Thông tư mới gỡ vướng về tố tụng dân sự, hành chính

Mục đích của việc ký hai thông tư này nhằm bảo đảm tốt mối quan hệ phối hợp giữa hai ngành trong hoạt động kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự.

Cụ thể, thông tư liên tịch về tố tụng hành chính tập trung hướng dẫn các nội dung cụ thể như: Việc chuyển hồ sơ của tòa cho VKS cùng cấp để VKS tham gia phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, phiên họp giám đốc thẩm, tái thẩm; chuyển hồ sơ vụ án cho VKS để xem xét kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm. Thông tư cũng hướng dẫn cách thức chuyển hồ sơ vụ án giữa hai bên; thủ tục thông báo kiểm sát viên tham gia phiên tòa, phiên họp và việc thay đổi phân công kiểm sát viên. Ngoài ra, thủ tục tòa xác minh, thu thập chứng cứ trong trường hợp có yêu cầu của VKS; thủ tục VKS tiến hành thu thập chứng cứ; thủ tục gửi văn bản tố tụng; thủ tục kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hành chính... cũng được quy định.

Thông tư liên tịch về tố tụng dân sự gồm bốn chương, 16 điều. Phạm vi điều chỉnh gồm: Thủ tục chuyển đổi hồ sơ vụ việc dân sự giữa tòa và VKS; thủ tục thông báo kiểm sát viên tham gia phiên tòa, phiên họp, thông báo thay đổi việc phân công kiểm sát viên; thủ tục VKS tiến hành thu thập chứng cứ; việc thực hiện quyền yêu cầu sửa đổi, bổ sung biên bản phiên tòa của kiểm sát viên. Đồng thời, thông tư còn hướng dẫn việc thực hiện trách nhiệm của VKS trong trường hợp tòa khởi tố vụ án hình sự. Thông tư cũng hướng dẫn các trường hợp VKS tham gia phiên tòa sơ thẩm vụ án dân sự; phát biểu của kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm, phiên họp sơ thẩm; việc trình bày, phát biểu của kiểm sát viên tại phiên tòa, phiên họp phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm...

Như vậy, hai thông tư liên tịch này bước đầu đã hướng dẫn gỡ vướng một số bất cập kể từ khi Luật Tố tụng hành chính và Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung được đưa vào thi hành mà Pháp Luật TP.HCM từng có các bài viết phản ánh. Chẳng hạn trong thực tiễn áp dụng, có những quan điểm trái chiều gây tranh cãi về việc phát biểu ý kiến của đại diện VKS tại các phiên tòa sơ, phúc thẩm. Hay luật cho VKS quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị nhưng lại không quy định cụ thể cơ chế thực hiện như thế nào…

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm