Sụt lún trụ sở, tòa kiện được không?

Nếu chủ đầu tư không bồi thường thỏa đáng, TAND TP.HCM sẽ phải khởi kiện để bảo vệ tài sản nhà nước. Quy định về chuyện này như thế nào?

TAND Tối cao vừa có công văn yêu cầu TAND TP.HCM báo cáo thiệt hại chi tiết trong vụ thi công tầng hầm công trình Sài Gòn Plaza làm sụt lún trụ sở của tòa tại 26 Lê Thánh Tôn (quận 1).

Đặt trường hợp các thiệt hại mà TAND TP.HCM liệt kê không được chủ đầu tư công trình Sài Gòn Plaza bồi thường thỏa đáng thì TAND TP.HCM có trách nhiệm bảo vệ tài sản của Nhà nước bằng một vụ kiện.

Kiện ra tòa nơi bị đơn có trụ sở

Theo luật sư Trần Hải Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM), nếu TAND TP.HCM khởi kiện thì đây là vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (khoản 6 Điều 25 BLTTDS). Bên bị kiện là Công ty Quốc Cường Liên Á (thuộc tập đoàn Quốc Cường Gia Lai) - chủ đầu tư công trình Sài Gòn Plaza. Vì bị đơn là pháp nhân nên thẩm quyền thụ lý, giải quyết sẽ thuộc về tòa nơi bị đơn có trụ sở, tức TAND quận 3 (điểm a khoản 1 Điều 35 BLTTDS).

Căn nhà Công ty Quốc Cường Liên Á thuê để các tòa Kinh tế, Lao động-hành chính TAND TP.HCM làm việc tạm trong thời gian chờ giải quyết vụ việc. Ảnh: H.YẾN

Cạnh đó, hai bên nguyên-bị có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu tòa án nơi có trụ sở của nguyên đơn (TAND TP) giải quyết tranh chấp. Lúc này, thẩm quyền thụ lý, giải quyết vụ kiện sẽ thuộc về TAND quận 1.

Vậy vì sao vụ sụt lún xảy ra trên địa bàn quận 1 mà tòa này lại không có thẩm quyền giải quyết (trong trường hợp hai bên nguyên- bị không thỏa thuận chọn tòa)? Theo một thẩm phán Tòa Dân sự TAND TP, đây là vụ tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại liên quan đến lĩnh vực xây dựng chứ không phải là vụ tranh chấp về bất động sản (tranh chấp quyền sở hữu, quyền sử dụng nhà, đất…). Do đó, trong trường hợp này sẽ không áp dụng quy định “tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp về bất động sản” (điểm c khoản 1 Điều 35 BLTTDS).

Một vấn đề khác, ai sẽ là người đứng đơn khởi kiện? Theo luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP.HCM), người đứng đơn khởi kiện là chánh án TAND TP.HCM - người đứng đầu đơn vị bị thiệt hại.

Bồi thường ra sao?

Theo luật sư Đức và luật sư Công, dựa trên việc có hành vi gây thiệt hại, có thiệt hại xảy ra, lỗi và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi với hậu quả mà các cấp tòa sẽ xác định mức độ vi phạm để buộc bị đơn bồi thường.

Trong thực tiễn xét xử, ở những vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại vì trụ sở, nhà cửa bị “hàng xóm” xây dựng làm sập, lún tương tự, các bên đương sự thường không thống nhất được với nhau về mức độ thiệt hại để tính giá trị bồi thường. Vì vậy, kết quả giám định thiệt hại của cơ quan chuyên môn về xây dựng sẽ là căn cứ để các cấp tòa dựa vào đó ra phán quyết.

Mặt khác, nếu có các thiệt hại khác như chi phí di dời tài sản, tiền thuê chỗ làm việc khác, chỗ ở khác… thì phía nguyên đơn phải xuất trình được các chứng cứ (hóa đơn, chứng từ) chứng minh.

Luật sư Đức cũng lưu ý là vụ kiện này không có thủ tục hòa giải như vụ án dân sự thông thường vì theo luật, những vụ án về bồi thường thiệt hại liên quan đến tài sản của Nhà nước thì tòa không được tổ chức hòa giải.

 

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, chiều 20-12, khi đang thi công tầng hầm, công trình Sài Gòn Plaza đã làm đổ tường bao xung quanh và gây sụt lún tạo hố sâu ở phần trước sân cũng như bên trong trụ sở Tòa Kinh tế và Tòa Lao động-hành chính (TAND TP.HCM) tại 26 Lê Thánh Tôn. Vụ việc không gây thiệt hại về người, còn thiệt hại về vật chất tạm thời chưa xác định được cụ thể.

Sở Xây dựng TP cho biết nguyên nhân là do có lỗ thủng của tường vây bê tông cốt thép công trình Sài Gòn Plaza. Cạnh đó, chênh lệch nước ngầm cũng là nguyên nhân gây sụt lún. Ngày 22-12, trước nguy cơ trụ sở tòa bị nghiêng, đổ sập..., các đơn vị liên quan đã tiến hành phá sập tòa nhà này.

Ngày 25-12, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín đã có văn bản chỉ đạo Sở Xây dựng và UBND quận 1 khẩn trương làm rõ nguyên nhân sự cố để có biện pháp xử lý, đảm bảo an toàn cho các công trình lân cận. Cạnh đó, cần xử lý nghiêm vi phạm của chủ đầu tư công trình Sài Gòn Plaza và báo cáo kết quả cho UBND TP.

Luật gia Đặng Đình Thịnh (Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật - Hội Luật gia Việt Nam) bày tỏ e ngại rằng nếu sau khi TAND quận 3 xử sơ thẩm, các bên kháng cáo hoặc VKS quận kháng nghị thì chính TAND TP.HCM sẽ xử phúc thẩm. “Liệu tòa này xử chính mình thì có đảm bảo khách quan? Có vi phạm quy định tại Điều 46 BLTTDS?”. Luật gia Thịnh đề nghị trong trường hợp này, phía VKS cần tham gia kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình tố tụng.

Trao đổi với chúng tôi, một số thẩm phán tòa quận, huyện cho biết nếu bản thân họ ngồi xét xử sơ thẩm vụ kiện thì ít nhiều họ và tòa của họ cũng gặp áp lực nhất định do nguyên đơn là tòa cấp trên trực tiếp. Tuy nhiên, các thẩm phán đều khẳng định khi xét xử thì HĐXX phải độc lập, dựa trên pháp luật để đưa ra phán quyết công bằng, khách quan, chính xác. Do đó, áp lực thì có nhưng sẽ chỉ khiến thẩm phán giải quyết vụ việc thận trọng và kỹ hơn mà thôi.

Nhiều luật sư cũng cho biết việc tòa khởi kiện để bảo vệ quyền lợi cho chính mình hay việc tòa cấp dưới xử tòa cấp trên là chuyện bình thường. Thực tế, trong nhiều vụ đòi bồi thường oan, đương sự khởi kiện tòa cấp tỉnh ra tòa cấp huyện và các cấp tòa vẫn thụ lý, giải quyết theo thủ tục sơ, phúc thẩm.

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm