Thiếu hướng dẫn, thi hành án lúng túng

Theo Luật Thi hành án dân sự (LTHADS), trong việc cưỡng chế liên quan tài sản chung, nếu chủ sở hữu chung không khởi kiện xác định phần sở hữu của họ thì người được thi hành án (THA) hoặc chấp hành viên có quyền yêu cầu tòa án xác định phần sở hữu của người phải THA trong khối tài sản chung để đảm bảo THA.

Được quyền kiện nhưng tòa không thụ lý

Mặc dù quy định đã rõ ràng như vậy nhưng cuối cùng THA cũng vướng khi phía tòa không chịu thụ lý việc xác định đâu là tài sản riêng trong khối tài sản chung của các đương sự.

Cụ thể như vụ của ông Nguyễn Văn H. ở quận Bình Thạnh (TP.HCM). Năm 2007, ông yêu cầu ông T. phải thi hành bản án trả nợ. Sau đó, ông phát hiện ông T. có một căn nhà ở quận 10 nên yêu cầu THA cưỡng chế, phát mại. Trớ trêu thay căn nhà trên là tài sản chung của ông T. với người chị. Cơ quan THA đã mời các bên liên quan đến để thỏa thuận phân chia tài sản nhưng chị ông T. không đến. Hai chủ sở hữu chung này cũng không thèm khởi kiện ra tòa để xác định phần tài sản riêng của mình.

Thấy bên kia không hợp tác, căn theo LTHADS, ông H. đã khởi kiện ra tòa yêu cầu xác định phần nhà riêng của ông T. Tuy nhiên, tòa án đã trả lại đơn vì cho rằng không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa.

Tòa lý giải, theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó. Ông H. hay cơ quan THA khởi kiện là không được vì không phải đương sự trong vụ án mà chỉ là… người ngoài.

Thiếu hướng dẫn, thi hành án lúng túng ảnh 1

Trước tình hình đó, cơ quan THA đành phải xếp hồ sơ, báo cáo khó khăn, chờ hướng dẫn.

Người dân dễ hiểu lầm

Một khó khăn khác là thiếu hướng dẫn cụ thể về đơn yêu cầu THA. Hiện nay chưa có mẫu đơn áp dụng thống nhất nên mỗi nơi có một loại mẫu đơn khác nhau. Thậm chí có nơi chỉ yêu cầu người có yêu cầu tự viết tay. Trong đó, việc hướng dẫn người được THA viết đơn mất rất nhiều thời gian do điền không đúng, không đủ thông tin cần thiết hoặc không đạt yêu cầu về pháp lý. Người được THA phải làm đi làm lại nhiều lần, gây phiền hà, bức xúc dẫn đến khiếu kiện khiến vụ việc bị giải quyết chậm, gây tồn đọng.

Bà Nguyễn Thị Thu (quận Thủ Đức, TP.HCM) cho biết bà là người được THA trong một vụ kiện dân sự. Mặc dù được cán bộ THA hướng dẫn làm đơn yêu cầu THA nhưng cũng phải ba lần bổ sung, chỉnh sửa thì đơn yêu cầu mới được chấp nhận.

Bên cạnh những khó khăn nói trên còn có cái khó về việc xác định chi phí xác minh điều kiện THA của người được THA. Hiện nay chưa có quy định nào đề cập về việc thu phí xác minh bao nhiêu, thu theo vụ hay theo việc hay theo tính chất của việc cần xác minh khó hay dễ, xác minh ở cơ quan nhà nước hay tư nhân… Đồng thời, xác định thế nào là chi phí thực tế, hợp lý không ít về chuyện này.

Tòa tuyên chưa rõ, khó thi hành án

Trong một buổi báo cáo công tác THA trước Ban Pháp chế HĐND TP.HCM, ông Nguyễn Văn Lực, Cục trưởng Cục THA DS TP.HCM, cho biết ngoài việc thiếu một số thông tư hướng dẫn Luật THA thì hiện nay một số bản án của tòa tuyên ra chưa sát với thực tế hoặc chưa rõ. Có vụ nhiều lần THA yêu cầu tòa giải thích bản án nhưng cũng không được đáp ứng. Những điều này dẫn đến một số khó khăn và làm tăng lượng án tồn cho ngành THA.

Không biết dựa vào đâu để thu

Chi cục THA quận 5 chưa nhận được vụ nào người dân yêu cầu xác minh điều kiện THA ban đầu. Có thể là những vụ việc đang thụ lý, người dân thấy mình có thể xác minh được nên chưa yêu cầu. Nhưng thú thực, nếu sau này có người yêu cầu xác minh thì THA không biết dựa vào đâu để thu phí xác minh. Nhưng cũng không thể đi xác minh miễn phí được. Một mặt phải có hướng dẫn, mặt khác thì trong một số trường hợp tòa nên tuyên rõ cách thức THA đối với người phải THA để dễ THA hơn...

Ông ĐỖ MẠNH THỦY, Chi cục trưởng Chi cục THA quận 5 (TP.HCM)

Một số việc vẫn áp dụng hướng dẫn cũ

Đúng là hiện nay cơ quan THA còn gặp một số khó khăn vướng mắc vì thiếu thông tư hướng dẫn. Vì vậy, cơ quan THA nhiều lúc vẫn phải tiếp tục áp dụng một số thông tư hướng dẫn cũ nhưng vẫn còn hiệu lực để giải quyết một số vấn đề chưa được hướng dẫn theo luật mới. Nhiều việc thì linh động áp dụng được nhưng không phải là tất cả.

Ông NGUYỄN VĂN VÂN, Chi cục trưởng Chi cục THA quận 1 (TP.HCM)

Cần bàn bạc để thống nhất

Mặc dù LTHADS quy định rõ việc khởi kiện của người được THA, chấp hành viên về vấn đề tài sản chung nhưng tòa từ chối thụ lý cũng có lý của tòa. Tòa thì theo quy định của Bộ luật Tố tụng DS để làm và tòa làm đúng. Nhưng căn theo LTHADS thì cơ quan THA có quyền… thắc mắc. Thiết nghĩ cũng phải có hướng dẫn. Các cơ quan chức năng cần bàn bạc để thống nhất với nhau, tránh đưa ra quy định trái ngược nhau.

Luật sư CỔ HIỆP, Đoàn Luật sư TP.HCM

NGUYỄN TIẾN HIỂU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm