Sài Gòn trăm miền dân dã

1. Với tôi, màu vàng của bông điên điển hàm chứa cả bầu trời trĩu đầy mây xám, cánh đồng nước mênh mông, không gian ẩm ướt thoang thoảng mùi dầu tràm của mùa nước nổi. Cầm lòng không đậu, tôi mua mão cả đống bông điên điển gần năm ký. Trên đường về, tôi hết phun nước lại lăn trở đổi chỗ cho mớ bông điên điển thiệt tươi, làm quà cho anh em bè bạn dân miền Tây đang ngụ cư ở Sài Gòn. Bụng tôi cứ nghĩ đây chắc hẳn là món quà đặc sản Đồng Tháp Mười. Ấy vậy mà khi nhận điện thoại của tôi, Nguyễn Trọng Tín cười ngất: “Trời ơi! Bà xã tui mua ở chợ Cầu Muối có 16.000 đồng một ký, tươi chông như mới hái. Muốn bao nhiêu cũng có!”. Tôi giật mình chép miệng, thấm cái lý của câu ông bà thường nói “đắt đồng, rẻ chợ” và phục lăn những ai đó đã ngày ngày đưa Đồng Tháp Mười của tôi về chợ.

Sài Gòn trăm miền dân dã ảnh 1

2. Cách đây hơn 10 năm, thời đó cá nuôi chưa nhiều, tôi với Võ Đắc Dự đi khắp chợ Cà Mau kiếm một con cá lóc đồng về kho mắm mà không có. Hỏi người bán cá họ cười, cá ngon chạy vô nhà hàng hết ráo rồi. Bây giờ cá nuôi nở rộ, cá lóc, cá trê, cá rô… lớn nhỏ cỡ nào cũng có. Con cá nuôi nào cũng đen mướt, mập ú, nhìn thấy phát thèm nhưng khi ăn thì bở rệp, lạt nhách nên có người nói vui là cá giả. Có giai thoại nói nhà thơ Trần Văn Chiếm ở Cà Mau (người được phong vui là… “bộ trưởng bộ mắm”) phải sắm con cá đồng mẫu để mỗi sáng bà vợ đi chợ đem theo so sánh, lựa chọn cho đúng con cá thiệt. Ngay xứ cá Cà Mau, cá lóc thiệt đã khó kiếm như vậy nhưng tại Sài Gòn, Võ Đắc Dự tuyên bố muốn ăn cá thiệt, gọi điện thoại trước 6 giờ sáng thế nào cũng có. Mối của Dự là một thương lái từ Cần Đước (Long An) mỗi ngày chở hai can nhựa cá đồng lên bán ở gần ngã tư Gò Mây. Không chỉ cá lóc mà còn cả cá lăng, cá trèn, những loại cá nước lợ hiếm hoi đã gần như tuyệt chủng. Giá cá thiệt cao gấp đôi cá nuôi cùng loại nhưng với người điệu nghệ thì đâu cần mắc rẻ. Mỗi ngày lái cá lên tới, người ta xúm lại mua, chỉ một loáng là hết sạch.

Sài Gòn trăm miền dân dã ảnh 2

3. Người miền Tây sành điệu thường khen món bún nước lèo (bún mắm) ở chợ Tân Định, nước trong vắt, tôm tươi đỏ rói, thịt ba chỉ trắng phau. Tôi lại ưng bún nước lèo của một quán vô danh trong khu chợ nhỏ đường Nguyễn Lâm, quận 5. Cũng mắm, cũng tôm, thịt nhưng đặc biệt có hương ngãi bún pha với hương sả đặc trưng của bún nước lèo chánh hiệu. Cứ thầm nghĩ mùi ngãi bún đó là độc quyền. Mới đây tôi được làm quen với anh Phú, nguyên bí thư thị xã Châu Đốc về hưu. Theo con cái lên Sài Gòn sống, anh không chỉ mang mắm Châu Đốc mà mang theo cả cây ngãi bún trồng một chậu trước nhà và chiết ra nhân giống cho bạn bè. Bụi ngãi bún nhà tôi giờ đã nhảy tược xanh, cái hương vị dân giã miền cực Tây đất nước giờ có sẵn ở nhà tôi.

4. Sài Gòn còn có cả một chợ bà Hoa chuyên bán sản vật miền Trung, từ ruốc Huế, mắm tôm chà, trái vả đến xôi đường, bánh thuẫn Quảng Nam. Đặc biệt chợ này dày đặc các gian hàng mì Quảng, nguyên lá có, xắt sợi có. Lần đầu tiên tôi được thưởng thức món mì Quảng là ngày giỗ của chi tộc Phan Bảo An, Điện Quang, Điện Bàn (Quảng Nam). Những người con xứ Quảng vào Sài Gòn đã gom sức nhau tạo tác nhà thờ tộc tại Bình Triệu. Ăn mì Quảng trong không gian xứ Quảng tại Sài Gòn, ăn theo đúng phong cách Quảng Nam, dùng hai bàn tay bóp nát tấm bánh tráng, rắc lên tô mì đang bốc khói tôi cứ mường tượng tới cánh đồng cát trắng và những hàng cây phi lao khô quắt quéo.

Đêm đêm trên đường phố Sài Gòn, thỉnh thoảng người ta lại gặp những bếp lửa rừng rực đúc bánh xèo miền Trung làm ấm áp tấm lòng những người dân xa xứ. Cũng bột, cũng nhân, cũng rau nhưng bánh xèo miền Trung xinh xắn, nền nã trong cái khuôn đúc mang phong cách, hương vị của miền gió cát.

Sài Gòn trăm miền dân dã ảnh 3

5. Trước 1975, mỗi năm vài lần bác Ba tôi từ Sài Gòn về quê giỗ chạp, món quà quý nhất biếu bà nội tôi là trái vải khô. Trong chuyện của Duyên Anh, những đứa trẻ nghịch ngợm tắm sông Trà Lý hái vải trộm đầy chất thơ. Với tôi, chuyện đó nó xa xôi và xa lạ như từ thế giới khác. Lớn thêm chút nữa, nghe đến rượu làng Vân, nếp tám thơm, cốm làng Vòng càng thấy xa vời. Sau này, ra miền Bắc mua được tương bần Hưng Yên, uống rượu Sán Lùn Tây Bắc trong cái lạnh mát của mưa phùn, gió bấc đầu mùa, vậy mà tôi vẫn thấy xa. Như để chứng thực với mình, tôi mua mấy lít rượu Sán Lùn đem về Nam. Tiền bao bì đóng gói rượu tại sân bay mắc hơn tiền rượu tôi vẫn không thấy tiếc. Vậy mà bây giờ ở ngay tại Sài Gòn, vải tươi khoe hàng bên cạnh chôm chôm giá chỉ nhỉnh hơn chút đỉnh. Nguyễn Trọng Tín khoe với tôi muốn uống rượu nếp cái hoa vàng thì cứ a lô, cần bao nhiêu cũng có. Không phải là loại rượu công nghiệp vô bao bì đóng gói huê dạng mà thiếu hương vị, thiếu cá tính của người nấu. Rượu của anh do bà lão từ Bắc Giang tự tay chưng cất, trong như mắt mèo, còn nguyên hương nếp.

Sài Gòn với tôi không chỉ là những cao ốc, nhà hàng sang trọng. Sài Gòn là nơi hội tụ của mồ hôi, sức vóc của trăm miền đất nước nhập cư. Họ không chỉ đóng góp công sức, chất xám làm ra những con số GDP làm ra Sài Gòn hoa lệ mà cũng chính họ đã khơi dòng cho trăm miền dân dã hội ngộ về đây…

ANH THƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm