Thụy Sĩ đau đầu vì súng

Ngày 3-1 năm nay, khi học trò Trường Sandy Hook ở thị trấn Newtown, bang Connecticut của Mỹ trở lại trường học sau vụ xả súng kinh hoàng ngày 14-12-2012 khiến 28 người chết (trong đó có 20 học sinh 6-8 tuổi) thì tại Daillon, một ngôi làng yên tĩnh ở bang Vailais của Thụy Sĩ, xảy ra một vụ nổ súng kinh hoàng không kém.

Xả đạn hàng loạt vào người vô tội

Lúc ấy, tên cuồng sát Florian Berthouzoz (một cựu quân nhân) nhoài người ra cửa sổ nhà một người chú của hắn và khạc đạn từ khẩu súng ngắn cỡ nòng 12 ly. Câu chuyện thương tâm của Thụy Sĩ xảy ra lúc 8 giờ rưỡi đêm, chính người chú của thủ phạm cũng trở thành một trong những nạn nhân của hắn, may mà ông chỉ bị thương.

Theo cảnh sát và những người hàng xóm, sau đó Berthouzoz lao xuống một con dốc có tên là đường Morey và bắn vào bất cứ ai đi qua đường. “Giúp tôi với, tôi không muốn chết” - một phụ nữ kêu thét và đó là nạn nhân đầu tiên của tên cuồng sát. Một nhân chứng là đàn ông, cũng là nạn nhân, chạy tới giúp đỡ phụ nữ xấu số kia và rồi anh ta bị thương do trúng đạn của tên cuồng sát.

Thụy Sĩ đau đầu vì súng ảnh 1

Một tấm áp phích ở Geneva của “phe thích súng” kêu gọi mọi người nói không với sáng kiến kiểm soát súng. Ảnh: AP

Ngay lập tức, cảnh sát thành phố Sion được điều động. Nhưng Sion cách hiện trường đến bảy dặm (hơn 11 km). Theo dân chúng, 45 phút sau cảnh sát Sion xuất hiện và bắn vào ngực Berthouzoz khiến hắn bị trọng thương. Nhưng Berthouzoz đã kịp làm cho ba người phụ nữ nằm chết trên đường phố và hai người đàn ông bị thương nặng. Tay sát thủ sau đó được chuyển đến một bệnh viện ở Geneva để cơ quan chức năng kiểm tra tâm lý khi hắn tỉnh lại. Tiến hành khám xét, cảnh sát phát hiện một khẩu carbine, một khẩu súng hai nòng mà tên Berthouzoz đã sử dụng để gây tội ác, ngoài ra hắn còn sở hữu hai khẩu súng lục, một băng đạn súng máy, mấy con dao và một số đạn.

Bà Marie-Paule Udry, chủ quán cà phê La channe d’Or ở làng Daillon, cho biết tối đó Berthouzoz đến tiệm của bà uống rượu mấy lần nhưng hắn không có vẻ gì say cả. Bà Udry và người làng không thể nào giải thích được cái gì đã khiến tên sát nhân xả súng hàng loạt vào người vô tội.

Berthouzoz từng là quân nhân, hắn bị buộc ra quân vào năm 2006 vì vấn đề tâm lý khi đang ở cấp bậc đại úy. Theo hồ sơ của cảnh sát, khẩu súng mà hắn dùng để tấn công người vô tội là súng riêng, bị tịch thu cùng với các loại vũ khí khác tại nhà hắn. Hàng xóm cho biết hắn là một người ham thích binh nghiệp và vũ khí, có lẽ hắn bị suy sụp khi bị sa thải khỏi quân đội.

Đứng thứ ba về tỉ lệ dân sở hữu súng

Năm 1990, Thụy Sĩ có 16 vụ xả súng, trong đó có vài trường hợp tử vong. Vụ xả súng ghê rợn nhất xảy ra vào tháng 9-2001 khi một người đàn ông bắn vào Hội đồng bang Zug, giết chết 14 người trước khi tự sát.

Vụ nổ súng tại Daillon đã khiến người Thụy Sĩ bị sốc. Và ngay lập tức, nó làm sống lại cuộc tranh luận từng diễn ra lâu lắm rồi về hiểm họa do một số lượng lớn vũ khí chưa đăng ký trong dân chúng cũng như thói quen giữ súng của binh sĩ giải ngũ gây ra.

Cuộc tranh luận ở Thụy Sĩ lần này rất giống cuộc tranh luận về kiểm soát vũ khí nổ ra sôi sục ở Mỹ sau vụ giết người ở thị trấn Newtown, bang Connecticut cách đây chưa lâu. Theo một kịch bản được các đồng nghiệp Mỹ chia sẻ, các nhà chính trị thuộc đảng Tự do của Thụy Sĩ tuyên bố sẽ thúc đẩy ban hành những quy định mới nhằm hạn chế việc sở hữu súng trong dân chúng. Trong khi đó, các đối thủ thuộc đảng bảo thủ của họ lại khăng khăng rằng việc có thêm các quy định pháp luật sẽ chẳng có tác dụng gì trong việc ngăn chặn nạn lan tràn súng ống.

Thụy Sĩ đau đầu vì súng ảnh 2

Cảnh sát phong tỏa hiện trường vụ xả súng tại làng Daillon, bang Vailais của Thụy Sĩ để điều tra.
Ảnh: swissinfo.ch

Thụy Sĩ đứng thứ ba về tỉ lệ người dân sở hữu súng. Theo khảo sát năm 2007 của ĐH Geneva của Thụy Sĩ, ước tính có 3,4 triệu súng cầm tay các loại được 8 triệu dân sở hữu, tức cứ 100 người có 46 người sở hữu “hàng nóng”. Mặc dù bị ngăn cách bởi Đại Tây Dương và xa nhau đến hàng ngàn dặm, Mỹ và Thụy Điển lại có chung một truyền thống lâu đời về mức độ sở hữu vũ khí cao một cách bất thường trong dân. Cũng như nước Mỹ, Thụy Sĩ có một bộ phận lớn dân chúng cho rằng các nỗ lực siết chặt việc sở hữu súng đã tấn công vào quyền tự do cá nhân và bản sắc dân tộc.

Khó kiểm soát súng đạn

Ông Eric Voruz, Ủy viên Ủy ban Chính sách an ninh của Quốc hội Thụy Sĩ, cho biết ông và các đồng nghiệp trong đảng Xã hội chủ nghĩa của ông đã quyết định nhân vụ xả súng ở làng Daillon để trưng cầu dân ý nhằm ban hành quy định về đăng ký sở hữu súng trên toàn quốc. Dự luật này, theo ông Voruz, sẽ bao gồm việc yêu cầu binh sĩ đưa vũ khí được giao đến kho vũ khí quân dụng sau khi được huấn luyện hằng năm hơn là để chúng ở nhà.

Ở Thụy Sĩ, người mua súng ngắn hay súng trường bán tự động tại cửa hàng phải trải qua một cuộc kiểm tra lý lịch có thể kéo dài hơn một tháng. Tuy nhiên, các loại vũ khí thường sang tay nhiều lần qua những cuộc bán chác không chính thức và không hề được kiểm soát. Có 26 bang của Thụy Sĩ có đăng ký cá nhân nhưng các bang này không chia sẻ thông tin, làm cho việc kiểm soát súng trở nên khó khăn hơn. “Trong bất kỳ trường hợp nào, nhà chức trách các bang thường không thực thi mạnh mẽ yêu cầu về đăng ký sở hữu súng. Đó là lý do vũ khí lưu hành tự do” - ông Eric Voruz nói.

Ông Voruz thừa nhận rằng những người ủng hộ việc kiểm soát súng không chiếm đa số trong Quốc hội Thụy Sĩ và khó mà đạt được ý định trưng cầu dân ý về sở hữu súng của mình. Năm 2011, cử tri Thụy Sĩ từng làm thất bại đề xuất tương tự này. Liệu lần này người ta có thay đổi nhận thức sau thảm kịch làng Daillon?

Trong khi đó, ông Hermann Suter, một nhà vận động hành lang đầy thế lực giống như Hiệp hội Súng đạn toàn quốc Mỹ, cho biết tổ chức của ông sẽ chiến đấu chống lại đề xuất trưng cầu dân ý nói trên. “Quy định pháp luật hiện tại là hoàn toàn đủ” - ông Suter nói. Ông này cho rằng thái độ đối với việc sở hữu súng của người Thụy Sĩ bắt nguồn từ truyền thống lâu đời của các quân nhân dự bị. “Truyền thống này là một phần của bản sắc đất nước Thụy Sĩ... “Binh sĩ luôn có vũ khí ở nhà. Điều này tồn tại bao nhiêu năm rồi” - ông Suter nói.

Chưa biết Quốc hội Thụy Sĩ sẽ đưa dự luật kiểm soát súng đạn mới (theo hướng siết chặt hơn) ra trưng cầu dân ý khi nào. Nhưng chưa chi chính phủ nước này đã “dọa” sẽ phản đối đề xuất nói trên vì cho rằng quy định hiện hành (về kiểm soát súng đạn) đã đủ nghiêm ngặt. Một số thành viên chính phủ còn nói sẽ kêu gọi người dân phản đối dự luật này. Xem ra cuộc chiến kiểm soát súng đạn ở Thụy Sĩ cũng trần ai không kém ở Mỹ là bao.

Một ngày đáng hổ thẹn

Mới đây, ngày 17-4, Thượng viện Mỹ đã không thông qua dự luật tăng cường kiểm soát súng đạn. Đây được coi là một thất bại trong nỗ lực ráo riết nhiều tháng qua của Nhà Trắng nhằm ngăn chặn các vụ thảm sát. Theo đó, do chỉ nhận được 54 phiếu thuận/46 phiếu chống, tức không đủ 2/3 số phiếu thuận theo luật định, nên dự luật này đã không được thông qua. Ngoài lực lượng nghị sĩ Cộng hòa bảo thủ, tham gia bỏ phiếu chống còn có một số thượng nghị sĩ của đảng Dân chủ ở những bang sùng bái súng đạn. Ai cũng biết thất bại này chính là thắng lợi của các nhóm vận động ngoài hành lang đại diện cho Hiệp hội Súng đạn toàn quốc (NRA).

Ngay sau khi có kết quả thất bại, Tổng thống Obama đã xuất hiện cùng với thân nhân của các nạn nhân trong vụ thảm sát ở Connecticut để lên tiếng chỉ trích. Ông cho rằng tính chất đảng phái đã phá hỏng một dự luật được cử tri cả nước ủng hộ mạnh mẽ và rằng “ngày hôm nay là một ngày đáng hổ thẹn đối với thiết chế chính trị đảng phái ở thủ đô Washington”. Ông Obama tuyên bố vẫn sẽ tiếp tục nỗ lực để thúc đẩy việc siết chặt các hoạt động buôn bán và sở hữu súng đạn.

Được biết Mỹ là quốc gia có tỉ lệ người dân sở hữu súng cao nhất, nhì thế giới. Cụ thể, cứ 100 người dân ở Mỹ thì có đến 89 người sở hữu súng!

ĐẶNG NGỌC HÙNG (Theo Washingtonpost, swissinfo.ch)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

bài test

bài testLongform

(PLO)- Trải qua 124 ngày giãn cách xã hội với nhiều lần thay đổi cấp độ, biện pháp chống dịch, TP.HCM đã đạt được những kết quả tích cực, từng bước bước vào giai đoạn bình thường mới và dần thích nghi với việc sống chung cùng COVID-19.
[Infographic] Top 10 xe ô tô bán chạy tháng 6/2020 - Test bài

[Infographic] Top 10 xe ô tô bán chạy tháng 6/2020 - Test bàiInfographic

(PLO)- Mùa dịch vẫn chưa đi qua hẳn nhưng doanh số bán xe ô tô có hướng tăng trở lại đối với một số dòng xe. Vẫn là những chiếc xe phân khúc giá tiền dễ tiếp cận nằm đầu top, đối với tháng 6 vừa qua thì doanh số đầu bảng thuộc về Honda City, vượt doanh số của Vios hơn 300 chiếc xe.
Tôi ghét những cánh tay giơ lên

Tôi ghét những cánh tay giơ lên

Ngày nay chuyện bốn phương tám hướng gì cũng loan truyền chóng mặt. Ngoài một rừng cơ quan báo chí chuyên nghiệp thì giới đưa tin dạo còn nhiều gấp vạn lần.
Vinh danh kỳ 29: Bảng vàng về với Đắk Lắk

Vinh danh kỳ 29: Bảng vàng về với Đắk Lắk

(PL)- Số lượng bạn đọc ở Đắk Lắk đã từng được trúng giải À Ra Thế khá nhiều, tuy nhiên đây là lần đầu tiên bảng vàng xướng tên một bạn đọc ở địa phương này, đồng thời Bình Phước vẫn luôn giữ “áp đảo” các vị trí còn lại.
Dù vé số trúng thưởng cũng chỉ phạt hành chính

Dù vé số trúng thưởng cũng chỉ phạt hành chính

(PL)- Nếu tình huống chỉ dừng lại ở số tiền 300.000 đồng, chắc hầu hết bạn đọc đều có đáp án cho tình huống này. Nhưng cùng với hai tờ vé số trúng thưởng được 6 triệu đồng, nhiều bạn đọc đã “vội vã” kết luận A phải bị xử lý hình sự.