Tăng gấp đôi thời gian đào tạo nghề luật sư

Sáng 20-11, kỳ họp thứ tư Quốc hội Khóa XIII đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư với số biểu quyết tán thành cao (449/467, đạt tỉ lệ 90,16%). Luật mới sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2013.

Trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ Luật Luật sư sửa đổi, bổ sung, Quốc hội đã biểu quyết riêng về ba vấn đề còn có nhiều tranh luận: Thời gian đào tạo nghề và tập sự luật sư, giảng viên luật tham gia hành nghề luật sư, điều kiện tổ chức nước ngoài hành nghề luật sư và phạm vi hoạt động.

Tăng thời gian đào tạo, giảm thời gian tập sự

Về thời gian đào tạo nghề luật sư, Quốc hội biểu quyết thông qua nội dung sửa đổi tăng lên thành 12 tháng (quy định hiện hành là sáu tháng). Ngược lại, thời gian tập sự hành nghề luật sư được rút ngắn xuống còn 12 tháng (quy định hiện hành là 18 tháng).

Trong quá trình thảo luận, đã có một số ý kiến đề nghị giữ nguyên thời gian đào tạo sáu tháng và thời gian tập sự hành nghề luật sư 18 tháng. Cũng có ý kiến đề nghị kéo dài thời gian tập sự hành nghề luật sư lên 24 tháng. Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện, quy định mới được cân nhắc kỹ từ thực tiễn thi hành Luật Luật sư và tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới. Tổng thời gian đào tạo nghề và tập sự hành nghề luật sư là hai năm cũng bảo đảm mặt bằng chung về thời gian đào tạo giữa luật sư và các chức danh tư pháp khác.

Tăng gấp đôi thời gian đào tạo nghề luật sư ảnh 1

Luật Luật sư sửa đổi quy định giới hạn người tập sự luật sư không được đại diện, bào chữa cho khách hàng tại phiên tòa như luật sư chính thức. Ảnh: HTD

Bên cạnh đó, Luật Luật sư sửa đổi, bổ sung cũng quy định về giới hạn người tập sự luật sư không được đại diện, bào chữa cho khách hàng tại phiên tòa, không được ký văn bản tư vấn pháp luật; chỉ được giúp việc cho luật sư hướng dẫn trong hoạt động nghề nghiệp như nghiên cứu hồ sơ, thu thập tài liệu… Người tập sự chỉ được tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng, thực hiện dịch vụ pháp lý theo phân công của luật sư hướng dẫn nếu được khách hàng đồng ý; được đi cùng với luật sư hướng dẫn gặp gỡ bị can, bị cáo, người bị hại… khi được người đó đồng ý.

Luật sư hướng dẫn tập sự phải là người có ít nhất ba năm kinh nghiệm hành nghề luật sư và không thuộc trường hợp đang trong thời gian bị xử lý kỷ luật. Tại cùng một thời điểm, một luật sư không được hướng dẫn quá ba người tập sự.

Trước đó, có ý kiến đề nghị cho phép người tập sự hành nghề luật sư được tham gia bào chữa tại phiên tòa để tích lũy thêm kinh nghiệm. Tuy nhiên, theo ông Hiện, người tập sự chưa phải là luật sư, chưa có các quyền và nghĩa vụ như luật sư nên theo quy định tố tụng thì họ không được tham gia bào chữa như luật sư tại phiên tòa.

Kiêm nhiệm làm phân tán nguồn lực

Khi thảo luận đã có nhiều tranh cãi quyết liệt xoay quanh vấn đề có cho phép giảng viên luật được hành nghề luật sư hay không. Kết quả là phương án “không cho phép viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật hành nghề luật sư” đã được biểu quyết thông qua khá “chật vật” với 333 đại biểu tán thành (chỉ đạt tỉ lệ 66,27%).

Ông Nguyễn Văn Hiện lý giải: Việc cho phép giảng viên pháp luật kiêm nhiệm hành nghề luật sư sẽ làm phân tán nguồn lực, ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn giảng dạy trong khi số giảng viên chuyên ngành luật còn rất thiếu so với yêu cầu phát triển. Mặt khác, nếu chỉ cho phép giảng viên hành nghề luật sư ở lĩnh vực tư vấn pháp luật thì sẽ hình thành hai loại luật sư: luật sư tư vấn và luật sư tranh tụng. Điều này không phù hợp với quy định hiện hành và cũng không giải quyết được nhu cầu đang thiếu luật sư tham gia tố tụng hiện nay, nhất là trong tố tụng hình sự. Còn nếu giảng viên muốn hoạt động tư vấn pháp luật thì sẽ thực hiện theo Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006.

Luật Luật sư sửa đổi, bổ sung cũng quy định không cấp chứng chỉ hành nghề luật sư đối với người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã bị kết án mà chưa được xóa án tích; đã bị kết án về tội phạm nghiêm trọng do cố ý, tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý kể cả trường hợp đã được xóa án tích.

Có ý kiến đề nghị không cho người đã phạm tội hành nghề luật sư dù là cố ý hay vô ý, kể cả trường hợp đã được xóa án tích. Tuy nhiên, hầu hết các đại biểu đều thống nhất việc cấm hành nghề luật sư đối với tất cả những người bị kết án đã được xóa án tích là không phù hợp, nhất là đối với các trường hợp phạm tội do vô ý, phạm tội ít nghiêm trọng, không ảnh hưởng đến uy tín, đạo đức nghề nghiệp của luật sư.

Luật sư ngoại có thể được tư vấn luật Việt Nam

Vấn đề điều kiện, phạm vi hành nghề của luật sư nước ngoài, tổ chức nước ngoài hành nghề luật sư được thông qua với 431/462 đại biểu tán thành (đạt tỉ lệ 86,55%). Theo đó, tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài được phép hành nghề tại Việt Nam khi có đủ ba điều kiện: Cam kết tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam; có ít nhất hai luật sư nước ngoài có mặt và hành nghề tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên trong khoảng thời gian liên tục 12 tháng; trưởng chi nhánh, giám đốc công ty luật nước ngoài tại Việt Nam phải có ít nhất hai năm liên tục hành nghề luật sư.

Một số ý kiến đề nghị bổ sung thêm điều kiện hành nghề của tổ chức luật sư nước ngoài như quy mô phải có 500 luật sư trở lên, phải có năng lực và kinh nghiệm tư vấn liên quan đến Việt Nam... Tuy nhiên, số phiếu ủng hộ quan điểm này quá ít. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một trong những yêu cầu sửa đổi Luật Luật sư lần này là phải bảo đảm thực hiện các cam kết của nước ta về thị trường dịch vụ pháp lý khi tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Việc tạo ra các quy định mang tính “rào cản kỹ thuật” vừa không phù hợp với cam kết của nhà nước ta vừa tạo ra sự bất bình đẳng trong đối xử với tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài và luật sư nước ngoài.

Theo Luật Luật sư sửa đổi, bổ sung, luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam được tư vấn pháp luật nước ngoài và pháp luật quốc tế, được thực hiện các dịch vụ pháp lý khác liên quan đến pháp luật nước ngoài; không được tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trước tòa án Việt Nam. Một điểm mới trong quy định sửa đổi phạm vi hành nghề của luật sư nước ngoài là họ được tư vấn pháp luật Việt Nam nếu có bằng cử nhân luật của Việt Nam và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu tương tự như đối với một luật sư Việt Nam.

Cấp thẻ luật sư không thời hạn

Trong quá trình thảo luận, nhiều đại biểu rất băn khoăn về quy định “thẻ luật sư có thời hạn năm năm” trong dự luật. Kết quả là chỉ có 166/420 đại biểu đồng tình, còn 254/420 đại biểu thì ủng hộ phương án “không quy định thời hạn của thẻ luật sư”. Trên cơ sở đó, Điều 20 Luật Luật sư sửa đổi, bổ sung vừa thông qua đã quy định: “Thẻ luật sư có giá trị không thời hạn, được đổi khi luật sư chuyển đoàn luật sư hoặc khi bị mất, hỏng”.

Một điểm mới khác của Luật Luật sư sửa đổi, bổ sung là quy định Điều lệ của Liên đoàn Luật sư Việt Nam có giá trị áp dụng thống nhất trong toàn quốc. Quy định này nhằm khắc phục sự thiếu thống nhất, manh mún, không bảo đảm hiệu quả trong tổ chức tự quản của luật sư (hiện mỗi đoàn luật sư ở mỗi tỉnh, thành trong cả nước đều có điều lệ riêng).

BÌNH MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm