Thấy nguy không cứu: Dễ lên án, khó buộc tội!

 Ông Đinh Văn Quế

Riêng xe cứu thương 63M-000.16 của Trung tâm Y tế huyện Châu Thành (Tiền Giang) do tài xế Đỗ Văn Mười điều khiển, sau khi bị người dân chặn lại, tài xế cũng chỉ nhìn rồi nhấn ga đi luôn. Lý giải cho hành động này, tài xế Mười cho rằng đã dừng xe, thuyết phục người nhà bệnh nhân trên xe cho chở thêm một, hai người đi cấp cứu nhưng họ không cho…

Trong cuộc sống, có những tâm gương xả thân cứu người bị nạn, được xã hội tôn vinh nhưng cũng không ít người thấy người bị nạn là làm ngơ, vô cảm. Cũng có người mang nặng tư tưởng lạc hậu, cho rằng nếu cứu người bị nạn thì sẽ gặp những điều rủi ro trong cuộc sống, nhất là những người làm nghề chài lưới, họ không muốn cứu người sắp chết đuối vì quan niệm lạc hậu: Nếu cứu, họ sẽ gặp “điềm gở”. Việc không cứu giúp người bị nạn rất dễ bị xã hội lên án nhưng để quy trách nhiệm pháp lý, nhất là quy tội đối với họ lại là vấn đề không đơn giản.

Theo Bộ luật Hình sự, chỉ bị coi là phạm tội “không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” khi thấy người khác đang ở trong tình trạng sắp chết, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết thì mới cấu thành tội phạm.

Trước hết, người phạm tội phải là người thấy người khác ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, có điều kiện cứu được người đó khỏi chết mà không cứu thì mới bị coi là phạm tội. Điều kiện để cứu được người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng là khả năng thực tế có thể cứu được người sắp chết. Khả năng này có thể do bẩm sinh, do rèn luyện, do học tập hoặc do tính chất nghề nghiệp mà có. Người phạm tội phải là người không có hành động nào nhằm cứu người bị hại. Không hành động là một biểu hiện tiêu cực, lẽ ra họ phải có nghĩa vụ làm để cứu người nhưng lại không làm dẫn đến nạn nhân bị chết. Nếu họ đã có hành động nhưng vẫn không cứu được người bị nạn thì không bị coi là phạm tội. Tuy nhiên, nếu đang hành động, không có một trở ngại nào ngăn cản mà tự ý dừng lại mặc dù vẫn còn điều kiện cứu mà không cứu để người bị nạn chết thì vẫn bị coi là phạm tội.

Về phía nạn nhân, phải thực sự đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng (sắp chết), nếu được cứu sẽ không bị chết như bị ngộ độc, bị thương nặng ra nhiều máu chưa được băng bó,... Còn nếu nạn nhân chưa ở trong tình trạng trên, có người biết nhưng không cứu giúp, sau đó bị chết vì nguyên nhân khác thì người không cứu trước đó không bị coi là phạm tội. Người bị nạn phải chết thì người không cứu mới coi là phạm tội. Nếu trước đó có người cố tình không cứu nhưng sau đó nạn nhân lại được người khác cứu nên không chết thì người có hành vi cố tình không cứu trước đó cũng chưa phải là hành vi phạm tội. Hành vi không cứu giúp phải là nguyên nhân dẫn đến cái chết cho nạn nhân. Nếu nạn nhân đã lâm vào tình trạng “cứu cũng chết, không cứu cũng chết” thì hành vi không cứu không phải là hành vi phạm tội.

Trở lại trường hợp của lái xe Mười, theo Luật Giao thông đường bộ, việc cứu người bị nạn là trách nhiệm của lái xe chứ không phải của chủ xe hay người ngồi trên xe. Người nhà của bệnh nhân trên xe ngăn cản không phải là yếu tố loại trừ trách nhiệm pháp lý đối với lái xe Mười. Tuy nhiên, cần phải xác định các nạn nhân trong vụ tai nạn này bị tử vong có phải do hành vi không cứu giúp của Mười hay không. Nếu các nạn nhân đã rơi vào tình trạng “cứu cũng chết, không cứu cũng chết” thì hành vi không đưa các nạn nhân đi cấp cứu của lái xe Mười và các tài xế của một số xe khác chưa thể truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ là hành vi phi đạo đức, vô cảm cần lên án và xử lý hành chính.

ĐINH VĂN QUẾ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm