Sửa luật, đổi cách nhìn để nghề luật sư phát triển

Ngày 10-9, tại hội nghị tổng kết năm năm thi hành Luật Luật sư tại địa bàn TP.HCM, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM Nguyễn Đăng Trừng nhận xét: Luật Luật sư có một số quy định gây khó khăn, phiền hà cho các luật sư khi hành nghề, là một bước thụt lùi so với Pháp lệnh Luật sư năm 2001 và Pháp lệnh Luật sư năm 1987.

Bất cập

Ông Trừng dẫn chứng: Theo các Pháp lệnh Luật sư trước đây, luật sư không cần phải xin giấy chứng nhận người bào chữa khi tham gia tố tụng bảo vệ bị can, bị cáo. Khi được gia đình bị can, bị cáo nhờ, luật sư chỉ cần xin tòa cấp giấy giới thiệu là có thể vào trại gặp bị can, bị cáo. Trong khi đó, Luật Luật sư lại quy định muốn tham gia bào chữa cho bị can, bị cáo, luật sư phải được sự đồng ý của họ và phải được cấp giấy chứng nhận người bào chữa. Do đó, hiện nay hầu hết các cơ quan tố tụng (trừ TAND TP.HCM và Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM) đều buộc phải có sự đồng ý của bị can, bị cáo mới cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho luật sư. Quy định này là một bước thụt lùi trong tố tụng, cản trở hoạt động hành nghề của luật sư.

Báo cáo tổng kết năm năm thi hành Luật Luật sư trên địa bàn TP.HCM cũng chỉ ra nhiều quy định của Luật Luật sư không phù hợp với thực tế. Chẳng hạn, quy định về những trường hợp được miễn đào tạo tập sự hành nghề luật sư và miễn tập sự hành nghề luật sư quá rộng, không phù hợp với xu thế nâng cao trình độ chuyên môn cho giới luật sư.

Ngoài ra, Luật Luật sư còn có nhiều quy định trái với các văn bản pháp luật khác. Chẳng hạn, Điều 70 Luật Luật sư quy định tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài được cử luật sư Việt Nam trong tổ chức mình tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện cho khách hàng trước TAND Việt Nam. Tuy nhiên, Nghị quyết 71 ngày 29-11-2006 của Quốc hội (về phê chuẩn nghị định thư gia nhập hiệp định thành lập WTO) lại không cho phép chuyện này.

Sửa luật, đổi cách nhìn để nghề luật sư phát triển ảnh 1

Luật sư đang bào chữa cho bị cáo tại TAND TP.HCM. Ảnh: HTD

Hạn chế từ con người

Thẩm phán Vũ Phi Long (Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM) chia sẻ: Việc luật sư hành nghề gặp khó khăn còn có trách nhiệm của chính các cơ quan tố tụng và người tiến hành tố tụng.

Theo ông Long, Luật Luật sư quy định giấy chứng nhận tham gia tố tụng của luật sư có giá trị trong các giai đoạn tố tụng. Quy định như vậy được hiểu là giấy chứng nhận của luật sư được cấp ở giai đoạn điều tra sẽ có giá trị áp dụng ở cả các giai đoạn truy tố, xét xử sơ thẩm lẫn phúc thẩm nếu khách hàng còn yêu cầu. Nhưng thực tế lại trái ngược: Hiện nay ở mỗi giai đoạn tố tụng, luật sư đều phải làm thủ tục để được cấp giấy chứng nhận mới, gây phiền hà, tốn kém thời gian, công sức. Đặc biệt, trường hợp luật sư tham gia bào chữa theo yêu cầu của các cơ quan tố tụng thì chỉ giới hạn hoạt động bào chữa ở cơ quan yêu cầu, còn giai đoạn tiếp theo do luật sư khác đảm nhiệm. Sự bất cập này cần nhanh chóng tháo gỡ để đảm bảo quyền bào chữa và nhờ người bào chữa của bị can, bị cáo được thống nhất, xuyên suốt.

Luật sư Quách Tú Mẫn (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết trong quá trình hành nghề, nếu các luật sư có vi phạm, sai sót thì cơ quan tố tụng sẽ có ngay văn bản kiến nghị chỉ rõ những lỗi của luật sư để gửi cho tổ chức hành nghề nơi luật sư làm việc hoặc đoàn luật sư nơi luật sư đó đăng ký hoạt động. Trong khi đó, nếu cơ quan tố tụng hoặc người tiến hành tố tụng làm sai thì hiếm khi nào chịu trả lời khiếu nại của luật sư.

Trong khi đó, luật sư Phan Trung Hoài (Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam) lại thẳng thắn nhìn nhận phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của luật sư vẫn đang là một mối quan tâm lớn. Trong một chừng mực nhất định, hoạt động của luật sư chưa tương xứng với kỳ vọng của xã hội, chưa gầy dựng được niềm tin trong lòng công chúng. Qua thống kê cho thấy từ năm 2005 đến năm 2011, Hội đồng Khen thưởng Kỷ luật của Đoàn Luật sư TP.HCM đã kỷ luật tổng cộng 38 trường hợp, trong đó xóa tên 24 trường hợp. Tình hình này đã làm giảm sút nhất định độ tin cậy của Nhà nước và xã hội đối với hoạt động luật sư.

Muốn tập bơi phải xuống nước!

Một điểm không phù hợp trong Luật Luật sư là quy định người tập sự hành nghề luật sư không được nhận và thực hiện các dịch vụ pháp lý cho khách hàng (khoản 3 Điều 1). Vì quy định này mà trong suốt thời gian tập sự hành nghề, người tập sự không có cơ hội, điều kiện để tiếp cận, rèn luyện kỹ năng hành nghề.

Nhiều đại biểu kiến nghị luật nên sửa đổi theo hướng cho phép người tập sự hành nghề luật sư được thực hiện một số hoạt động nghề nghiệp phù hợp dưới sự giám sát của người hướng dẫn. Ngoài ra, luật cũng nên phục hồi danh xưng “luật sư tập sự” vừa ngắn gọn vừa dễ hiểu thay cho danh xưng “người tập sự hành nghề luật sư” dài dòng không cần thiết như hiện nay.

Có tài cũng phải có tâm

Luật sư là những người hiểu biết pháp luật, hoạt động nghề nghiệp của luật sư là hướng dẫn, giải thích luật, hỗ trợ pháp lý cho người khác. Do vậy, các dịch vụ trong hoạt động nghề nghiệp của luật sư là dịch vụ trí tuệ, rất cao quý nên các luật sư phải hết sức bảo vệ uy tín của chính giới mình. Đã là luật sư thì không thể lại đi vi phạm pháp luật được. Ngoài cái tài là trình độ pháp lý chuyên môn, luật sư cần phải có cái tâm trong quá trình hành nghề, phải tự giác chấp hành các quy định của pháp luật. Có như vậy luật sư mới tạo được lòng tin cho người dân, mới tạo dựng được uy tín nghề nghiệp, mới được xã hội đánh giá cao.

Ông NGUYỄN ĐỨC CHÍNH, Thứ trưởng Bộ Tư pháp

Ít khiếu nại khi bị làm khó

Pháp luật đã quy định cụ thể nếu không đồng ý với hành vi tố tụng của người tiến hành tố tụng, cơ quan tố tụng thì luật sư có quyền khiếu nại. Tuy nhiên, trên thực tế rất ít khi các luật sư vận dụng những quy định này để giải quyết theo đúng trình tự, thủ tục. Thậm chí trong một số trường hợp luật sư còn cố ý không chịu tuân theo sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa hoặc bỏ ra về, không thực hiện nghĩa vụ bào chữa của mình.

Thẩm phán VŨ PHI LONG,
Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM

Không nên quy định về thù lao

Luật Luật sư quy định mức thù lao chi phí của luật sư là không phù hợp bởi đây là sự thỏa thuận, tự nguyện giữa luật sư với khách hàng. Tùy vào trình độ, uy tín, khả năng chuyên môn mà mỗi luật sư tự đặt ra mức thù lao khác nhau. Do vậy, luật không nên giới hạn rằng phải thu phí bao nhiêu và giới hạn mức phí là bao nhiêu.

Luật sư QUÁCH TÚ MẪN, Đoàn Luật sư TP.HCM

HỒNG TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm