Sẽ kiểm soát chặt hơn việc ghi hình phiên tòa?

Theo Viện trưởng Viện Khoa học xét xử TAND Tối cao Lê Văn Minh, việc ghi âm, ghi hình (quay phim, chụp ảnh) và đăng tải hình ảnh diễn biến trong phiên tòa phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa. Nhà báo, phóng viên phải xuất trình thẻ nhà báo cho thư ký phiên tòa tại bàn thư ký chậm nhất là 15 phút trước giờ khai mạc phiên tòa; chấp hành đúng hướng dẫn của thư ký phiên tòa về khu vực tác nghiệp, vị trí đặt máy ghi hình; chấp hành sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa trong thời gian diễn ra phiên tòa. Quy định này phù hợp với khoản 2 Điều 211 BLTTDS (việc ghi âm, ghi hình về diễn biến phiên tòa chỉ có thể được tiến hành khi được sự đồng ý của HĐXX).

Ông Minh giải thích thêm: Việc ghi hình, đăng tải hình ảnh liên quan đến quyền nhân thân của đương sự được luật pháp bảo hộ nên phải được đương sự đồng ý. Ngay cả với bị cáo, Hiến pháp cũng xác định rõ “người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Như vậy quyền nhân thân của họ vẫn được tôn trọng, bảo vệ và hình ảnh của họ không thể tùy tiện sử dụng. Tại một số quốc gia khác, truyền thông tường thuật phiên tòa phải sử dụng hình vẽ minh họa chứ không được phép đăng hình ảnh chụp khuôn mặt thật của bị cáo và mọi người trong phòng xử. Nếu nhà báo tự ghi hình, đăng tải hình ảnh không xin phép thì phải chịu trách nhiệm nếu đương sự khởi kiện. Còn việc ghi hình do tòa đồng ý thì tòa chịu trách nhiệm.

Về Nghị định 51/CP ngày 26-2-2002 quy định quyền của nhà báo “được hoạt động tác nghiệp lấy tin, chụp ảnh, quay phim, ghi âm tại các phiên tòa xét xử công khai… theo quy định của pháp luật” - ông Minh cho rằng phải hiểu là nhà báo thực hiện quyền này tuân thủ theo BLTTDS, nghĩa là phải được sự đồng ý của HĐXX. Nếu cho rằng các quy định này có mâu thuẫn, xung đột thì khi thực hiện phải đảm bảo nguyên tắc áp dụng quy định có hiệu lực cao hơn…

BÌNH MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm