TỔNG KẾT “À RA THẾ!” 2009-2010

Tạo điều kiện để cãi nhau cho hết ý, trọn lời!

Sáng qua (23-10), báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức lễ tổng kết hai năm “À Ra Thế!” (ART). Từ sáng sớm, nhiều bạn đọc đã có mặt trước trụ sở (34 Hoàng Việt, Tân Bình, TP.HCM) để tranh thủ… ăn sáng rồi vào dự tổng kết cho kịp giờ. Nhiều bạn đọc ở xa như Nguyễn Quốc Sử (TP Tam Kỳ, Quảng Nam), Nguyễn Xuân Lập (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng), Đặng Thanh Tùng (Bạc Liêu), Thái Đoàn Trưởng (thị xã Châu Đốc, An Giang)… đã phải đón xe đò đi từ chiều hôm trước. Và dĩ nhiên, trong số những bạn đọc đến dự không thể thiếu các thành viên của Câu lạc bộ “À Ra Thế!” ở huyện Thuận An (Bình Dương) và nhiều bạn đọc ở xã Tân Quan (Chơn Thành, Bình Phước).

Mở đầu buổi thảo luận “Làm gì để ART hay hơn?”, LS-TS Phan Đăng Thanh, thường trực ban tổ chức (BTC) cuộc thi, nói: “Tôi rất xúc động khi các bạn đã vượt đường xa hàng trăm cây số để đến dự. Tuần trước, anh Huỳnh Quang Diệp ở Cần Thơ viết thư nói vợ anh đang bệnh nên chắc không thể đến dự được. Thế mà bữa nay anh vẫn có mặt rất kịp giờ. cụ Huỳnh Huy Bích ở quận 11, TP.HCM gần 90 tuổi nói với tôi rằng không biết sang năm cụ có còn cơ hội dự tổng kết nữa không… Một bạn đọc viết hai câu thơ gửi gắm chúng ta thế này: “Bầu bạn góp ý chí tình/ Để À Ra Thế chúng mình hay hơn”. Như vậy là chúng ta coi như bầu bạn rồi đấy nhé!”.

Tạo điều kiện để cãi nhau cho hết ý, trọn lời! ảnh 1

Phó Tổng biên tập báo Pháp luật TP.HCM Mai Ngọc Phước trao kỷ niệm chương cho các bạn xuất sắc trúng giải À ra thế. Ảnh: HTD

Đề thi phải đại chúng

Xung phong phát biểu đầu tiên, ông Lê Văn Sĩ (72 tuổi, nhà ở Gò Vấp, TP.HCM) nói: “Tôi không được báo mời nhưng vì thích quá nên tự đến dự và không được BTC cài hoa. Báo xuân năm rồi có tổng kết “À Ra Thế!” nhưng chỉ liệt kê các đề thi chứ không có đáp án nên khó theo dõi. Đề nghị năm nay khắc phục, nếu có tôi sẽ mua nhiều báo để tặng cho người thân”.

Ông Nguyễn Thế Sơn (CLB À Ra Thế Thuận An, Bình Dương) đề nghị nâng số phần thưởng từ 28 người lên 40 người để nhiều người được thưởng hơn nhằm khuyến khích nhiều người tích cực tham dự. Theo ông Sơn, BTC cần tuyển chọn đề thi khó hơn nữa, đề càng khó thì càng hấp dẫn bạn đọc tìm tòi, tra cứu pháp luật.

Không đồng ý với đề nghị này, bạn Nguyễn Xuân Lập (Lâm Đồng) nói báo nên giữ nguyên tính phổ thông đại chúng của đề thi, nếu khó quá thì người bình dân không tham gia được. Đồng tình, bạn Trần Thanh Tùng (Bạc Liêu) nêu tiêu chí của ART là phổ biến pháp luật rộng rãi đến quần chúng chứ không chỉ trong giới khoa học luật. Theo bạn Tùng, đề thi phải phổ cập, sát sườn với thực tế cuộc sống chứ không nên quá khó.

Ý kiến này nhận được sự đồng thuận của LS-TS Phan Đăng Thanh: “Mục tiêu của báo là ra đề không quá khó để bà con nào cũng đều có thể chơi được, chơi xong sẽ phải… “À ra thế”. Có bạn lại đề nghị đề dễ hơn theo tôi cũng không được, dễ quá sẽ làm người chơi... mất hứng!”.

Tạo điều kiện để cãi nhau cho hết ý, trọn lời! ảnh 2

Từ sớm, các bạn đọc ở huyện Thuận An, Bình Dương đã đến tham dự hội nghị. Ảnh: HTD

Nhiều bạn đọc muốn báo có đề thi về các lĩnh vực khác nhau của pháp luật chứ không nên chỉ chú trọng quanh luật dân sự và hình sự. Phó Tổng Biên tập Mai Ngọc Phước đính chính rằng trước giờ cũng đã có nhiều đề thi liên quan đến luật hành chính, hôn nhân gia đình, kinh tế… rồi.

Thêm đất để cãi cho “đã”

Hiện nay, mỗi kỳ thi ART kéo dài hai tuần, Chủ nhật tuần này ra đề thì Chủ nhật tuần sau “xốc” lại, rồi chủ nhật tuần sau nữa mới công bố đáp án. Thời gian này đủ để bạn đọc ở xa tìm hiểu, giải đề và gửi đáp án (phần lớn qua đường bưu điện) về tòa soạn báo. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng chừng ấy thời gian là quá ngắn, quá cập rập cho người chơi. “Nên chăng mỗi năm báo chỉ tổ chức 10 kỳ thi với 10 đề khác nhau thuộc nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau. Có như vậy bạn đọc mới đủ thời gian nghiên cứu giải đề, đồng thời báo còn đăng tải những ý kiến bàn luận, cả những ý kiến “Hậu ART” nữa” - bạn đọc và cũng là luật sư Huỳnh Ngọc Hoàng (Bà Rịa-Vũng Tàu) góp ý.

Tạo điều kiện để cãi nhau cho hết ý, trọn lời! ảnh 3

Các bạn xuất sắc đoạt giải nhất À ra thế. Ảnh: HTD

LS-TS Phan Đăng Thanh cho biết BTC sẽ xem xét và có quyết định phù hợp, cũng có thể mỗi năm 10 kỳ thi như ý kiến luật sư Hoàng, cũng có thể mỗi năm 12 kỳ hay hơn nữa. “Miễn sao thuận lợi cho người tham gia nhất thì chúng tôi sẽ làm” - LS-TS Phan Đăng Thanh nói.

Bạn đọc Thái Đoàn Trưởng (thị xã Châu Đốc, An Giang) “phiền” báo dành đất cho phần “Hậu ART” ít quá, không chuyển tải hết ý kiến của nhiều người. “Nếu được, tôi đề nghị báo dành thêm một trang nữa và cả thêm thời gian cho phần tranh luận “Hậu ART” để chúng ta cãi nhau cho hết ý, trọn lời. Tương tự, bạn Kiều Anh Vũ (sinh viên ĐH Luật TP.HCM) gợi ý những ý kiến “Hậu ART” nào hay thì đăng trên báo in, các ý còn lại thì nên đăng trên Pháp Luật TP.HCM Online.

Phó Tổng Biên tập Mai Ngọc Phước nhắc lại tôn chỉ mục đích của cuộc chơi là “càng bàn sâu, càng nhớ lâu” nên BTC không hạn chế đất đai, thời lượng để bạn đọc cãi “tới bến”.

Đã chơi là chấp nhận may rủi!

Theo thể lệ cuộc thi, ngoài chuyện đưa ra đáp án theo pháp luật, người chơi còn phải trả lời thêm câu hỏi phụ là có bao nhiêu thư đáp trúng. Có bạn đọc “bất bình” vì mình luôn trả lời đúng phần nội dung nhưng không bao giờ được rinh giải do đoán sai bét câu hỏi phụ. Ông Huỳnh Huy Bích (quận 11, TP.HCM) tỏ ý trách hờn: “Tôi chơi hoài mà không trúng giải vì đoán sai không à. Hay là BTC có giải an ủi nào đó cho những người giải đúng mà đoán trật như tôi, nếu không chúng tôi thấy hơi nản!”.

Tuy nhiên, bạn đọc Đỗ Văn Của (CLB ART Thuận An) thì cho rằng đã chơi là phải chấp nhận may rủi. “Nếu không thì giải thưởng sẽ về tay những người giỏi luật hết, còn người học ít như tôi lấy đâu có cơ hội trúng giải”. Cả hội trường vỗ tay tán đồng.

Một bạn đọc thắc mắc tại sao xã Tân Quan giành giải thưởng hoài. Người này nêu khả năng các bạn đọc ở xã này hè nhau giải đề, hè nhau “bao vây” đoán câu hỏi phụ nên mới có kết quả vậy. Ông Trịnh Văn Tư (Tân Quan, Bình Phước) phân bua: “Xã tôi là xã nghèo, vùng sâu vùng xa pháp luật không tới nhiều, chúng tôi hợp nhau lại để bàn cách giải đề. Cũng có sao chép nhưng… ít thôi”.

Hoan nghênh tinh thần học hỏi pháp luật của bà con xã Tân Quan nhưng LS-TS Phan Đăng Thanh cũng lưu ý “chỉ nên bàn luận để cùng học tập rồi mỗi người tự viết đáp án của mình, nếu làm như hiện nay thì sợ chỉ chú trọng “tranh giải” thôi”.

“À Ra Thế!” - cách tuyên truyền pháp luật có một không hai

Xuất hiện ban đầu với tên gọi “Đố vui pháp luật” từ năm 1997, đến nay chuyên mục “À Ra Thế!” đã có 13 năm gắn bó cùng bạn đọc. Từ năm 2005, “À Ra Thế!” xuất hiện đều đặn trên mỗi số báo Pháp Luật TP.HCM Chủ nhật, trở thành nơi giao lưu thú vị của bạn đọc với báo. Tình huống câu hỏi của đề thi là những chuyện thường gặp trong cuộc sống hằng ngày nhưng khi nhìn dưới lăng kính pháp luật thì “tưởng vậy mà không phải vậy”. Để rồi khi đáp án được công bố, bạn đọc mới vỡ lẽ: “À ra thế!”. Trung bình mỗi kỳ thi đố thu hút gần 1.000 bạn đọc tham gia dự thi, bàn luận.

Bà Lê Thị Bình Minh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, đánh giá chuyên mục “À Ra Thế!” đã góp phần tuyên truyền, phổ biến pháp luật thiết thực và hiệu quả. “Đây là hình thức đưa pháp luật đến với người dân bằng những chuyện hết sức đời thường mà không cần phải đao to búa lớn” - bà nói.

Năm 2007, mô hình tuyên truyền, phổ biến pháp luật độc nhất vô nhị trên cả nước này được Hội Nhà báo TP.HCM trao thưởng công trình tập thể nhân kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

THÁI BÌNH lược thuật

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm