Thẩm phán kể chuyện ly hôn

Con người ta đến với nhau chủ yếu bắt nguồn từ lý do tình yêu. Nhưng khi đưa nhau ra tòa để giải quyết hậu quả của cuộc hôn nhân rạn vỡ thì người ta lại có hằng hà sa số những nguyên nhân. Dưới đây là những mẩu chuyện do một vị thẩm phán từng xử nhiều vụ ly hôn (đề nghị không nêu tên) kể lại.

Khi chồng giữ tay hòm chìa khóa

Vụ ly hôn ấy cả hai đương sự đều là dược sĩ. Nhà họ có hiệu thuốc, có trang trại ở Lâm Đồng trồng hoa, chồng lại làm ăn bên ngoài. Là người nhanh nhẹn, thức thời, anh khá thành đạt trong lĩnh vực kinh doanh thuốc và thực phẩm chức năng. Giỏi giao tế, anh được nhiều người ngưỡng mộ, phụ nữ theo cũng nhiều. Ra ngoài, anh luôn mạnh tay chi tiêu, tỏ ra là người rất phóng khoáng.

Nhưng về nhà thì lại khác, mọi thu chi trong gia đình đều do anh quản lý. Mỗi ngày anh đưa vợ 100.000 đồng để lo bữa ăn cho hai vợ chồng và đứa con trai. Khi hết gạo, muối, hành, bột ngọt… chị phải ngửa tay hỏi chồng. Tiền bạc không chủ động được nên khi bệnh, cần tiền bồi bổ, chữa trị, chị bất quá phải mở miệng nói anh mở hầu bao. Anh dửng dưng bảo chị đi mà ứng trước tiền bán hoa hoặc về nhà ngoại… mượn. Khi chị nhập viện, anh cho người giúp việc vào chăm sóc, còn mình thì vi vu với lý do bận đàm phán, làm ăn…

Kể chuyện với thẩm phán, chị bảo rằng thực sự mình không muốn dứt tình, việc nộp đơn chỉ như một phép thử tình cảm của chồng, để chồng coi lại bản thân. Vì vậy, tại phiên hòa giải, chị bảo mình vẫn còn muốn đoàn tụ nhưng chồng phải cho mình chủ động tiền bạc. Tuy nhiên, người chồng lại không tha thiết gì với yêu cầu của vợ và nói: “Cô ấy thích ly hôn thì chiều”. Đến nước này thì người vợ cương quyết ly hôn.

Không có gì chứng tỏ người vợ có lỗi trong chuyện chồng ki bo cả. Bởi chị không hề tiêu pha phung phí, không bài bạc hay lén mang tiền về cho cha mẹ bên mình. Hòa giải nhiều lần không được, tôi đành cho họ ly hôn.

Ngày nào cũng đòi hỏi

Một trong những lý do ly hôn có cả chuyện trục trặc chuyện chăn gối. Có vụ thì tòa hòa giải được, có vụ dù tôi đã cố hết mình nhưng cũng đành bó tay. Vụ ly hôn sau đây là một ví dụ điển hình.

Nguyên đơn yêu cầu ly hôn là người vợ nhưng khi tòa hỏi thì cả vợ lẫn chồng đều một hai khẳng định cả hai không hề mâu thuẫn. “Vậy tại sao chị đòi ly hôn?” - tôi suýt bật ra câu hỏi vì bực mình nhưng rồi kịp trấn tĩnh vì nghĩ rằng có lẽ mấu chốt vấn đề nằm ở nguyên nhân tế nhị.

Tôi tách riêng vợ chồng ra để hỏi chuyện từng người. Gặng hỏi mãi cuối cùng người vợ cúi đầu lí nhí nói rằng do chồng mình “quá mạnh”. Chị kể anh ấy không quan tâm đến cảm xúc của vợ, ngày đòi hỏi hai, ba lần, bất kể nắng mưa, vợ khỏe hay đang ốm. “Cứ đêm đến thì vợ ngủ trước, chồng coi bóng đá xong thì vào đòi hỏi. Từ đó, tôi rất sợ ban đêm, sợ khi nhà chỉ có hai vợ chồng. Ngày nào không được đáp ứng là anh chồng kiếm chuyện ghen tuông vô cớ rồi cãi vã, đánh đập”. Người vợ nói chị còn thương chồng nhưng không thể nào chấp nhận chuyện chồng coi mình chẳng khác gì nô lệ tình dục.

Khi hỏi chuyện người chồng, anh ta nói chuyện ấy của anh ta là bình thường, anh ta không đồng ý ly hôn vì còn thương vợ. Tòa cố khơi gợi rằng chuyện ấy là điều tế nhị, vợ chồng phải biết quan tâm đến cảm xúc của nhau, phải tỏ ra yêu thương, tôn trọng nhau ngay cả trong chuyện ấy… Tuy nhiên, mọi cố gắng của tôi đều không mang lại kết quả. Người chồng một hai “chuyện đó của tôi bình thường, tôi chỉ muốn đoàn tụ”.

Cuối cùng, tôi đã cho ly hôn để giải thoát cho người vợ, bởi người chồng không tỏ ra sẽ “khắc phục”, không bày tỏ thiện chí hàn gắn.

Bóng dáng người thứ ba

Có nhiều vụ ly hôn chỉ vì do mâu thuẫn nhất thời, tôi phải vừa hòa giải, phân tích,  vừa “làm khó” đương sự như triệu tập lên rồi cho về, cốt để cơn giận của họ nguôi ngoai thì thuyết phục họ rút đơn. Có ông chồng đi nhậu về đánh vợ, hôm sau vợ đưa đơn ly hôn liền; có đôi một năm nộp đơn ly hôn hai, ba lần, sau khi nghe tôi khuyên giải, họ vui vẻ rút đơn ra về. Nói chung, những tình huống này rất dễ hòa giải.

Nhưng cũng có trường hợp bên cạnh một cuộc hôn nhân có nguy cơ rạn vỡ thường có bóng dáng của người thứ ba. Những vụ thế này nếu không khéo hòa giải thì hôn nhân của họ rất dễ vỡ tan.

Có vụ người vợ dạy văn, chồng chị dạy thể dục. Vợ ly hôn do chồng không quan tâm gia đình, ham chơi và… có bồ. Chồng thừa nhận những điều vợ trình bày là đúng, anh có nhậu nhẹt la cà, bồ bịch lăng nhăng. Tôi hỏi mấu chốt là anh có còn tình cảm với vợ nữa không. Chồng nói “chỉ vui chơi chứ vợ con vẫn là trên hết” và hứa nếu vợ bỏ qua thì sẽ khắc phục hết. Chị vợ bảo chỉ sợ anh hứa nhưng không làm, sau đó vẫn chứng nào tật nấy…

Tôi đưa ra phương án: Bây giờ trước tòa, anh chị đổi số điện thoại cho nhau, anh phải hứa là không được gặp, không được nhắn tin, gọi điện cho người thứ ba kia. Cả hai làm theo và… vui vẻ ra về.

▲▲▲

Nhiều khi nhìn những trẻ con đùa giỡn hay lặng lẽ khóc bên ngoài phòng hòa giải, phòng xử án (ly hôn) mà tôi thấy xót xa. Chúng không hiểu gì về sự chia ly cận kề. Nhìn hình ảnh đó tâm trạng người xử án thật xáo trộn. Bởi vậy, tôi luôn dặn lòng mình trước một cuộc hôn nhân rạn nứt phải cố hòa giải hết mình để hàn gắn cho họ. Nhưng không phải lúc nào tôi cũng thành công. Những lúc ấy tôi tự an ủi mình rằng có khi cho họ ly hôn thì sẽ tốt hơn cho con cái, rằng trong “địa ngục hôn nhân” đứa trẻ làm sao có thể phát triển bình thường…

PHƯƠNG LOAN ghi theo lời kể của một thẩm phán ở TP.HCM

Lương duyên đã dứt

Nghe lời ca trong tuồng cổ “nhớ khi xưa chúng ta đã lạy nhau ba lạy để gầy cuộc lương duyên…”, tôi nhớ đến nghi thức trong ngày nên vợ nên chồng. Tôi cũng nhớ lời vị linh mục nói trong ngày chị tôi lấy chồng, rằng: “Con hãy giữ nụ cười đó, ánh mắt đó, niềm hân hoan đó cho mai sau, khi gian truân, trở ngại trong đời sống vợ chồng mà lấy ra dùng, mà vượt qua chênh vênh, mà đồng lòng đi với nhau đến ngày về với Chúa”.

Nhưng thời gian đã làm không ít người quên béng đi cái ngày “lạy nhau ba lạy để gầy cuộc lương duyên” hay ngày họ đã đọc vang câu thề trước Chúa. Để rồi một hoặc cả hai người trong họ đã ngoảnh mặt quay đi, bỏ lại sau lưng những ngày chung lưng lo toan cuộc sống, những tiếng cười trong trẻo, rạng ngời để dõi mắt theo một người thứ ba nào đó.

Là một luật sư, tôi đã chứng kiến biết bao giọt nước mắt, những uất nghẹn đến nghẹt thở của người trong cuộc khi họ phải bươn sức ra mà níu giữ cuộc hôn nhân trong khi người còn lại thì cố quay đi cho kịp với nhân tình. Tôi quen đến mức khách hàng bước chân vào, nhìn cách họ kể, cách họ khóc cũng đoán được phần nào họ có đủ quyết tâm và mạnh mẽ để quyết định chấm dứt hôn nhân hay cố vượt qua thác ghềnh để hàn gắn nó. Thường đóng vai “chuyên gia tâm lý” để động viên và chia sẻ với khách hàng, tôi hiểu họ đã phải đau lòng như thế nào. Vậy mà người phối ngẫu của họ lại không màng đến, vì họ đã quên tất cả. Những lúc ấy tôi ước mình có thể chiếu lại những thước phim cuộc đời lúc họ mới đến với nhau một cách hoan hỉ, để họ có thể dừng lại suy ngẫm trước khi quyết định số phận cuộc lương duyên của chính họ.

Tôi đã từng chứng kiến những vụ ly hôn mà một (hoặc cả hai) người trong cuộc vội vàng đến mức chỉ lo cho thủ tục sớm hoàn thành. Những vấn đề họ quan tâm chỉ là hồ sơ gồm những gì, thủ tục kéo dài bao lâu, trình tự như thế nào và khăng khăng làm cách nào cho nhanh nhất, cho đơn giản nhất. Họ vội lắm, vội thoát ra khỏi cái ngột ngạt, cái quen thuộc đến nhàm chán của cuộc hôn nhân hiện tại. Họ vội đến mức quên đi tất cả những gì đã có cùng nhau và không dành cho mình một lần suy nghĩ về những gì sẽ đánh mất khi buông tay nhau ra trong cuộc đời.

Có người đến tòa ly hôn mà người thứ ba đã thập thò ngoài cửa, chỉ đợi xong thủ tục tại tòa là ngoay ngoảy bước đi, mặc cho người còn lại nước mắt ngắn dài nhìn theo. Người ở lại, như một phản xạ, quay sang hỏi mấy người xung quanh không quen biết, rằng “chị thấy người đó có hơn em không?”. Có người còn cầm trên tay mấy tấm ảnh chụp gần nhất của hai vợ chồng nói như phân bua: “Mới đây thôi mà…” . Người nghe cũng không hiểu hết nên chỉ ậm ờ. Người hỏi thì thẫn thờ ngồi đó. Tôi biết họ đau lòng vì mất mát, vì có một người đã vội buông tay họ ra mà họ không kịp giữ lại.

Sau những cuộc ly hôn như thế, thỉnh thoảng tôi có gặp lại người trong cuộc do tình cờ hoặc do họ chủ động quay lại để chia sẻ về giai đoạn mới của cuộc đời mình. Phần lớn họ đều đủ mạnh mẽ để vượt qua, đủ bản lĩnh để vun vén cho cuộc sống mới. Thế nhưng tận sâu trong lòng người trong cuộc có một khoảng trống khó thể lấp đầy: Khoảng trống của sự đổ vỡ, chia lìa. Điều này có trong cả cái người đã từng vội vàng dứt áo ra đi để đến với người thứ ba đang chờ đợi.

Hôn nhân là duyên phận. Nếu đã hết duyên thì cũng khó lòng mà níu kéo, đó là chưa nói điều ấy đôi khi còn làm cho nhau mệt mỏi. Nhưng chỉ mong sao ai đó nếu có lỡ thấy cuộc hôn nhân mình ngột ngạt, thấy vợ mình vừa mập vừa già, thấy chồng mình không phẳng phiu như anh chàng đối tác thì hãy nhớ lại cái ngày đầu tiên đến với nhau hẹn hò, chờ đợi. Cái ngày cả hai cùng nhau chọn áo, mua nhẫn, thử giày... và cái giây phút “lạy nhau ba lạy”. Để mà cố gắng cùng nhau tìm lại những cảm xúc đầu tiên; để mà giữ tay nhau trong cuộc đời này.

Luật sư ĐINH THỊ QUỲNH NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm