Thông tư gây tranh cãi của Bộ Công an có hiệu lực

Điểm đáng chú ý là thông tư nghiêm cấm điều tra viên, cán bộ điều tra bức cung, mớm cung, dùng nhục hình dưới bất kỳ hình thức nào. Việc nghiêm cấm này đã có trong Bộ luật Tố tụng hình sự nhưng thời gian qua vẫn xảy ra nhiều trường hợp bức cung, nhục hình, thậm chí dẫn đến chết người.

Đặc biệt, Điều 38 của thông tư nói trên quy định: “Khi phát hiện thấy người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự… có hành vi cản trở, gây khó khăn cho hoạt động điều tra như cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, ngăn cản việc khai báo, tiết lộ bí mật, cung cấp tài liệu sai sự thật, khiếu nại, kiến nghị không có căn cứ hoặc có hành vi trái pháp luật khác thì điều tra viên tiến hành lập biên bản sự việc trên, có thể ghi âm, ghi hình hoặc tiến hành biện pháp khác nhằm thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi cản trở, gây khó khăn cho hoạt động điều tra của họ”.

Quy định nói trên đã khiến dư luận, đặc biệt là giới luật sư không đồng tình. Ngày 7-8, chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã ký văn bản gửi bộ trưởng Bộ Công an đề nghị xem xét hủy bỏ hoặc sửa đổi nội dung Điều 38 vì lo ngại hoạt động nghề nghiệp của giới luật sư bị cản trở. Văn bản có đoạn: “Việc hạn chế quyền hành nghề hợp pháp của người bào chữa là gián tiếp hạn chế quyền được bào chữa của công dân đã được Hiến pháp quy định”.

Theo liên đoàn, thông tư thể hiện sự không bình đẳng trong quan hệ tố tụng giữa điều tra viên và người bào chữa khi quy định về trách nhiệm của điều tra viên trong việc xử lý vi phạm đối với người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự hoặc trợ giúp viên pháp lý.

P.LOAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm