tuy nhiên, giấy khai sinh này được lập năm 2002, trong khi em L. sinh năm 1995. Vì thế, cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định tuổi của nạn nhân. Tháng 8-2008, Hội đồng giám định khoa học hình sự Công an tỉnh Đồng Tháp đã căn cứ vào một văn bản về tiêu chuẩn giám định thương tật để kết luận lúc bị xâm hại em L. “khoảng 13 tuổi”.

Sau khi bị TAND tỉnh Đồng Tháp phạt 13 năm tù, Thủ kháng cáo xin giảm án, tại phiên phúc thẩm thì thay đổi nội dung kháng cáo thành kêu oan rằng mình chỉ phạm tội giao cấu với trẻ em vì lúc đó em L. đã hơn 13 tuổi. Theo tòa phúc thẩm, cần phải hoãn xử để triệu tập các giám định viên đến để giải thích về kết luận giám định của mình.

Làm khó cơ quan tố tụng

Theo luật sư Trần Công Ly Tao (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM), trong án xâm hại tình dục, việc xác định độ tuổi chính xác của nạn nhân rất quan trọng. Bởi lẽ nếu nạn nhân chưa đủ 13 tuổi thì dù nạn nhân có thuận tình quan hệ, người phạm tội vẫn bị xử lý về tội hiếp dâm trẻ em (mức án cao nhất là tử hình). Nếu nạn nhân đủ 13 đến dưới 16 tuổi mà thuận tình quan hệ thì người phạm tội bị xử lý về tội giao cấu với trẻ em (mức án cao nhất là 15 năm tù). Chỉ khi nạn nhân trên 16 tuổi mà đồng thuận quan hệ thì mới được xem là không phạm tội.

Do điều kiện của nước ta trước đây, ý thức của người dân, nhất là ở vùng nông thôn trong việc làm khai sinh cho con cái chưa cao, công tác hộ tịch còn nhiều hạn chế nên nhiều trường hợp, giấy tờ tùy thân không rõ ràng, có mâu thuẫn. Vì cẩn trọng, cơ quan tố tụng phải trưng cầu giám định.

Ở nước ta hiện nay, việc giám định tuổi được thực hiện bằng phương pháp giám định xương. Vấn đề là phương pháp này vẫn có thể cho ra kết quả chênh lệch: Với trẻ em, độ chính xác dao động trong khoảng 3-6 tháng. Với người trưởng thành, mức dao động có thể lên đến vài năm. Vì vậy, tổ chức giám định thường đưa ra những kết luận còn chung chung như “khoảng 13 tuổi”. Đây là một khó khăn lớn khi giải quyết án hình sự vì kết luận giám định đòi hỏi phải chính xác chứ không thể đánh đố cơ quan tố tụng như thế được.

Chênh lệch tới… năm tuổi

Theo hồ sơ, cha cháu A. (SN 2-1-1994 theo giấy khai sinh) và cha của Phạm Thị Bảo Trưng là anh em ruột, sống cạnh nhau ở phường Lộc Thọ, TP Nha Trang (Khánh Hòa). Hai gia đình có mâu thuẫn do tranh chấp về đất đai. Sáng 24-7-2007, cháu A. cãi nhau với ba chị em Trưng, bị Trưng dùng một cây gỗ bốn cạnh, dài 40 cm đập vào trán. Theo kết quả giám định pháp y, cháu A. bị thương tật 5% vĩnh viễn.

Trưng bị khởi tố, truy tố về tội cố ý gây thương tích theo khoản 1 Điều 104 BLHS. Theo đó, dù thương tật của cháu A. chỉ có 5% nhưng Trưng có hai tình tiết tăng nặng định khung là dùng hung khí nguy hiểm và phạm tội đối với trẻ em. Trưng cho rằng cháu A. khai “ăn gian tuổi” để đi học nên yêu cầu xác định lại tuổi của nạn nhân. Thật bất ngờ, kết quả của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an lại xác định cháu A. đã 18 tuổi chứ không phải 13 tuổi.

Xử sơ thẩm, TAND TP Nha Trang không thừa nhận giấy chứng sinh, giấy khai sinh của cháu A. mà dựa vào kết luận pháp y, phạt Trưng chín tháng tù treo. Gia đình nạn nhân kháng cáo. Xử phúc thẩm, TAND tỉnh Khánh Hòa nhận định giấy khai sinh và giấy chứng sinh đều xác định cháu A. chỉ mới hơn 13 tuổi lúc bị đánh. Đây là những tài liệu do cơ quan chức năng cấp hợp pháp, ngoài ra không có tài liệu nào phủ nhận. Cấp sơ thẩm không đưa ra được chứng cứ nào để bác bỏ giấy khai sinh, giấy chứng sinh mà lại chấp nhận kết quả giám định pháp y là thiếu căn cứ pháp lý.

Từ đó, tòa xác định hành vi phạm tội của bị cáo thuộc trường hợp phạm tội đối với trẻ em nhưng vẫn giữ nguyên mức án chín tháng tù treo.

Chỉ giám định khi không xác định được năm sinh

Theo Thông tư liên tịch số 01/2011 của VKSND Tối cao, TAND Tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ LĐ-TB&XH (hướng dẫn thi hành một số quy định của BLTTHS đối với người chưa thành niên), trường hợp đã áp dụng các biện pháp hợp pháp mà vẫn không xác định được chính xác ngày, tháng, năm sinh của bị can, bị cáo thì tuổi của họ được xác định như sau:

- Trường hợp xác định được tháng sinh cụ thể nhưng không xác định được ngày sinh trong tháng đó thì lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh của bị can, bị cáo. Trường hợp xác định được quý cụ thể của năm nhưng không xác định được ngày tháng nào trong quý đó thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong quý đó làm ngày sinh của bị can, bị cáo. Trường hợp xác định được cụ thể nửa đầu năm hay nửa cuối năm nhưng không xác định được ngày, tháng nào trong nửa đầu năm hoặc nửa cuối năm đó thì lấy ngày 30-6 hoặc ngày 31-12 tương ứng của năm đó làm ngày sinh.

- Trường hợp xác định được năm sinh cụ thể nhưng không xác định được ngày, tháng sinh của bị can, bị cáo thì lấy ngày 31-12 của năm đó làm ngày sinh. Nếu không xác định được năm sinh của bị can, bị cáo là người chưa thành niên thì tiến hành giám định để xác định tuổi của họ.

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm