Thi bằng lái xe ở các nước: Không yêu cầu đo vòng ngực!

Bằng lái xe cơ giới đầu tiên trên thế giới ra đời năm 1888, được chính phủ Đức cấp cho kỹ sư Karl Benz để ông có thể lái chiếc ô tô vừa được sáng chế đầu tiên Motorwagen trên đường. Đến năm 1910, quy mô cấp bằng lái mở rộng ra toàn nước Đức. Trong thế kỷ XX, tất cả các nước châu Âu đã làm theo mô hình đào tạo, thi bằng lái ở Đức. Khu vực Bắc Mỹ cũng áp dụng mô hình đào tạo, thi bằng lái của Đức vào năm 1910 sau khi tình trạng thương vong vì tai nạn giao thông do ô tô gây ra tăng cao. Bang New York (Mỹ) là nơi cấp bằng lái đầu tiên trong khu vực.

Đa dạng quy định

Quy định về kỳ thi có điểm khác nhau ở các nước. Ở Thái Lan, người muốn có bằng lái nhất thiết phải đăng ký học tại trường dạy lái và thi, không có chuyện tự học rồi chỉ đăng ký thi. Tuy nhiên, quá trình học và thi tương đối đơn giản, chỉ gói gọn trong hai ngày. Ngày một, sau khi vượt qua vòng kiểm tra thị lực và khả năng phản ứng của cơ thể, học viên bắt đầu học lý thuyết trong 4 giờ sau đó tiến hành thi. Ai thi rớt sẽ thi lại luôn trong ngày. Trong vòng ba tháng sau khi đậu lý thuyết, học viên phải đăng ký một ngày thi thực hành. Nếu không vượt qua phần nào trong quá trình thi thực hành, học viên chỉ cần thi lại phần đó.

Tại Ấn Độ, người muốn lấy bằng trước hết phải trải qua một kỳ thi lý thuyết qua hình thức vấn đáp hoặc viết tùy theo từng bang. Nếu đậu họ sẽ được cấp một bằng lái tạm thời có hiệu lực sáu tháng, đủ điều kiện điều khiển xe trên đường. Tối đa sau sáu tháng, họ phải đăng ký thi thực hành để được cấp bằng lái lâu dài.

Thi bằng lái xe ở các nước: Không yêu cầu đo vòng ngực! ảnh 1

Dạy lái xe ở Úc. Ảnh: groupon.com

Cách thức đào tạo và cấp bằng lái ở Singapore khá phức tạp. Người muốn có bằng trước hết phải đăng ký học luật giao thông ở trường dạy lái, nếu thi đậu sau đó mới bắt đầu học lái. Đậu hết hai kỳ thi, học viên sẽ được cấp bằng. Tuy nhiên, người sở hữu sẽ trải qua một năm thử thách, nếu vi phạm tới 12 lỗi giao thông trong năm này bằng lái sẽ bị tịch thu lại.

Thời hạn hiệu lực của bằng lái tại mỗi nước không giống nhau, dao động từ hai đến năm năm phải xin cấp mới. Bằng lái Ấn Độ có hiệu lực trong vòng năm năm, bằng lái thương mại (dành cho các tài xế chuyên lái xe kinh doanh) chỉ có hiệu lực trong ba năm.

Hầu hết các nước công nhận bằng lái của du khách nước ngoài khi họ điều khiển xe tại nước mình. Nhiều nhóm nước công nhận hiệu lực bằng lái lẫn nhau, chẳng hạn các nước trong khối Liên minh châu Âu, ASEAN.

Đối với người nước ngoài không được công nhận hiệu lực bằng lái tại một nước nào đó, họ có thể sử dụng giấy phép lái xe quốc tế (IDP). IDP chỉ hiệu lực khi dùng kèm theo bằng lái nước quê nhà người đó cấp. IDP được hầu hết các nước trên thế giới công nhận, trừ Trung Quốc. Muốn lái xe tại Trung Quốc, người nước ngoài phải thi lấy bằng lái xe nước này (bằng lái Hong Kong, Macau, Đài Loan cấp không hợp lệ).

Ở đa số các nước, người nước ngoài cũng có thể tham gia thi lấy bằng lái nước mình đang ở nếu cư trú ở nước đó từ ít nhất sáu tháng hoặc một năm trở lên và đáp ứng đủ các điều kiện thi bằng lái như công dân nước đó.

Thi bằng lái xe ở các nước: Không yêu cầu đo vòng ngực! ảnh 2

Hướng dẫn lái xe ở Canada. Ảnh: goodinfohub.org

Tiêu chuẩn sức khỏe khá gắt gao

Ngoài kiến thức luật giao thông và kỹ năng lái xe, hai điều kiện để được tham gia thi bằng lái ở hầu hết các nước là độ tuổi phù hợp và sức khỏe đủ tiêu chuẩn.

Độ tuổi là điểm khá tương đồng trong quy định thi bằng lái ở các nước. Độ tuổi trung bình được thi bằng lái các loại xe từ 50 cm3 trở lên là 18, dưới 50 cm3 là 16. Riêng ở Thái Lan, El Salvador, Mexico, 15 tuổi đã có thể thi bằng lái xe dưới 50 cm3. Với các loại xe lớn (xe chở khách, xe tải loại lớn, xe đầu kéo…) độ tuổi trung bình từ 20 đến 22.

Yêu cầu chung của các nước khi xét học thi, cấp bằng lái là học viên phải có tình trạng sức khỏe tổng quát đủ điều kiện điều khiển xe. Nội dung ưu tiên nhất là thị lực phải tốt.

Ở Ấn Độ, người trẻ đăng ký thi bằng lái chỉ phải khám sức khỏe tổng quát, tuy nhiên người trên 50 tuổi muốn thi bằng lái sẽ phải qua kỳ kiểm tra sức khỏe gắt gao. Người muốn được thi và cấp bằng lái tại Pakistan phải khai báo quá trình vi phạm luật giao thông trước đó, cung cấp mẫu chữ ký và xét nghiệm máu. Mẫu chữ ký và thông tin nhóm máu sẽ được thể hiện trên bằng lái.

Tại Indonesia, ngoài khám sức khỏe tổng quát, kiểm tra thị lực, bác sĩ còn kiểm tra độ nhanh nhạy của phản ứng cơ thể, kiểm tra tâm lý, sức khỏe tâm thần. Người khuyết tật Indonesia cũng được thi và được cấp bằng lái xe, dĩ nhiên là để điều khiển các loại xe thiết kế cho người khuyết tật.

Người dân Costa Rica muốn được cấp bằng lái phải trải qua kỳ kiểm tra sức khỏe với các nội dung: kiểm tra thị lực, huyết áp, tầm soát bệnh tật cũng như phải liệt kê các thói quen trong sinh hoạt thường ngày.

Không quy định “vòng ngực”

Úc quy định, lái xe là một việc phức tạp đòi hỏi người lái phải có nhận thức, đánh giá tốt, có trách nhiệm và năng lực cơ thể phù hợp. Các tiêu chuẩn sức khỏe do các chuyên gia y tế xây dựng và được sự chấp thuận của các cơ quan phụ trách khảo sát cấp bằng lái, tiêu chuẩn xét cấp bằng lái xe hạng nặng (xe chở khách, xe tải…) cao hơn bằng lái xe hạng nhẹ.

Hồ sơ xin thi cấp bằng lái ở Úc phải có giấy chứng nhận sức khỏe đủ điều kiện lái xe an toàn. Trong quá trình khám, người xin cấp bằng lái phải khai báo rõ với bác sĩ tình trạng sức khỏe, đặc biệt không được che dấu các vấn đề ảnh hưởng đến khả năng lái xe, nếu bị phát hiện sẽ bị phạt 6.600 đôla Úc (125 triệu đồng VN) và bị bác thi hoặc bị thu hồi bằng lái.

Một số vấn đề sức khỏe ảnh hưởng đến lái xe theo quy định của Úc là: dễ bị choáng, ngất; mất trí hoặc suy giảm nhận thức; co giật, động kinh; tiểu đường; bệnh tim; rối loạn giấc ngủ, các vấn đề về thần kinh, tầm nhìn kém, lạm dụng rượu và chất gây nghiện; đau thắt ngực khi lái xe; bệnh Parkinson; mạch máu não có vấn đề, từng bị thương nặng ở đầu; u não; phải phẫu thuật não… Người có các vấn đề sức khỏe này không hẳn không được lái xe mà có thể được xét cấp bằng lái các loại xe hạng nhẹ và phải đến bác sĩ khám thường xuyên.

Canada cũng yêu cầu người xin cấp bằng lái xe phải có sức khỏe thể chất và tâm thần tốt. Người muốn cấp bằng lái phải thông báo mọi vấn đề sức khỏe trước khi tham gia thi, vào thời điểm cấp mới hay trong vòng 30 ngày từ khi tình trạng sức khỏe có thay đổi. Nếu bị phát hiện cung cấp sai thông tin, người đó không những không được cấp hoặc bị thu bằng mà còn bị phạt từ 300 đến 600 đôla Canada (6-12 triệu đồng VN).

Tại Anh, người đã được cấp bằng lái xe mà phát hiện mình có vấn đề về sức khỏe ảnh hưởng tới khả năng lái xe, chẳng hạn từng động kinh, đột quỵ, có vấn đề về sức khỏe tâm thần, tầm nhìn kém đi, phản ứng cơ thể chậm chạp thì phải ngừng lái xe nếu bác sĩ khuyến cáo. Đồng thời, họ phải báo cho cơ quan quản lý bằng lái và phương tiện giao thông nước họ. Cơ quan này sẽ kiểm tra lại sức khỏe người đó, tham khảo ý kiến bác sĩ xem có nên thu hồi bằng lái hay đổi sang loại bằng lái xe hạng nhẹ hơn, thời gian hiệu lực ngắn hơn. Người này có thể xin cấp lại bằng lái khi sức khỏe đủ điều kiện lái xe.

Ý thức người lái xe quan trọng nhất

Việc lấy bằng lái ở Mỹ khá đơn giản, quốc gia này không đòi hỏi gì về yêu cầu sức khỏe, miễn rằng người thi nắm được luật và có thể điều khiển được chiếc xe. Ví như ở Việt Nam, người lái xe có thể bấm còi vô tội vạ nhưng ở Mỹ không được bấm còi nếu không phải là cảnh báo an toàn để tránh đâm xe. Bấm còi ở Mỹ đồng nghĩa xe phía sau đang “chửi” xe phía trước sai luật.

Thực tế, tiêu chuẩn sức khỏe là cần thiết nhưng ý thức người tham gia giao thông là quan trọng hơn. Bởi thời gian qua rất nhiều tai nạn giao thông xảy ra là do ý thức của người tham gia giao thông quá kém. Trong việc thi lý thuyết lái xe hiện nay, người thi phải được học luật một cách bài bản, kỹ lưỡng. Cơ quan chức năng không nên soạn ra bộ câu hỏi trắc nghiệm rồi người thi cứ thế học thuộc lòng hoặc học mẹo.

QUỐC DŨNG

THIÊN ÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm