Thi hành án can thiệp trái luật

Trước đây vợ chồng ông Nguyễn Văn Nghĩa (ngụ thị xã Gò Công, Tiền Giang) vay của bà Ngô Thị Lương hơn 600 triệu đồng. Không thỏa thuận được việc trả nợ, bà Lương kiện vợ chồng ông Nghĩa ra tòa. Ngày 15-1-2013, TAND thị xã Gò Công đã xử sơ thẩm, tuyên buộc vợ chồng ông Nghĩa phải liên đới trả số tiền trên cho bà Lương (trả một lần).

Can thiệp khi án chưa có hiệu lực

Khi bản án chưa có hiệu lực pháp luật (vợ chồng ông Nghĩa kháng cáo), tám ngày sau, Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) thị xã Gò Công ra Công văn số 29 gửi Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất (ĐKQSDĐ) thị xã yêu cầu ngăn chặn việc chuyển dịch các loại tài sản của vợ chồng ông Nghĩa.

Công văn số 29 này không hề viện dẫn điều khoản hay quy định nào của pháp luật để làm căn cứ mà có nội dung khá ngắn gọn. Theo đó, vợ chồng ông Nghĩa đang thực hiện việc chuyển nhượng các phần đất tọa lạc tại xã Bình Xuân (thị xã Gò Công) nhằm tẩu tán tài sản. Do đó Chi cục THA đề nghị Văn phòng ĐKQSDĐ ngưng làm các thủ tục để không cho vợ chồng ông Nghĩa chuyển nhượng các thửa đất nói trên nhằm đảm bảo cho việc THA.

Sau khi nhận được công văn này, Văn phòng ĐKQSDĐ thị xã Gò Công dù không chính thức ra quyết định ngăn chặn nhưng đã làm theo yêu cầu của Chi cục THA. Do vậy việc chuyển nhượng đất giữa vợ chồng ông Nghĩa với người khác bị chựng lại ở giai đoạn nộp thuế dù trước đó hai bên đã ký hợp đồng công chứng.

Vợ chồng ông Nghĩa cho rằng việc cơ quan THA ra công văn đề nghị ngăn chặn là sai thẩm quyền, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của họ. Ảnh: T.TÙNG

Sai thẩm quyền, không có căn cứ

Theo TS Nguyễn Văn Tiến (giảng viên khoa Luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM), theo quy định hiện hành, trong giai đoạn xét xử, chỉ có tòa án mới có quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để ngăn chặn chuyển dịch tài sản nếu đương sự có yêu cầu và yêu cầu đó phù hợp. Nếu bản án đã có hiệu lực pháp luật và cơ quan THADS đã ra quyết định THA thì cơ quan này cũng được quyền đề nghị hoặc ra quyết định ngăn chặn.

Ở vụ việc trên, tại thời điểm tòa sơ thẩm vừa xử xong, bản án đó chưa có hiệu lực pháp luật thì cơ quan THA không có thẩm quyền can thiệp. Thẩm quyền xem xét áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời lúc này (nếu một bên đương sự có yêu cầu) thuộc về tòa cấp phúc thẩm sau khi tòa này đã thụ lý. Việc cơ quan THADS ra công văn yêu cầu Văn phòng ĐKQSDĐ ngăn chặn giao dịch của đương sự là hoàn toàn sai thẩm quyền, không có cơ sở pháp lý. Từ đó việc Văn phòng ĐKQSDĐ làm theo yêu cầu của công văn này là không đúng.

Đồng tình, ông Võ Thành Danh (Chi cục trưởng Chi cục THADS quận 8, TP.HCM) cũng cho rằng theo Luật THADS, cơ quan THA chỉ tổ chức thi hành các bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Luật THADS chỉ quy định một số ít trường hợp án chưa có hiệu lực pháp luật nhưng được thi hành ngay như việc cấp dưỡng nuôi con, bồi thường về lao động… Các tranh chấp về đất đai, đòi nợ… đều không thuộc nhóm trường hợp ngoại lệ này. Như vậy trong vụ tranh chấp đòi nợ nói trên, không có cơ sở để cơ quan THA ra công văn yêu cầu ngăn chặn. Khi bản án chưa có hiệu lực pháp luật và đương sự chưa có đơn yêu cầu THA thì cơ quan THA chưa được can thiệp vào bất cứ nội dung nào của bản án, cũng như không có quyền kê biên, ngăn chặn hoặc đề nghị kê biên, ngăn chặn.

THANH TÙNG

 

Chưa thể giải thích

Sau khi việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất bị ngưng lại theo yêu cầu của Chi cục THADS thị xã Gò Công, phía người mua đất đã khởi kiện vợ chồng ông Nghĩa yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng mua bán đất và được TAND thị xã Gò Công thụ lý.

Trong vụ tranh chấp này, tòa xác định Chi cục THA là người liên quan. Tại biên bản lời khai gửi tòa, đại diện Chi cục THADS thị xã Gò Công vẫn có lời khai tái khẳng định việc ban hành Công văn số 29 đề nghị ngăn chặn là “đúng trình tự, thủ tục luật định”?! Ngày 8-5 vừa qua, TAND thị xã Gò Công đã xử sơ thẩm, tuyên bác yêu cầu của nguyên đơn, hủy hợp đồng chuyển nhượng trước đó mà các bên đã làm công chứng. Tại tòa, hai bên đương sự cùng đề nghị hủy bỏ Công văn số 29 nhưng tòa không xem xét với lý do yêu cầu này không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa. Hiện cả hai bên nguyên, bị đơn đã kháng cáo bản án này.

PV Pháp Luật TP.HCM đã liên hệ với Chi cục THADS thị xã Gò Công để tìm hiểu về việc đại diện Chi cục dựa vào căn cứ pháp lý nào, văn bản nào, điều khoản nào, quy định nào để khẳng định việc ban hành Công văn số 29 đề nghị ngăn chặn là “đúng trình tự, thủ tục luật định”. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Phương Lan (Chi cục phó Chi cục THADS thị xã Gò Công) cho biết hiện cơ quan đang trong quá trình chuyển giao vị trí chi cục trưởng, lãnh đạo cũ đã chuyển đi, người mới thì cấp trên chưa có quyết định bổ nhiệm. Do đó theo bà Lan, “vào thời điểm này cơ quan chưa thể phát ngôn gì với các cơ quan báo chí, khi nào hoạt động đi vào ổn định thì sẽ gặp sau”.

Những bản án, quyết định được thi hành

1.  Bản án, quyết định quy định tại Điều 1 của luật này đã có hiệu lực pháp luật:

a) Bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định của tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm;

b) Bản án, quyết định của tòa án cấp phúc thẩm;

c) Quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của tòa án;

d) Bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài, quyết định của trọng tài nước ngoài đã được tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam;

đ) Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng Xử lý vụ việc cạnh tranh mà sau 30 ngày kể từ ngày có hiệu lực pháp luật đương sự không tự nguyện thi hành, không khởi kiện tại tòa án;

e) Quyết định của trọng tài thương mại.

2. Những bản án, quyết định sau đây của tòa án cấp sơ thẩm được thi hành ngay, mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị:

a) Bản án, quyết định về cấp dưỡng, trả lương, trả công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động hoặc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tổn thất về tinh thần, nhận người lao động trở lại làm việc;

b) Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

(Theo Điều 2 Luật THADS)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm