Siết chất lượng thẩm phán

Tất cả ý kiến tham dự hội thảo đều phản đối chức danh thẩm phán ngoài ngạch (nhiệm kỳ một năm). Theo dự thảo luật, đó là chuyên gia không phải là công chức của tòa án nhưng được chánh án TAND Tối cao bổ nhiệm để tham gia giải quyết một số vụ việc có tính đặc thù như sở hữu trí tuệ, thương mại quốc tế, môi trường, đất đai, tài chính…

Không phù hợp

Thẩm phán Phùng Văn Hải (Chánh án TAND quận 2) và Thẩm phán Lê Thanh Phong (Chánh án TAND quận 7) đều nhận xét quy định này không phù hợp. Bởi lẽ thẩm phán là một chức danh tư pháp quan trọng, phải được chuyên nghiệp hóa, không thể có hai loại là trong ngạch hay ngoài ngạch. Trong khi đó quy định về tiêu chuẩn và thời gian bổ nhiệm thẩm phán ngoài ngạch đều không đáp ứng được chất lượng xét xử. Theo ông Phong, bản thân những người được bổ nhiệm cũng cảm thấy tự ái vì họ bị gọi là ngoài ngạch.

Đồng tình, luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư TP.HCM) nói: “Chắc chắn khi họ xử các loại án, người dân sẽ không mấy tin tưởng vào chất lượng vì tâm lý không coi trọng. Giá trị của những bản án này rất thấp, từ đó sẽ làm mất dần niềm tin của người dân vào công lý”.

Một điều mới trong dự luật (Điều 6) quy định về các chức danh tư pháp trong tòa án có hai chủ thể mới là trợ lý thẩm phán cùng trợ giúp viên tư pháp về gia đình và người chưa thành niên. Nhiều ý kiến cho rằng như vậy là không cần thiết.

 
Nhiều ý kiến cho rằng không nên phân biệt trình độ thẩm phán vì sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lý và độ tin cậy của người dân. Ảnh minh họa: HTD

Theo Thẩm phán Vũ Phi Long (Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM), không nên coi hai chủ thể này là chức danh tư pháp. Vì trên thực tế sự cần thiết phải có các chức danh này chưa rõ ràng, trong khi thư ký tòa án là nguồn phát triển để bổ nhiệm thẩm phán thì lại không được chú trọng để rèn luyện.

Kiểm sát viên Đoàn Tạ Cửu Long (Phó Viện trưởng VKSND TP.HCM) nhận xét, theo dự thảo thì trợ lý thẩm phán là một vị trí gần như trùng với thư ký tòa. Thực tế cho thấy có thư ký giải quyết gần như 90% hồ sơ nghiệp vụ giúp thẩm phán xét xử. Do vậy không nên có thêm chức danh này mà thay vào đó có thể gọi là thẩm phán tập sự giống như luật sư tập sự. Đây là những người từng làm thư ký, vừa đi học lớp thẩm phán xong, đang cần học nghiệp vụ xét xử.

Nên có thẩm phán suốt đời?

Điều 62 dự thảo quy định nhiệm kỳ bổ nhiệm đối với thẩm phán được kéo dài 10 năm (thay vì năm năm như hiện tại), đến nhiệm kỳ hai thì bổ nhiệm cho đến khi nghỉ hưu, riêng thẩm phán TAND Tối cao thì bổ nhiệm suốt đời.

Thẩm phán Nguyễn Công Phú (Chánh tòa Kinh tế TAND TP.HCM) đánh giá cao điểm mới này. Theo ông Phú, đây là vấn đề bức xúc nhiều năm của thẩm phán vì bổ nhiệm năm năm một lần vừa không quản lý tốt lại tốn thời gian, vì mỗi lần như vậy phải làm hồ sơ, lấy phiếu tín nhiệm… Trong khi thực tế có những thẩm phán trước khi về hưu “xử rất ẩu” vì họ không còn bị ràng buộc về việc tái bổ nhiệm. “Do vậy, chúng ta nên quản lý theo tiêu chuẩn thẩm phán chứ không nên dùng nhiệm kỳ để làm điều kiện ràng buộc” - ông Phú nhấn mạnh.

Thẩm phán Lê Thanh Phong đề xuất, đối với thẩm phán bình thường thì nhiệm kỳ đầu là năm năm, nhiệm kỳ hai là 10 năm, sau đó mới bổ nhiệm đến không thời hạn. Với thẩm phán TAND Tối cao thì bổ nhiệm suốt đời là đúng vì để được chức danh này họ phải có độ tuổi, trình độ và uy tín nhất định.

Về phân biệt thẩm phán sơ cấp, trung cấp và cao cấp, nhiều ý kiến cho rằng không nên do nó ảnh hưởng đến tâm lý của thẩm phán và độ tin cậy của người dân. Một đại diện TAND quận Thủ Đức nói: “Thẩm phán là một chức danh chung, việc phân cấp là theo trí tuệ bẩm sinh, do học hành và nghiên cứu chứ không phải do bổ nhiệm”. Thẩm phán Phùng Văn Hải thì lý luận: Người dân cứ nghe giới thiệu thẩm phán đó trình độ sơ cấp thì nghĩ ngay là yếu chuyên môn, do vậy cứ gọi chung tên thẩm phán là đúng nhất.

Già yếu không nên tham gia xử án?

Dự thảo kéo dài độ tuổi nghỉ hưu của thẩm phán có thể đến 70 tuổi và tuổi xét làm hội thẩm nhân dân từ 23 tuổi đến 70 tuổi.

Theo Thẩm phán Nguyễn Thành Nguyên Nhung (Chánh án TAND quận 3), tiêu chuẩn độ tuổi của hội thẩm vậy là chưa sát, cần sửa lại là từ 28 đến 65 tuổi. Bởi lẽ hội thẩm nếu mới chỉ ở độ tuổi 23 thì chưa đủ kinh nghiệm và kiến thức để ngang quyền với thẩm phán khi xét xử theo luật định. Ngược lại, đến độ tuổi 70 thì nhiều người đã không còn minh mẫn nữa, chưa kể trình độ kiến thức pháp lý hạn chế. Thực tế nhiều khi thấy hội thẩm già yếu quá, thẩm phán phải lọc hồ sơ và hướng dẫn cách đọc cho họ, có hội thẩm thì không đủ sức để theo dõi hết tình tiết vụ án. Do vậy để phiên tòa có chất lượng thì các thành viên trong HĐXX phải có chất lượng.

Trong khi đó. Thẩm phán Vũ Phi Long cho rằng tuổi nghỉ hưu của thẩm phán có thể kéo dài thêm nhưng theo nhu cầu công việc chứ không nên quy định cứng. Từ 60 tuổi là phải bảo đảm quyền được nghỉ hưu theo Bộ luật Lao động, nếu thẩm phán tự thấy yếu, đề nghị nghỉ thì phải chấp nhận cho họ nghỉ.

Theo Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Độ (thành viên ban soạn thảo), quy định độ tuổi rộng như trên nhằm mục đích tận dụng những người có kinh nghiệm trong hoạt động xét xử. “Vấn đề này không nên nhìn nhận từ góc độ hẹp là tiêu chuẩn thẩm phán mà phải từ nhu cầu xã hội. Hiện nay việc bổ nhiệm thẩm phán cũng rất chặt do phải theo biên chế nên hiếm có trường hợp nào còn trẻ mà được làm thẩm phán” - ông Độ lý giải.

THANH TÙNG

 

Tòa đào tạo cử nhân luật?

Điều 19 dự thảo quy định nhiệm vụ của Học viện Tòa án là tổ chức đào tạo pháp luật bậc đại học và sau đại học, nguồn bổ nhiệm tuyển dụng các chức danh tư pháp, bồi dưỡng nghiệp vụ…

Giảng viên Lưu Đức Quang (Trường ĐH Luật TP.HCM) lo ngại: Việc để Học viện Tòa án đào tạo cử nhân luật theo kiểu khoa học pháp lý như hai Trường ĐH Luật Hà Nội và TP.HCM là không ổn. Nên chăng quy định rõ Học viện Tòa án chỉ chuyên đào tạo nghiệp vụ xét xử hoặc bồi dưỡng kỹ năng thay thẩm phán như một hình thức đào tạo nghề.

Luật sư Trương Thị Hòa thì đề nghị Học viện Tòa án không chỉ đào tạo nghiệp vụ cho thẩm phán mà còn phải đào tạo nâng cao trình độ của hội thẩm nhân dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm