Rối vì luật sư tập sự kiêm luật gia

Trước khi đăng ký tham gia tập sự hành nghề luật sư tại Công ty TNHH Luật KK, ông DLH là hội viên Hội Luật gia tỉnh Bạc Liêu. Thời gian đó, ông H. đã tham gia hoạt động tố tụng tại TAND với tư cách luật gia và là người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho một số đương sự theo yêu cầu của họ.

Sở Tư pháp nói được, đoàn luật sư bảo không

Sau khi trở thành người tập sự hành nghề luật sư (xin gọi tắt là luật sư tập sự), ông H. vẫn tiếp tục tham gia bảo vệ quyền lợi cho khách hàng tại tòa với tư cách là luật gia.

Hiện nay, pháp luật về luật sư cấm luật sư tập sự cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng dưới mọi hình thức nhưng lại không nói rõ trường hợp luật sư tập sự lấy danh nghĩa khác như luật gia thì có bị cấm hay không. Do vậy, Công ty Luật KK - nơi ông H. tập sự đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng ở Bạc Liêu để nêu vướng mắc và xin ý kiến hướng dẫn.

Ngày 27-2, Sở Tư pháp tỉnh Bạc Liêu có văn bản trả lời Công ty Luật KK. Theo Sở, luật sư tập sự không được phép đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho khách hàng tại phiên tòa, không được ký văn bản tư vấn pháp luật. Tuy nhiên, việc ông H. tham gia bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đương sự với tư cách là hội viên Hội Luật gia tỉnh Bạc Liêu không vi phạm quy định của Luật Luật sư. Khi tham gia bảo vệ đương sự tại phiên tòa, ông H. không được lấy tư cách là luật sư tập sự.

Còn luật sư Vưu Văn Kía (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bạc Liêu) cho biết hiện Ban Chủ nhiệm đoàn chưa có văn bản trả lời chính thức Công ty Luật KK về trường hợp của ông H. Tuy nhiên, theo Ban Chủ nhiệm, vì ông H. đang là luật sư tập sự nên ông không được tham gia bảo vệ đương sự tại tòa, dù là với tư cách hội viên Hội Luật gia đi chăng nữa.

Chuyên gia: Mỗi người một ý

Luật sư Huỳnh Kim Vinh (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước) nhận xét: Hội Luật gia là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp. Hội viên Hội Luật gia có quyền và nghĩa vụ theo điều lệ của hội cũng như các quy định của pháp luật liên quan khi tham gia bảo vệ đương sự tại phiên tòa. Còn tư cách luật sư tập sự hoàn toàn khác với tư cách của luật gia và đối với mỗi tư cách luôn gắn liền với các quy định liên quan điều chỉnh. Như vậy, pháp luật về luật sư cấm luật sư tập sự không được nhận ủy quyền, bào chữa… chứ điều lệ Hội Luật gia và pháp luật liên quan không cấm hội viên Hội Luật gia bảo vệ đương sự tại tòa. Do vậy, ông H. hoàn toàn có quyền làm công việc này với tư cách là một luật gia.

Đồng tình, luật sư Nguyễn Toàn Thiện (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận) bổ sung thêm: Luật Luật sư sửa đổi và các văn bản hướng dẫn đều không hề có quy định nào nói rằng luật sư tập sự không được tham gia đại diện, bào chữa hay bảo vệ quyền lợi cho đương sự với tư cách khác. Ở đây ông H. là một luật gia, pháp luật cho phép luật gia được thực hiện các hoạt động tố tụng tại tòa thì sao lại phải cấm ông H.? Việc pháp luật về luật sư không cho luật sư tập sự nhân danh mình tham gia các hoạt động pháp lý tại tòa đã và đang gây ảnh hưởng không nhỏ cho họ. Nếu cứ máy móc rằng họ đã là luật sư tập sự thì không được làm gì dù với tư cách gì thì lại càng thêm bất công.

Ngược lại, hai thẩm phán ở TP.HCM là Thẩm phán Phạm Minh Triều (Chánh án TAND quận Gò Vấp) và Thẩm phán Nguyễn Thanh Vân (TAND quận Bình Thạnh) cùng nhận định trường hợp của ông H. là trường hợp cấm theo quy định của Luật Luật sư. Pháp luật đã quy định những gì mà luật sư tập sự không được làm thì rơi vào tình huống đó, ông H. phải chấp hành. Đúng là bình thường ông có quyền tham gia các hoạt động tại tòa với tư cách là luật gia hoặc tư cách khác (đại diện theo ủy quyền, bào chữa viên nhân dân...) nhưng nếu ông đã trở thành luật sư tập sự thì ông phải chịu sự điều chỉnh theo quy định của pháp luật về luật sư. Tức là trong thời gian còn là luật sư tập sự, ông không được tham gia bảo vệ đương sự tại tòa.

Vụ Bổ trợ tư pháp: Không được!

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Bốn (Phó Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp - Bộ Tư pháp) cho biết Luật Luật sư sửa đổi và các văn bản hướng dẫn quy định luật sư tập sự “không được đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng tại phiên tòa, không được ký văn bản tư vấn pháp luật” là có lý do riêng của nó.

Ông Bốn lý giải: Khi tham gia vào các quan hệ xã hội, một người có thể có nhiều tư cách khác nhau, có thể là công chứng viên, luật gia, luật sư… hay một công dân bình thường. Dù cho có những tư cách gì đi nữa nhưng nếu đã là luật sư tập sự thì trong thời gian tập sự, người đó phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật về luật sư và có nghĩa vụ chấp hành. Tức trường hợp của ông H. sẽ không được bảo vệ đương sự tại tòa dù với tư cách nào đi nữa cho đến khi chấm dứt thời gian tập sự.

HỒNG TÚ

 

Chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị sửa luật

Trong quá trình sửa đổi Luật Luật sư trước đây, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã nhiều lần có ý kiến đề nghị cho phép luật sư tập sự được tham gia có giới hạn một số hoạt động tố tụng tại các cơ quan tố tụng nhưng không được các nhà làm luật chấp thuận. Cấm luật sư tập sự được thực hiện các hoạt động pháp lý là quy định thiếu tiến bộ, không có lợi về nhiều mặt. Do đó, Liên đoàn Luật sư sẽ tiếp tục kiến nghị vấn đề này trong những lần sửa đổi Luật Luật sư sắp tới.

Luật sư LÊ THÚC ANH, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm