THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ

Thiếu quy định, cơ quan chức năng loay hoay

Thực tiễn thi hành án hình sự thời gian qua đã phát sinh hàng loạt vướng mắc trong ủy thác thi hành án, xét giảm thời hạn thụ án, quản lý án treo… Đến nay, cơ quan chức năng vẫn đang phải “tự bơi” vì thiếu quy định, thiếu hướng dẫn.

Năm 2006, bị cáo Nguyễn Văn T. bị TAND huyện Y phạt một năm tù cùng hình phạt bổ sung là ba năm quản chế tại địa phương về tội trộm cắp tài sản. Thụ án tù xong, T. được trại giam trả tự do.

Không tìm ra địa chỉ: Bế tắc

Mới đây, khi nhận từ trại giam giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt tù, TAND huyện Y đã ra quyết định ủy thác thi hành hình phạt bổ sung đối với T. cho tòa án địa phương nơi T. cư trú.

Tuy nhiên, khi tòa nơi T. cư trú ra quyết định thi hành hình phạt quản chế đối với T. thì được chính quyền địa phương thông báo là không tìm thấy T. và cũng không có địa chỉ cư trú theo bản án đã tuyên. Vì thế, tòa này phải trả hồ sơ ủy thác lại cho TAND huyện Y.

Việc thi hành án đến đây xem như bế tắc bởi TAND huyện Y không có khả năng tự xác minh, còn việc giao cho cơ quan công an thì lại không có hướng dẫn. Đồng thời, tòa cũng không thể ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án bởi không có quy định.

Thiếu quy định, cơ quan chức năng loay hoay ảnh 1

Không xác định được địa chỉ người bị kết án, tòa nhận ủy thác thi hành án gặp khó. Ảnh minh họa: HTD

Theo một thẩm phán TAND TP.HCM, pháp luật tố tụng hình sự hiện chưa hướng dẫn là phải làm gì trong trường hợp tòa nhận ủy thác thi hành án các hình phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, án treo, hình phạt bổ sung trả lại hồ sơ vì không xác định được địa chỉ của người bị kết án. Một loạt câu hỏi đang được đặt ra mà chưa có ai trả lời: Tòa đã ủy thác thi hành án có tiếp tục xác minh nữa hay không? Nếu có thì ai xác minh? Nếu không thì tòa tạm đình chỉ thi hành hình phạt theo trình tự và thủ tục nào?

Tính thời gian thụ án để xét giảm: Lúng túng

Theo quy định hiện hành, thời gian phạm nhân đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là 1/3 mức án tù từ 30 năm trở xuống, 12 năm đối với tù chung thân. Vấn đề là nếu phạm nhân bị tổng hợp hình phạt tù của nhiều bản án, có hình phạt chung là tù chung thân thì phải tính thời gian đã thụ án để xét giảm ra sao?

Chẳng hạn, năm 1998, A bị phạt án tù chung thân về tội giết người. Năm năm sau, A lại bị phạt chín năm tù về tội cố ý gây thương tích. Tổng hợp hai bản án, hình phạt chung mà A phải chấp hành là tù chung thân.

Ở đây, trước khi bị phạt về tội cố ý gây thương tích, A đã ngồi trong tù được năm năm theo bản án cũ. Vậy năm năm này có được tính vào thời hạn 12 năm để A được xét giảm lần đầu hay không? Hay thời hạn 12 năm sẽ chỉ bắt đầu tính từ khi A chấp hành bản án mới?

Không rõ trình tự, thủ tục

Theo khoản 3 Điều 257 Bộ luật Tố tụng hình sự, các hình phạt quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân được giao cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan, tổ chức nơi thi hành án thực hiện.

Thực tế, để thi hành các loại hình phạt này thì lại chưa có văn bản quy định về trình tự, thủ tục, không có mẫu quyết định thi hành án. Đồng thời, trách nhiệm phối hợp giữa tòa, chính quyền địa phương hoặc cơ quan, tổ chức nơi thi hành án như thế nào cũng không rõ.

Một vấn đề khác, theo quy định, việc xác định người bị kết án phạt tù bị bệnh nặng cần có các hồ sơ: Bản kết luận của hội đồng giám định y khoa, văn bản xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền, bản kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên về tình trạng bệnh tật, bản kết luận của tổ chức giám định tư pháp, kết quả xét nghiệm HIV theo quy định của Bộ Y tế...

Tổng hợp lại, chỉ có trường hợp người bị kết án bị HIV chuyển sang giai đoạn AIDS phải có bản kết quả xét nghiệm HIV và trong hồ sơ bệnh án phải xác định rõ đang có các nhiễm trùng cơ hội, có tiên lượng xấu. Những trường hợp khác thì không rõ xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền là như thế nào để làm căn cứ xem xét.

Ngoài ra, việc đình chỉ chấp hành hình phạt tù với người bị kết án đã chết trong lúc được hoãn hay tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù cũng thiếu trình tự, thủ tục để thực hiện.

Giao trách nhiệm cho công an?

Xung quanh chuyện hồ sơ ủy thác thi hành án bị trả lại vì không biết đương sự đang ở đâu, có ý kiến đề xuất để vụ việc không bị bỏ lửng như hiện nay thì tòa đã ủy thác nên giao cho cơ quan công an cùng cấp tiếp tục xác minh. Nếu không xác minh được thì ra quyết định tạm đình chỉ việc thi hành án cho đến khi có điều kiện khôi phục.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc người bị kết án vắng mặt tại nơi cư trú mà không có lý do chính đáng thì xem như là đã bỏ trốn. Tòa nên yêu cầu cơ quan công an cùng cấp ra quyết định truy nã về hành vi không chấp hành án chứ không phải tạm đình chỉ thi hành án.

Miễn hình phạt, có cần ra quyết định?

Thực tiễn xét xử, nhiều trường hợp tòa áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 255 Bộ luật Tố tụng hình sự để trả tự do cho bị cáo được miễn hình phạt hay cho bị cáo có thời hạn tù bằng hoặc ngắn hơn thời hạn tạm giam. Vậy tòa có phải ra quyết định thi hành án phạt tù hay không? Chuyện này cũng chưa rõ, đang cần hướng dẫn.

Một kiểm sát viên VKSND Tối cao

Quản lý người nước ngoài ra sao?

Hiện nay, tình trạng người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam đang có xu hướng gia tăng nhưng luật chưa quy định rõ đối với trường hợp phạm nhân người nước ngoài đã thụ án tù xong thì đưa họ về đâu, cho cơ quan nào quản lý? Đồng thời, nhà làm luật cần quy định rõ hơn về trình tự, thủ tục, trách nhiệm của cơ quan thi hành án đối với từng loại hình phạt để tránh sự đùn đẩy, buông lỏng.

Kiểm sát viên NGUYỄN ANH ĐỨC,
VKSND TP Đồng Hới (Quảng Bình)

Quản lý án treo, mỗi nơi một kiểu

Theo quy định, người được hưởng án treo sẽ giao về cho chính quyền địa phương nơi cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi công tác giám sát, giáo dục và họ được cấp sổ theo dõi việc chấp hành án. Tuy nhiên, về trình tự, thủ tục giao người và cấp sổ theo dõi lại thiếu hướng dẫn thống nhất, mỗi nơi làm một kiểu nên khó xác định trách nhiệm.

Một thẩm phán tòa quận tại TP.HCM

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm