Thổi thú thủy tinh

Thổi thú thủy tinh ảnh 1

Nguyễn Đức Thuận với một chú khỉ bằng thủy tinh
Chúng tôi đến cơ sở của anh Nguyễn Đức Thuận (132/20A Cây Sung, phường 14, quận 8- TPHCM) khi những chiếc lò nung đang rực lửa. Trên chiếc bàn thổi, ngoài những thanh thủy tinh trong suốt to dài còn có những que thủy tinh đủ sắc màu và một vài dụng cụ làm nguội, nhíp.

Vài chục chú mèo, gấu, gà, chim cánh cụt... nóng hổi nằm ngổn ngang. Ngày nào cũng thế, anh Nguyễn Đức Thuận đều bắt đầu công việc thổi thủy tinh từ sớm và kết thúc khi trời tối mịt.

Từ anh hàng xóm giỏi nghề...

Mặt trời lên cao, những họng đèn đỏ rực đã chuyển sang màu xanh cũng là lúc anh Nguyễn Đức Thuận cho thanh thủy tinh dài vào ngọn lửa. Một tay anh cầm thanh thủy tinh xoay đều cho nóng chảy, tay kia cầm cây nhíp dài khoảng 2 tấc.

Khi thủy tinh đỏ rực, anh dùng nhíp kéo mạnh cho phần thủy tinh nóng chảy đứt rời, sau đó anh lấy một chiếc que dài vít khối thủy tinh nóng chảy đưa lên họng đèn. Anh nhanh tay cuộn khối thủy tinh đã chảy tạo những đường cong trên thân hình của một chú kỳ lân.

Chỉ vài phút sau, thân hình chú kỳ lân đã được điểm xuyết sắc đỏ, vàng trông rất sinh động. Những động tác tương tự được lặp lại với những thỏi thủy tinh màu để tạo thành đuôi, mắt, bờm... Thêm một vài nét chấm phá ở miệng, chân cho chú kỳ lân thêm oai hùng. Mười phút trôi qua, chú kỳ lân đỏ rực ra lò bởi bàn tay người thợ trẻ.

Lau mồ hôi trán, anh Thuận vui vẻ kể: “Cách đây gần 10 năm, khi còn đi học, cạnh nhà tôi có một người làm nghề thổi thủy tinh. Hồi đó, sau giờ làm việc ở công ty, anh ta thường bày lò ra trước nhà thổi để kiếm thêm thu nhập. Nhìn những con thú trong bộ sưu tập 12 con giáp anh ta làm, tôi đâm mê mẫn. Đến nỗi, học xong ngành cơ khí, tôi không theo nghề mà quay sang... thổi thủy tinh”.

Anh quyết định sang nhà hàng xóm học nghề. Sau gần 3 tháng vừa học vừa làm, anh có thể làm ra những sản phẩm đơn giản như khỉ, chim cánh cụt, chó, mèo.

Bà Nguyễn Thị Chín, mẹ anh, kể: “Để tay nghề vững cũng như biết thêm nhiều sản phẩm khác nhau, ngoài những đồ gia công đã nhận, tối đến, nó đều mày mò làm thêm những sản phẩm mới”. Có lẽ nhờ vậy mà giờ đây, anh đã làm được những sản phẩm đòi hỏi tính mỹ thuật cao hơn như rồng, sư tử, kỳ lân hay ngựa thần...


Tỉ mỉ, khéo léo

Cơ sở của anh Nguyễn Đức Thuận chỉ chuyên làm sản phẩm thủ công mỹ nghệ và những con thú trong 12 con giáp trở thành sở trường của anh. Để sản phẩm được ưa chuộng, người thợ phải tỉ mỉ, khéo léo trong từng chi tiết. Anh Thuận cho biết: “Thủy tinh làm thú phải là loại tốt, trong suốt, không bị bọt. Khi nung thủy tinh dưới họng lò, phải xoay tay liên tục để thủy tinh nóng đều thì khi tạo hình đường nét trên thú mới mềm mại, uyển chuyển. Đặc biệt, để những mối nối trong sản phẩm được kết dính vào nhau, người thợ phải nung cho nhiệt độ ở hai đầu bằng nhau”

Nguyễn Đức Thuận cho biết trong tương lai, anh sẽ hướng đến những dòng sản phẩm ứng dụng nghệ thuật trên thủy tinh như vẽ tranh hay làm những con thú có hình dáng cầu kỳ hơn, to hơn. Ngoài ra, anh sẽ dạy nghề cho những ai có nhu cầu.

Nghe thì đơn giản nhưng không phải ai làm nghề này cũng thành công vì nếu sơ suất rất dễ bị tai nạn nghề nghiệp. Vừa kể, anh vừa cho tôi xem những vết sẹo phỏng trên cánh tay do thủy tinh bị nung chảy vỡ ra trong quá trình tạo hình. “Chỉ cần một chút sơ suất nhỏ là bị phỏng liền”. Nhìn cánh tay anh, những vết sẹo cũ chưa lành thì sẹo mới lại xuất hiện, tôi nhận ra lòng yêu nghề nơi anh thật mãnh liệt.

Sống được với nghề

Gần 10 năm gắn bó với nghề đã cho anh Thuận tay nghề thổi thủy tinh vững vàng. Trước đây, để làm ra những con thú nhỏ, anh phải mất gần 10 phút thì nay chỉ mất nửa thời gian. Bên cạnh những sản phẩm đơn giản ban đầu, giờ đây anh đã thực hiện được những sản phẩm phức tạp, cầu kỳ hơn như rồng, lân, phụng...


Sản phẩm của anh ngoài việc cung cấp cho các chợ đầu mối tại TPHCM còn được thương lái ở An Giang, Trà Vinh, Cần Thơ... liên tục đặt hàng. Vợ anh, chị Phạm Hương Giang, cũng trở thành trợ thủ đắc lực trong vai trò thợ chính, góp sức làm ra những sản phẩm đẹp cung cấp cho người tiêu dùng.

Chị Giang cho biết: “Vào dịp cuối năm, chúng tôi phải làm ngày làm đêm mới đủ cung cấp cho khách vì sản phẩm của chúng tôi có thể làm quà tặng, làm vật trang trí mà giá cả lại phải chăng”.

Theo Huỳnh Nga (NLĐ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm