Thổ Nhĩ Kỳ - Trung Quốc: Phi vụ 4 tỉ USD

Ngày 26-9, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Ismet Yilmaz tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu đàm phán mua tên lửa đất đối không FD-2000 với Tổng Công ty Xuất nhập khẩu máy móc chính xác (CPMIEC) của Trung Quốc (TQ). Tổng công ty này sản xuất tên lửa Hồng Kỳ (HQ-9 SAM) dựa theo thiết kế của tên lửa Nga S-300. Mẫu chào hàng bán ra nước ngoài được gọi là FD-2000.

Giá rẻ nhất, biếu công nghệ

Cách đây năm năm, Thổ Nhĩ Kỳ đã đấu thầu mua 12 dàn tên lửa đất đối không trị giá 4 tỉ USD. Theo hãng tin RIA Novosti (Nga), có bốn ứng viên dự thầu gồm liên doanh Lockheed Martin-Raytheon của Mỹ giới thiệu tên lửa Patriot, Tập đoàn Rosoboronexport của Nga giới thiệu tên lửa S-400 Triumph, liên doanh Pháp-Ý Eurosam của châu Âu giới thiệu tên lửa Aster-30 và Tổng Công ty Xuất nhập khẩu máy móc chính xác của TQ.

Trung tâm Nghiên cứu Phương Đông ở Ba Lan ghi nhận có ba lý do giải thích nhà thầu TQ đã trở thành ứng viên sáng giá nhất: Giá của nhà thầu TQ là giá thấp nhất; TQ có thể đồng ý cho Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi thiết kế ban đầu của tên lửa; Thổ Nhĩ Kỳ có thể hợp tác sản xuất với TQ để từ đó phát triển ngành công nghiệp quốc phòng nước nhà.

Theo báo chí Thổ Nhĩ Kỳ, phía TQ tuyên bố sẵn sàng chuyển giao công nghệ sản xuất tên lửa đất đối không cho Thổ Nhĩ Kỳ và bán tên lửa với giá rẻ hơn đối thủ cạnh tranh 25%.

Thổ Nhĩ Kỳ - Trung Quốc: Phi vụ 4 tỉ USD ảnh 1

Các dàn phóng tên lửa Patriot của Mỹ được triển khai tại TP Gaziantep của Thổ Nhĩ Kỳ theo kế hoạch phòng thủ của NATO. Ảnh: NATO

Ngày 2-10, trả lời báo Vatan (Thổ Nhĩ Kỳ), Bộ trưởng Quốc phòng Ismet Yilmaz giải thích sở dĩ Thổ Nhĩ Kỳ thích tên lửa TQ bởi TQ đã cho giá tốt nhất. Ông phân trần: “Chúng tôi đã yêu cầu hợp tác sản xuất và chuyển giao công nghệ. Nếu các nước khác không thể bảo đảm được điều đó với chúng tôi thì chúng tôi phải tìm các nước có thể thực hiện điều đó”.

Gáo nước lạnh Thổ Nhĩ Kỳ

Nếu tính theo quân số thì Thổ Nhĩ Kỳ là đội quân lớn thứ hai trong khối NATO. Vì lý do đó, như trang web Slate ngày 17-10 nhận định, quyết định đàm phán mua tên lửa TQ của Thổ Nhĩ Kỳ như gáo nước lạnh tạt thẳng vào mặt đồng minh NATO. Lầu Năm Góc không hiểu nổi tại sao Thổ Nhĩ Kỳ lại đi giao dịch mua tên lửa của Tổng Công ty Xuất nhập khẩu máy móc chính xác vốn là doanh nghiệp đã bị Mỹ trừng phạt vì giao vũ khí cho Iran, CHDCND Triều Tiên và Syria.

Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen ghi nhận tên lửa đất đối không FD-2000 của TQ sẽ không tương thích với các hệ thống vũ khí và radar của các nước NATO. Muốn các loại vũ khí này hoạt động tương thích, Tổng Công ty Xuất nhập khẩu máy móc chính xác nói riêng hay TQ nói chung phải nắm được dữ liệu mật của NATO. Điều này đương nhiên NATO không thể chấp nhận.

Tập đoàn quốc phòng Raytheon của Mỹ còn cay cú nhắc cho Thổ Nhĩ Kỳ nhớ rằng chính các dàn tên lửa Patriot của NATO đang bảo vệ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ nhằm ngăn ngừa Syria tấn công (Mỹ, Đức và Hà Lan đã triển khai sáu dàn tên lửa Patriot ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ cách đây vài tháng). Một nhà ngoại giao giấu tên nhận xét Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu các nước đồng minh NATO bảo vệ rồi bây giờ chơi qua mặt thì không thể chấp nhận được.

Trong bối cảnh đó, ngày 8-10, Bộ Ngoại giao TQ lên tiếng nếu TQ có ký hợp đồng vũ khí với Thổ Nhĩ Kỳ cũng là chuyện bình thường, do vậy các nước phương Tây quan tâm quá đáng thì rõ là phi lý và vô ích. Để giảm nhẹ lo ngại của Lầu Năm Góc và NATO, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã trấn an hiện thời Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa có quyết định cuối cùng về phi vụ mua tên lửa tầm xa và thủ tục ký kết hợp đồng với TQ vẫn chưa xong.

Con ngựa thành Troie?

Với phi vụ TQ bán tên lửa cho Thổ Nhĩ Kỳ, ngoài yếu tố thương mại, nhiều chuyên gia cho rằng TQ muốn sử dụng Thổ Nhĩ Kỳ như con ngựa thành Troie để thâm nhập châu Âu. Tuy nhiên, trang web Slate lại nhận định không phải thế.

Cách đây bốn năm, chính Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đã từng gợi lên mô hình mới của TQ biến hóa theo kiểu Thổ Nhĩ Kỳ. Có lúc Thổ Nhĩ Kỳ còn mang danh “Trung Quốc ở Trung Đông”.

Thương mại song phương hai nước đã đạt 24,1 tỉ USD năm 2012 trong khi cán cân thương mại thâm hụt về phía Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2012, Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu từ TQ 21,3 tỉ USD (9% tổng kim ngạch nhập khẩu), tăng bảy lần so với năm 2002 trong khi cùng kỳ chỉ xuất khẩu sang TQ 2,8 tỉ USD (2% tổng kim ngạch xuất khẩu). Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn tăng thương mại song phương lên gấp bốn lần trong vòng 10 năm.

Như chuyên gia kinh tế Deniz Unal (Trung tâm nghiên cứu viễn ảnh và thông tin quốc tế của Pháp) nhận định, TQ không lợi lộc gì khi sử dụng Thổ Nhĩ Kỳ để xuất khẩu sang châu Âu.

Chuyên gia kinh tế Françoise Lemoine nhận định: “Để đầu tư vào châu Âu, TQ không cần qua Thổ Nhĩ Kỳ… Nên nhớ TQ đã đầu tư vào Hy Lạp khi mua lại quyền chuyển nhượng cảng Piraeus và với đầu cầu này TQ dễ dàng vận chuyển trong châu Âu”.

Trong khuôn khổ các hiệp định về hải quan đã ký với Liên minh châu Âu (EU) năm 1996, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ có thể xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp trong EU theo tiêu chuẩn EU mà không phải trả chi phí hải quan. Dù vậy, cái lợi từ chi phí hải quan chẳng bõ bèn gì so với vốn đầu tư TQ đổ vào để sản xuất hàng tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Bàn đạp Thổ Nhĩ Kỳ

Thực tế cái mà các nhà đầu tư TQ cần là Thổ Nhĩ Kỳ trở thành bàn đạp để họ xâm nhập châu Phi. Từ lục địa đen, họ có thể thâm nhập thị trường EU trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại Cotonou (EU ký kết với châu Phi) hay đến Mỹ thông qua Luật về Tăng trưởng và Cơ hội cho châu Phi (AGOA).

Tại hội thảo do Hiệp hội Các nhà doanh nghiệp và công nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ (TUSKON) tổ chức cách đây vài tháng, Chủ tịch Hiệp hội Rizanur Meral ghi nhận: “Thông qua TUSKON, các nhà đầu tư TQ đã được mời đến Thổ Nhĩ Kỳ và từ đó họ cũng đến châu Phi, vùng Balkan, Trung Đông và Trung Á, các địa bàn chúng ta mong muốn thiết lập quan hệ đối tác”.

Trước nay TQ bị chỉ trích là thâu tóm tài nguyên và nguyên liệu theo kiểu của chủ nghĩa đế quốc. Giờ đây nhờ Thổ Nhĩ Kỳ, TQ muốn đánh bóng lại hình ảnh đã bị tổn thương ở đất nước thứ ba.

Chuyên gia kinh tế Daniel Bach (Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp) lưu ý hiện tượng các doanh nghiệp TQ sẽ hợp tác với các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ ở một số thị trường này và cạnh tranh với nhau tại một số thị trường khác.

Chất kết dính giữa TQ và Thổ Nhĩ Kỳ là quan hệ kinh tế ngày càng tăng của các nước mới nổi. Chuyên gia Deniz Unal ghi nhận: “Các nước mới nổi lớn (BRICS, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ) có thể tìm cách dựa vào TQ để tìm kiếm hợp tác tài chính và bảo vệ nhau trước dao động của đồng USD và đồng euro ảnh hưởng đến kinh tế”.

Đầu năm 2013, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã từng cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (có Trung Quốc). Trang web Slate ghi nhận sự kiện Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố chọn đối tác TQ để đàm phán mua tên lửa xảy ra không lâu trước khi EU công bố báo cáo năm 2013 về mở rộng EU cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngày 22-10, hội nghị bộ trưởng Ngoại giao 28 nước EU ở Luxembourg đã nhất trí vào ngày 5-11 tới EU sẽ đàm phán trở lại với Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề gia nhập EU sau ba năm ngưng trệ. EU dự kiến đàm phán hồi tháng 6 nhưng sau cùng phải hoãn vì Ủy ban châu Âu tố cáo cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng vũ lực thái quá trong trấn áp biểu tình ở quảng trường Taksim tại Istanbul.

Thổ Nhĩ Kỳ là ứng viên gõ cửa EU từ năm 1999 nhưng đến giờ này vẫn chưa vào được EU do Pháp và Đức phản đối và Cộng hòa Cyprus chưa đồng ý (quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chiếm miền Bắc Cyprus từ năm 1974). Trong 40 năm qua, EU có sáu giai đoạn mở rộng để tăng từ sáu nước lên 28 nước thành viên EU. Croatia là nước gia nhập gần nhất vào ngày 1-7 mới rồi. Trong danh sách chờ đợi gia nhập, ngoài Thổ Nhĩ Kỳ có năm nước gồm Montenegro, Macedonia, Serbia, Albania, Iceland.

HOÀNG DUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm