Thủ Thiêm - trăm năm một bến đò - Bài 2: Đời phà, đời người

Ông Nguyễn Thanh Hùng là tài công lâu nhất tại Xí nghiệp Phà Thủ Thiêm với 26 năm gắn bó với bến sông này. Ông bắt đầu lái chuyến phà đầu tiên vượt sông Sài Gòn năm 1985.

Một người khác cũng làm việc hơn 32 năm ở bộ phận kỹ thuật ở bến phà Thủ Thiêm là ông Trần Quang Đăng. Ông được xem là “anh cả” trong nghề. Hai con người, hai số phận, họ cùng ngồi với nhau hồi tưởng lại những tháng năm gắn bó với những con tàu, bến phà.

Khốn khó vẫn bám nghề

Ông Hùng kể về những năm tháng khó khăn nhất trong thời bao cấp. Phà cũ kỹ và hay bị hư hỏng nhưng muốn sửa chữa, thay phụ tùng phải chờ rất lâu mới được duyệt, xăng dầu lại thiếu thốn. “Những năm 1979 đến 1985, hầu như ngày nào cũng có phà bị trôi sông, phải lấy phà khác ra kéo vào, hành khách chửi bới, la ó. Về sau hành khách chọn phương tiện đò ngang của dân đi lại để không phải chờ đợi. Đây là thời kỳ các ghe của người dân phát triển rầm rộ nhất. Đến năm 1998, chủ trương của ban giám đốc là tăng cường thêm đôi phà 60 tấn và một phà 80 tấn. Hành khách thời đó đông lắm, anh em ai cũng tranh nhau chạy để đưa hành khách qua lại cho nhanh chóng mà lại có thêm thu nhập”.

Ông Trần Quang Đăng cũng kể rằng vào thời khó khăn đó nhiều người không trụ được đành phải bỏ nghề, bỏ phà chuyển sang công việc khác. Anh em công nhân khi đó phải tự khắc phục mọi sự cố chứ không chờ đợi cấp trên phê duyệt. Chính vì vậy nhiều sáng kiến sửa chữa xuất hiện. Ông Đăng nhớ lại: “Thời đó đồng lương không đủ sống, gia đình lại khó khăn đủ bề nhưng tôi không có ý định bỏ nghề. Vì khi xa chiếc phà, xa bến là lòng lại nao nao buồn. Sau này thời kỳ đất nước đổi mới, bạn bè tôi nhiều người bỏ ra làm kinh tế, có của ăn của để. Họ rủ tôi bỏ nghề sửa phà ra làm ăn nhưng cũng vì gắn bó lâu năm nơi này nên tôi không nỡ rời xa”.

Thủ Thiêm - trăm năm một bến đò - Bài 2: Đời phà, đời người ảnh 1

Hầm Thủ Thiêm đưa vào sử dụng trong thời gian tới sẽ giúp người dân qua lại hai quận 1 và 2 nhanh hơn và cũng là động lực để bán đảo Thủ Thiêm phát triển. Trong ảnh: đường dẫn vào hầm Thủ Thiêm nhìn từ phía quận 2. Ảnh: H.VI

Những năm 1979-1980, tình hình an ninh trật tự tại bến phà Thủ Thiêm khá phức tạp. Các băng nhóm tụ tập về nơi đây, đám bảo kê, buôn lậu tung hoành, anh em lái phà phải chịu bao tủi nhục. Vật tư tại bến phà thường bị đánh cắp. Ban đêm công nhân không ai dám ra ngoài vì sợ bị đánh. Tài công Nguyễn Thanh Hùng bùi ngùi: “Các đại ca vùng này thường hay đánh đập nhân viên, ngay cả nhân viên nữ chúng cũng không tha. Bọn chúng lên phà là hống hách, nạt nộ anh em lái phà và hành hung hành khách. Có lúc phà rời bến đến giữa dòng nhưng chúng bảo quay lại bờ thì anh em buộc phải làm theo nếu không chúng lôi ra đánh hội đồng”.

Từ khi tách quận 2 ra khỏi huyện Thủ Đức cũ, tình hình an ninh tại bến phà khá hơn. Dạo đó có một phiên tòa lưu động mở gần bến phà Thủ Thiêm để xét xử một tay giang hồ khét tiếng hành hung một nhân viên của bến phà. Bản án tù cho tên này là lời răn đe cho các nhóm giang hồ khác. Từ đó trở đi tình hình an ninh mới được lập lại. Ông Đăng chia sẻ thêm: “Anh em khuyên nhủ nhau cố gắng nhịn nhục mà làm. Mình nghĩ đến bà con cô bác trên phà mà phục vụ là tốt rồi!”.

Bị chửi mắng vì cứu người

Trong cuộc đời lái phà của ông Hùng có hai sự kiện mà ông luôn nhớ. Một lần ông cứu thành công một người tự tử nhưng bị nạn nhân chửi mắng thậm tệ. Bữa đó, phà đang chạy ra giữa dòng thì một hành khách la lên: “Thôi chào bà con, tôi đi đây!” rồi nhảy ùm xuống sông để lại lá thư tuyệt mệnh. Theo phản xạ, ông Hùng tắt máy và cho phà dừng lại. Anh em trên phà vội quăng phao, lao xuống dòng nước xiết, lặn hụp và cứu được nạn nhân. Tỉnh lại, người này quay sang chửi mắng các nhân viên thậm tệ. “Lúc đó anh em chúng tôi đứng trơ người ra, vừa giận lại vừa thương cho kẻ mà mình vừa cứu. Về sau nạn nhân và gia đình có đến đơn vị xin gặp và cảm ơn anh em trên phà. Bản thân người tự tử cũng nhận mình nông cạn, thiếu kiềm chế nên xin lỗi mọi người” - ông Hùng kể.

Thủ Thiêm - trăm năm một bến đò - Bài 2: Đời phà, đời người ảnh 2

Tài công Nguyễn Thanh Hùng đã có 26 năm gắn bó với bến phà Thủ Thiêm. Ảnh: H.VI

Một lần khác, ông Hùng chứng kiến một đồng nghiệp của mình đang cho phà rời bến thì một người đàn ông nhảy ra khỏi phà và va phải chân vịt. Máu loang trên mặt nước. Sau khi đưa người này lên bờ thì thấy bụng và chân bị rách. Mọi người đưa đi cấp cứu nhưng ông ta chết trong bệnh viện. “Lúc đó tôi thấy lạnh run người. Anh bạn tài công của tôi lo sợ người nhà của nạn nhân đến tìm. Nhưng may sao gia đình nạn nhân đến bãi nại cho thuyền trưởng. Người nhà của nạn nhân cho biết cha họ đã tìm cách tự tử nhiều lần nhưng không thành nên lên phà để tự vẫn” - ông Hùng thuật lại mà giọng vẫn còn thảng thốt.

Có thời do làm ăn thất bại, nhiều người tìm đến bến phà tự tử. Người nhảy ào xuống nước, kẻ lặng lẽ bỏ lại tư trang, thư tuyệt mệnh rồi lẳng lặng xuống sông không ai hay biết. Có người cứu được nhưng cũng có người mất mạng không tìm thấy xác. Thời gian gần đây không còn nạn tự tử xảy ra nữa.

Dời bến, dời tàu

Theo kế hoạch của Công ty TNHH một thành viên Quản lý Cầu phà, đến cuối năm nay sẽ chấm dứt mọi hoạt động tại bến phà Thủ Thiêm. Hiện tại Xí nghiệp Phà Thủ Thiêm đang lấy ý kiến đề xuất nguyện vọng của anh chị em công nhân sau khi bến phà đóng cửa. Nhiều người vẫn muốn chuyển đổi bến phà Thủ Thiêm thành bến thủy nội địa để họ còn gắn bó với con tàu, bến phà cũng như giữ lại một chút kỷ niệm cho người dân TP. Một số khác lại muốn công ty chuyển sang làm việc tại bộ phận khai thác đường hầm Thủ Thiêm sắp khánh thành trong thời gian tới. Nhìn chung ai cũng muốn gắn bó thêm một thời gian nữa tại khúc sông này. Tài công Nguyễn Thanh Hùng cho biết nếu đơn vị xin thành lập được bến thủy nội địa để chở khách tham quan trên sông thì ông vẫn sẵn lòng ở lại. Còn nếu công ty dời toàn bộ về bến phà Cát Lái thì ông vẫn theo nghề lái phà này. “Lái phà hơn một phần tư thế kỷ rồi, nghề thấm vào máu rồi, làm sao mà bỏ được?” - ông Hùng trải lòng.

Thủ Thiêm - trăm năm một bến đò - Bài 2: Đời phà, đời người ảnh 3

Du khách nước ngoài tham quan TP bằng phà Thủ Thiêm. Ảnh: H.VI

Còn ông Đăng thì lạc quan cho rằng: “Trong tương lai sẽ có đến bốn cây cầu và một đường hầm bắc qua vùng đất Thủ Thiêm. Thủ Thiêm sẽ trở thành một trung tâm đô thị hiện đại. Đến lúc đó bến phà Thủ Thiêm chỉ còn là ký ức. Bộ mặt TP ngày càng thay đổi, xã hội ngày càng đi lên, người dân cần có những điều kiện đi lại hiện đại hơn là điều tất yếu”.

Rời bến phà Thủ Thiêm, chia tay những người công nhân chất phác, đôn hậu trong một chiều mưa rả rích. Hình ảnh người tài công già kéo cần kéo, cho nổ máy và đặt bàn tay thô ráp lên núp ấn ba hồi còi báo hiệu rồi kéo vô lăng cho phà rời bến. Chiếc phà chông chênh, trôi chầm chậm rời cầu tàu để hướng về vùng đất Thủ Thiêm. Thời gian tới đây những hình ảnh, âm thanh này chỉ còn lại trong tiềm thức của người dân Sài Gòn.

Theo ông Nguyễn Công Dân, Phó Giám đốc Xí nghiệp Phà Cát Lái - Thủ Thiêm, từ khi cầu Thủ Thiêm đi vào hoạt động năm 2009 thì lượng khách chỉ còn khoảng 5.000-6.000 lượt/ngày (những năm trước, con số này là từ 30.000 đến 40.000 lượt/ngày). Hiện tại bến phà đang phải bù lỗ để duy trì hoạt động. Xí nghiệp đang đề xuất với cơ quan cấp trên bố trí việc làm cho 44 cán bộ, công nhân viên. Những thợ máy, thuyền trưởng sẽ được chuyển về làm việc tại bến phà Cát Lái. Số còn lại sẽ xin ý kiến bố trí họ làm việc tại hầm Thủ Thiêm. Đồng thời, đề xuất các cơ quan chức năng cho phép thành lập bến phà Thủ Thiêm thành bến thủy nội địa đưa đón khách du lịch và giải quyết việc làm cho các cán bộ, công nhân viên trong xí nghiệp.

HUYỀN VI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm