Thủ Thiêm - trăm năm một bến đò - Bài 1: Đò cũ, phà xưa

LTS: Ngày 20-11, hầm Thủ Thiêm sẽ thông xe, cùng với cầu Thủ Thiêm trở thành đôi cánh tay TP vươn sang, kéo gần lại khoảng cách về sự phát triển giữa hai bờ sông Sài Gòn.

Trong niềm vui, rồi đây khách ngang sông vẫn thoáng ngậm ngùi khi hình ảnh quen thuộc của bến đò xưa không còn nữa.

Theo những nhà nghiên cứu thì bến đò Thủ Thiêm là địa điểm tiếp nhận đầu tiên của cư dân vùng đất bán đảo Thủ Thiêm bây giờ. Họ bắt đầu xây dựng, tổ chức cuộc sống của mình bằng nghề chài lưới, buôn bán ven sông. Dần dà bằng sức mạnh của cộng đồng làng xã, họ đặt chân đến những vùng đất đầm lầy bên trong để khai hoang, định cư và sinh sống, tạo dựng nên một cộng đồng dân cư như Thủ Thiêm ngày nay.

Nhịp chèo ký ức

Theo cuốn Từ điển địa danh Sài Gòn - TP.HCM (TS Lê Trung Hoa chủ biên), Thủ Thiêm là một địa danh có từ cuối thế kỷ XVIII. Thủ có nghĩa là đồn canh (dưới thời phong kiến), về sau để chỉ chức vụ người đứng đầu một thủ. Thiêm có lẽ là tên người đứng đầu thủ đó. Chính quyền thời đó đã cho lập đồn binh Thủ Thiêm để kiểm soát việc đi lại trên sông Sài Gòn và để phòng thủ cho khu vực trung tâm. Về sau tên gọi Thủ Thiêm được đặt cho vùng đất này.

Theo các cụ cao niên ở Thủ Thiêm, tận dụng địa thế sông nước, người dân nơi này dùng ghe làm phương tiện đưa đón khách sang sông hoặc chạy đò dọc lên vùng Bình Dương, xuôi xuống quận 4, quận 7 để buôn bán. Ông Huỳnh Văn Mẫn (77 tuổi) ở khu phố 1, phường An Khánh nhớ lại: “Ngày trước Thủ Thiêm có ba bến đò khá nổi tiếng là Thủ Thiêm, Cây Bàng (nằm gần khu vực cửa hầm Thủ Thiêm bây giờ) và An Lợi Đông (nằm gần phía Nhà Bè). Về sau hình thành thêm một bến đò Caric nữa để đưa đón công nhân của xưởng đóng tàu Caric (Pháp) nằm gần bến đò Thủ Thiêm. Ghe đưa khách ở Thủ Thiêm thời đó đều chèo bằng tay do một người chèo phía trước và một chèo phía sau. Mỗi ghe chỉ chở dưới 10 người. Sau những năm 1970, ghe chạy bằng máy đuôi tôm mới xuất hiện trên bến sông này”.

Thủ Thiêm - trăm năm một bến đò - Bài 1: Đò cũ, phà xưa ảnh 1

Bến phà Thủ Thiêm nhìn từ phía quận 2. Ảnh: H.VI

Bà Ngô Thị Giang (56 tuổi) ở khu phố 2, phường An Khánh hồ hởi kể ghe máy đuôi tôm thời đó: “Cả vùng sông nước này đều chèo đò bằng tay cả. Ông xã tui dành dụm ít tiền sắm được chiếc ghe máy để đưa đón khách. Có lần ổng chở sáu khách đi đò từ phía Thủ Thiêm sang quận 1 thì ghe đâm phải một tàu chở hàng đang chạy trên sông. Cả ghe chìm xuống nước nhưng rất may là cả sáu người đều biết bơi nên thoát nạn. Ông xã tui từ đó nghỉ luôn nghề chạy đò, chuyển sang buôn bán”.

Sau năm 1975, bến đò Thủ Thiêm được giao cho Xí nghiệp Phà Thủ Thiêm tiếp quản. Thời điểm đó bến phà chỉ có hai phà nhỏ, loại 20 tấn do hãng tàu Caric đóng từ năm 1965. Ông Trần Quang Đăng (thợ máy ở bến phà Thủ Thiêm) trầm ngâm nhắc lại: “Khi đơn vị chúng tôi tiếp quản bến phà này thì đôi tàu đã xuống cấp nên hoạt động không hiệu quả. Nhu cầu đi lại của người dân tấp nập hơn, do đó các bến đò tư nhân mọc lên như nấm, nạn tranh giành khách quyết liệt hơn. Bến đò này cũng từng chứng kiến một đôi bạn trẻ sắp cưới ngồi trên chiếc đò ngang qua sông thì bị sóng nhấn chìm mất xác. Và bao cái chết thương tâm khác không thể kể hết”.

Những năm về sau TP có chủ trương cấm các loại đò ngang không đảm bảo an toàn đưa khách sang sông. Người dân Thủ Thiêm làm nghề đưa đò không còn việc làm, người bán ghe, người chuyển sang công việc khác. “Dạo đó tui nghe nói người dân làm nghề đưa đò được hỗ trợ một ít tiền để chuyển đổi công việc. Một số trở về quê cũ, số khác vẫn bám trụ vùng đất này để mưu sinh” - bà Ngô Thị Giang bồi hồi nhớ lại.

Sau này Xí nghiệp Phà Thủ Thiêm được đầu tư thêm hai chiếc tàu loại 60 tấn và một chiếc loại 80 tấn, hoạt động ngày đêm để đưa khách qua sông.

Bến phà nối nhịp giao thương

Từ khi được đầu tư, trang bị thêm các đôi tàu hiện đại bến đò Thủ Thiêm hoạt động gần như 24 giờ mỗi ngày. Từ sớm tinh mơ những người buôn bán vào các chợ đầu mối trong TP để lấy hàng, sau đó trở về cho kịp buổi chợ. Khoảng 6, 7 giờ sáng, người dân từ Thủ Thiêm lại sang sông để đi học, đi làm… Người dân phía trung tâm TP thì qua vùng bán đảo Thủ Thiêm để thăm viếng, cúng bái, lễ chùa… Chiều xuống, những chuyến đò lại đón họ về sum họp bên gia đình. Có những mối lương duyên, những mối tình đẹp của các đôi trai gái cũng xuất phát từ những chuyến đò này.

Thủ Thiêm - trăm năm một bến đò - Bài 1: Đò cũ, phà xưa ảnh 2

Đưa đò là nghề vang bóng một thời của cư dân vùng đất Thủ Thiêm. Trên dấu tích của bến phà mới vẫn còn đó những con đò năm xưa. Ảnh: H.VI

Thủ Thiêm - trăm năm một bến đò - Bài 1: Đò cũ, phà xưa ảnh 3

Không lâu nữa những hình ảnh của bến phà Thủ Thiêm sẽ chỉ là ký ức của người dân Sài Gòn. Ảnh: H.VI

Bà Ngô Thị Nương (69 tuổi) ở phường An Khánh kể vùng đất Thủ Thiêm ngày xưa rất hoang sơ, nhiều đầm lầy và cây dại. Dân cư chủ yếu sống dọc theo bờ sông Sài Gòn. Càng về sau người dân tứ xứ kéo về vùng đất này ngày một nhiều. Người ta cất chòi, làm nhà để sinh cư, lập nghiệp. Đa phần họ đều là người làm thuê, làm mướn hoặc khai hoang trồng lúa. “Minh chứng cho sự lộn xộn này là nhà nào cũng nhỏ, mọc san sát nhau không theo một trật tự nào, hẻm nào cũng nhỏ. Cuộc sống tuy có vất vả nhưng tình làng nghĩa xóm ngày ấy đong đầy” - bà Nương bùi ngùi.

TP ngày một phát triển, những vùng đất như Thủ Thiêm cần được đầu tư để chuyển mình và phát triển. Gia đình bà Nương và nhiều người dân nằm trong diện giải tỏa cùng chung tâm trạng luyến tiếc mảnh đất đã gắn bó bao nhiêu năm tháng. Nhìn những căn nhà trống huơ trống hoác, gạch ngói tan hoang ai nấy đều nao lòng. Người dân cũng hiểu những hộ dân phải di dời sẽ được bố trí về sống tại các khu dân cư tiện nghi hơn như An Phú - An Khánh, Thạnh Mỹ Lợi, Bình Khánh… Một số khác không đủ điều kiện để được cấp đất hoặc căn hộ thì cũng được đền bù số tiền thỏa đáng. “Vùng này sẽ được đầu tư thành một trung tâm đô thị mới hiện đại ngang bằng với trung tâm quận 1 bây giờ đó chú. Tui nay gần đất xa trời rồi, không biết có sống được tới ngày đó không” - bà Nương tự hỏi rồi cười.

Ông Trần Quang Đăng, người gắn bó với bến phà Thủ Thiêm và mảnh đất này hơn 32 năm cũng nhìn thấy những thay đổi nhanh đến kinh ngạc của vùng đất này. “Sự tấp nập của Thủ Thiêm là vào những năm đất nước đổi mới (sau năm 1986 - NV). Người đi phà qua lại đông như mắc cửi. Các tàu của chúng tôi chạy hết công suất mà vẫn không đưa khách qua sông kịp. Có lúc cao điểm người dân phải chờ từ 20 phút đến nửa tiếng. Bây giờ khách vắng hoe, chạy có hai chiếc một ngày mà vẫn phải bù lỗ. Đã có cây cầu, ai mà đi phà chờ chi cho mệt” - ông Đăng tâm sự.

Nhắc đến việc bến phà có thể ngưng hoạt động trong thời gian tới, ông Đăng không giấu được lòng mình: “Nếu như không còn thấy được những con tàu chạy qua lại trên bến sông này thì cũng buồn. Nhưng thấy bộ mặt Thủ Thiêm thay đổi, bà con mình đi lại trên những cây cầu và đường hầm mới, tôi cũng phấn khởi lắm”.

Tại phường An Khánh, quận 2 còn có một di tích hơn 100 năm tuổi, đó là đình An Lợi. Ngôi đình này có thể được xây dựng từ năm 1840-1847 dưới thời vua Thiệu Trị. Lúc ấy đình An Lợi thuộc tổng Bình Trị Trung, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định. Nơi đây thờ một vị quan được vua Tự Đức sắc phong thần năm 1852 là Trần Thống Quân Hà Quảng Thống Sứ, một trong những vị quan có công khai phá vùng đất này. Hiện tại ngôi đình còn lưu giữ bảng sắc phong và ấn kiếm do nhà vua ban tặng và được người dân thờ cúng quanh năm. Theo ông Lưu Phước Thọ, người được giao nhiệm vụ trông coi đình An Lợi (người dân quen gọi là ông Từ), rất có thể bến đò Thủ Thiêm được hình thành cùng với lúc người dân đi khai khẩn vùng đất hoang này. Nếu như vậy thì bến đò Thủ Thiêm năm nay có khả năng đã hơn 100 năm tuổi.

HUYỀN VI

Kỳ 2: Đời người, đời phà

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm