Tòa khó áp dụng phong tục, tập quán

Dù luật quy định phong tục, tập quán hôn nhân và gia đình tốt đẹp, thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc được tôn trọng và phát huy nhưng trong thực tiễn xử án hôn nhân và gia đình, các tòa thường ngại áp dụng phong tục, tập quán vì thiếu hướng dẫn, dễ gây tranh cãi…

Tròn 19 tuổi, qua mai mối, cô N. ngụ xã Phong Tân, Giá Rai (Bạc Liêu) gặp anh P. Sau đó hai bên gia đình đồng ý và định ngày cưới cho đôi trẻ. Lúc đám hỏi, nhà trai mang sính lễ đến nhà gái theo phong tục ở địa phương gồm 13,5 chỉ vàng 24K; 8,9 chỉ vàng 18K; 10 triệu đồng tiền mặt và mâm trà rượu. Gia đình hai bên ai nấy đều vui vẻ mong đến ngày thành hôn.

Kiện đòi sính lễ

Nhưng lúc chuẩn bị đám cưới, gia đình hai bên đã nảy sinh mâu thuẫn gay gắt. Trong một buổi gặp gỡ dàn xếp, cha chú rể nóng mặt nên đứng lên tuyên bố hủy hôn nhưng không đòi toàn bộ vòng vàng, tiền bạc trong lễ ăn hỏi mà để lại hết cho nhà gái, coi như… “xui rủi”.

Đám cưới đã không diễn ra đúng như lời tuyên bố của nhà trai nhưng sau đó cha chú rể lại kiện ra TAND huyện Giá Rai yêu cầu nhà gái phải trả lại toàn bộ lễ vật. Mới đây, TAND huyện Giá Rai đã buộc gia đình cô N. phải trả toàn bộ lễ vật vì đám cưới bị hủy.

Tòa khó áp dụng phong tục, tập quán ảnh 1

Trong thực tiễn xử án hôn nhân – gia đình, các tòa thường ngại áp dụng phong tục, tập quán vì thiếu hướng dẫn, dễ gây tranh cãi. Trong ảnh: Một đám cưới người dân tộc trên vùng cao. Ảnh: Quyết Thắng

Gia đình cô N. rất bức xúc bởi tòa không xét yếu tố lỗi của các bên trong việc hủy hôn. Đồng thời, gia đình cô N. còn cho rằng tòa chưa xét đến phong tục, tập quán và “phẩm giá của người phụ nữ”.

Cha cô N. bảo: “Theo phong tục của địa phương, ngày lễ hỏi thì bên nhà trai cho cô dâu bông tai, vàng bạc và cô gái gọi cha mẹ chồng là cha mẹ. Sau buổi lễ này, cô gái được xem là con dâu trong gia đình. Việc nhà trai đòi lại sính lễ đã cho là trái với phong tục có từ rất lâu đời. Chưa kể, tòa cũng không xét đến việc danh giá, nhân phẩm của con gái tôi khi bị từ hôn. Uy tín, danh dự của gia đình tôi sẽ ra sao khi cả làng, cả xã ai cũng biết tình trạng của nó như vậy”.

Còn cô N. thì rưng rưng nước mắt: “Họ chỉ nghĩ đến tiền mà không nghĩ đến uy tín, danh dự của tôi sau chuyện này”...

Quy định còn chung chung

Khoản 1 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định trách nhiệm của Nhà nước và xã hội là vận động nhân dân xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình, phát huy phong tục, tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc. Điều 6 của luật này cũng quy định: Trong quan hệ hôn nhân và gia đình, những phong tục, tập quán thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc mà không trái với những nguyên tắc quy định tại luật này thì được tôn trọng và phát huy.

Trong dự thảo tổng kết 12 năm thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình, Bộ Tư pháp đã nhận xét quy định trên thiếu khả thi, cần phải sửa đổi. Bởi quy định chỉ mới thể hiện được thái độ tôn trọng của Nhà nước đối với phong tục, tập quán mà chưa tạo ra căn cứ pháp lý đầy đủ để tòa áp dụng phong tục, tập quán trong giải quyết các vụ việc về hôn nhân và gia đình.

Hơn nữa, quy định về điều kiện để áp dụng phong tục, tập quán không cụ thể nên rất khó có sự thống nhất trong áp dụng. Điều kiện chung là những tập quán tốt đẹp thì được kế thừa, phát huy nhưng tính chất “tốt đẹp” là một giá trị trừu tượng, có thể được hiểu ở nhiều góc độ. Nội dung của giá trị này có thể thay đổi theo từng giai đoạn phát triển của kinh tế-xã hội, phụ thuộc vào quan niệm của từng cá nhân, gia đình, cộng đồng, tầng lớp xã hội.

Chẳng hạn chuyện nhà trai đưa sính lễ trong trường hợp của cô N. nói trên thì sao, có “tốt đẹp” hay không? Hoặc những phong tục khá đặc biệt ở những thôn bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa như đặt dâu trước, cấm kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi từ bốn đời trở lên, buộc người góa chồng, góa vợ nếu tái giá thì phải trả lại tiền cưới cho nhà chồng (vợ) cũ, phạt vạ khi vợ, chồng ly hôn…

Do đó, việc đưa quy định của luật đi vào đời sống gặp nhiều khó khăn, còn gây nhiều tranh cãi, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người. Thậm chí ở tỉnh Quảng Ninh, có khoảng một nửa số bản án, quyết định áp dụng tập quán để giải quyết tranh chấp của tòa cấp dưới đã không được tòa cấp trên chấp nhận.

Hướng dẫn đã lạc hậu

Về tranh chấp đòi lại sính lễ, của hồi môn, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã từng hướng dẫn tại Mục 3 Nghị quyết số 01 ngày 20-1-1988 (hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986). Tuy nhiên, hiện nay hướng dẫn này đã lạc hậu và không còn được áp dụng bởi Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986 đã hết hiệu lực thi hành. Trong khi đó, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 hiện hành lại không có hướng dẫn mới, dẫn đến tình trạng thiếu thống nhất khi xét xử. Có tòa chấp nhận yêu cầu của nhà trai, buộc nhà gái phải trả lại toàn bộ lễ vật. Có tòa thì xét đến yếu tố lỗi của các bên để chấp nhận hay bác bỏ...

Đòi chồng bồi thường… trinh tiết

Anh TVB và chị NHN ngụ huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) là vợ chồng hợp pháp nhưng sống ly thân gần tám năm qua. Anh B. đã có vợ mới nên yêu cầu TAND huyện Hòa Vang cho ly hôn. Ra tòa, chị N. kiên quyết không chịu ly hôn với lý do: “Lâu nay tôi có chồng mà sống như không, phí hoài tuổi thanh xuân. Trong khi đó, chồng tôi lại vui vẻ với người khác nên tôi không cho anh ấy được toại nguyện”. Khi tòa hỏi chị có yêu cầu gì không thì chị đáp: “Tôi muốn anh ta phải bồi thường trinh tiết và tuổi thanh xuân cho tôi”. Sau khi anh B. đồng ý “bồi thường” 30 triệu đồng thì chị N. vui vẻ chấp nhận và tòa đã giải quyết cho vợ chồng họ được ly hôn.

Ly hôn, đòi mẹ chồng trả vàng

Sau nhiều năm chung sống, mới đây chồng chị L. đã yêu cầu TAND một huyện ở Tiền Giang cho ly hôn vì gia đình mâu thuẫn. Anh nói sẽ giao cả hai con cho vợ nuôi dưỡng, còn tài sản chung không có gì nên không yêu cầu tòa phân chia. Trong quá trình tòa giải quyết, chị L. lại cho rằng năm 2010, mẹ chồng có mượn của vợ chồng chị ba lượng vàng bằng miệng với điều kiện khi nào cần sẽ hoàn trả. Chị L. đề nghị tòa xác định ba lượng vàng trên là tài sản chung của vợ chồng và yêu cầu được chia một nửa số vàng trên. Người mẹ chồng thì chối rằng không hề có chuyện mượn vàng như lời con dâu nói...

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm