TAND Tối cao bảo, tòa dưới phải nghe?

Tháng 11-1992, bà Thái Thị Xuân Hoa đã nộp đơn khởi kiện ra TAND TP Nha Trang (Khánh Hòa) để tranh chấp nhà, đất với ông Nguyễn Xăng và bà Thái Thị Lèo.

Điệp khúc hủy án

Theo đơn kiện của bà Hoa, nền nhà, công trình kiến trúc và 288 m2 đ?t ất tọa lạc tại 8B Võ Thị Sáu, phường Vĩnh Trường (TP Nha Trang) mà các bị đơn đang chiếm dụng là do vợ chồng bà tạo lập từ năm 1968, có giấy tờ của chế độ cũ. Năm 1976, bà Hoa cho một người ở nhờ phần nhà phụ. Khi ông này bỏ đi, năm 1979, cha của ông này tự ý viết giấy bán nhà, đất cho hợp tác xã (HTX) Trường Nguyên do ông Xăng làm chủ nhiệm với giá 800 đồng. Năm 1981, HTX Trường Nguyên bán lại nhà, đất cho ông Xăng, bà Lèo với giá 900 đồng. Khiếu nại đòi nhà, đất không được, bà Hoa phải khởi kiện yêu cầu ông Xăng, bà Lèo trả nhà, đất.

Từ tháng 5-1993 đến tháng 12-2004, vụ án này đã trải qua ba lần xử sơ thẩm, ba lần xử phúc thẩm và hai phiên họp giám đốc thẩm. Ở phiên phúc thẩm (lần ba) tháng 12-2004, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP Đà Nẵng đã giao cho phía bị đơn được quyền sở hữu, sử dụng nhà, đất tranh chấp nhưng buộc HTX Trường Nguyên phải bồi thường giá trị đất cho bà Hoa hơn 230 triệu đồng, buộc vợ con người bán nhà, đất phải bồi thường giá trị đất cho bà Hoa 460 triệu đồng...

Tháng 12-2007, chánh án TAND Tối cao đã kháng nghị giám đốc thẩm bản án phúc thẩm trên. Tháng 3-2008, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã có quyết định giám đốc thẩm (lần ba), hủy hai bản án sơ, phúc thẩm, giao hồ sơ về cho TAND tỉnh Khánh Hòa xử sơ thẩm lại. Theo Hội đồng Thẩm phán, đủ cơ sở xác định quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền là tài sản hợp pháp của bà Hoa. Không có căn cứ xác định bà Hoa đã bán căn nhà phụ có điều kiện cho người ở nhờ. Các hợp đồng mua bán nhà đất giữa cha của người ở nhờ với HTX Trường Nguyên hay giữa HTX Trường Nguyên với ông Xăng sau đó đều vô hiệu bởi bên bán không phải là chủ sở hữu và sử dụng hợp pháp đối với nhà, đất. Các tài sản mua bán bất hợp pháp trên phải được trả lại cho bà Hoa…

Tháng 2-2009, TAND tỉnh Khánh Hòa xử sơ thẩm (lần bốn), tiếp tục tuyên giao bị đơn sử dụng toàn bộ diện tích đất tranh chấp, buộc những người thừa kế của người bán nhà đất phải bồi thường gần 2 tỉ đồng, HTX Trường Nguyên bồi thường hơn 641 triệu đồng giá trị đất cho bà Hoa.

Tháng 6-2010, xử phúc thẩm (lần bốn), Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng đã hủy bản sơ thẩm trên vì vi phạm tố tụng, xử không đúng đường lối của quyết định giám đốc thẩm, xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của bà Hoa.

Tháng 9-2011, TAND tỉnh Khánh Hòa đã xử sơ thẩm (lần năm), tiếp tục ra phán quyết không đúng đường lối của án giám đốc thẩm. Sau đó vụ án bị tạm đình chỉ do có người liên quan chết, cần xác định người thừa kế…

Mới đây, ngày 25-8, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng đã xử phúc thẩm (lần năm), hủy toàn bộ bản án sơ thẩm với nhận định: Tòa cấp sơ thẩm vi phạm tố tụng, xử không đúng pháp luật về việc xử lý hậu quả hợp đồng vô hiệu, không đúng kết luận mà quyết định giám đốc thẩm đã chỉ ra. Từ đó tòa phúc thẩm tiếp tục giao hồ sơ về cho TAND tỉnh Khánh Hòa xử sơ thẩm lại từ đầu.

Sửa luật theo hướng “trên bảo dưới phải nghe”?

Như vậy, sau gần 22 năm với tổng cộng 10 phiên tòa và ba phiên họp giám đốc thẩm, vụ kiện quay trở lại điểm xuất phát. Nếu như ở thời điểm khởi kiện, bà Hoa mới 55 tuổi thì nay bà đã 77 tuổi mà vụ kiện của bà vẫn không biết khi nào mới được giải quyết dứt điểm.

Điều đáng chú ý là sau phiên họp giám đốc thẩm (lần ba), TAND tỉnh Khánh Hòa đã hai lần xử sơ thẩm lại không đúng đường lối của quyết định giám đốc thẩm nên cả hai lần đều bị Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng hủy án.

Về nguyên tắc, mỗi HĐXX (dù ở cấp nào) đều có quyền xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Tuy nhiên, thực tế cho thấy một khi tòa cấp dưới xử không đúng đường lối của tòa cấp trên (nhất là cấp xét xử cao nhất - Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao) thì bản án rất dễ bị tòa cấp trên hủy khiến vụ án kéo dài lê thê không có điểm dừng.

Trong một lần trả lời chất vấn của Quốc hội, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình thừa nhận có tình trạng án xử đi xử lại vì các tòa cấp dưới không tuân theo đường lối của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, xét xử lại có khi y như bản án đã từng bị kháng nghị. Theo ông Bình, đây là một vấn đề lớn trong tố tụng. “Chúng tôi đã kiến nghị với Quốc hội trong việc sửa đổi Hiến pháp và sắp tới đây sẽ đưa vào sửa đổi các luật theo hướng quy định tòa cấp dưới có nghĩa vụ phải tuân theo đường lối xét xử của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao” - ông Bình nói.

Ủng hộ quan điểm này, PGS-TS Đỗ Văn Đại (Trưởng khoa Luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM) đề xuất sửa luật cụ thể theo hai hướng:

Hướng thứ nhất: Nếu Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã xử giám đốc thẩm lần hai mà các tòa sơ, phúc thẩm vẫn bảo vệ quan điểm ban đầu thì đến lần xử giám đốc thẩm thứ ba, TAND Tối cao có quyền yêu cầu cấp dưới phải tuân theo đường lối xét xử của mình để đảm bảo tính ổn định của pháp luật.

Hướng thứ hai: Nếu Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thấy hồ sơ đã rõ thì nên giải quyết triệt để vụ án luôn chứ không chỉ hủy án để xử lại như hiện nay. Bởi lẽ Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao là tập hợp những thẩm phán đầu ngành giỏi nghiệp vụ nên nhận định của họ phải được tôn trọng.

Theo TS Đại, quy định như trên phù hợp với hệ thống luật thành văn như ở Việt Nam. Thực tế đã chứng minh nước Pháp - một nước theo hệ thống luật thành văn - đã áp dụng thành công cơ chế này.

ĐẠI HƯNG - THANH TÙNG

Gỡ vướng trước mắt

Về nguyên tắc hiến định thì dù ở cấp tòa nào cũng đều phải xét xử độc lập. Nhưng trong trường hợp tòa cấp dưới có sai sót đã được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao chỉ ra mà vẫn cứ “cố đấm ăn xôi” thì phải tính. Chẳng hạn trong vụ này, chánh án TAND Tối cao có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho người khác tổ chức một buổi thảo luận ngay tại tòa cấp sơ thẩm với sự tham gia của các đương sự và toàn bộ những người tiến hành tố tụng của các cấp tòa sơ, phúc thẩm. Tại buổi thảo luận, TAND Tối cao để cho các đương sự trình bày hết (thậm chí đi thực tế), trên cơ sở đó phân tích, đánh giá xem những bản án đã xử của các cấp nhận định nào đúng, nhận định nào sai. Cuối cùng, đại diện TAND Tối cao sẽ đưa ra định hướng chung thống nhất trong buổi gặp. Đương nhiên buổi thảo luận không nằm trong quy trình tố tụng và không ghi vào bản án nhưng nó cần thiết để tháo gỡ một vụ án có nhiều quan điểm khác nhau. Đây là cách làm khá tốn công sức, thời gian của nhiều cán bộ tố tụng nhưng nó mang lại kết quả là tìm ra hướng gỡ cho vụ án. Làm thế này vừa ổn về pháp lý lẫn thực tế xét xử vừa có tác dụng thống nhất về tư tưởng.

Về lâu dài, chúng ta nên quy định theo cơ chế án lệ để thống nhất quan điểm trong những tình huống quy định pháp luật còn thiếu, chưa đầy đủ. Khi đó một số quyết định giám đốc thẩm đã được chọn lọc sẽ thành đường lối xét xử buộc tòa cấp dưới tuân theo.

Thẩm phán PHẠM CÔNG HÙNG, Tòa Phúc thẩm TAND
Tối cao tại TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm