Rẻo cao Thanh Hóa đói mùa giáp hạt - Bài 2: Nghèo đói và ma túy hoành hành

Từ huyện Quan Hóa đi tiếp về hướng tây khoảng 60 km thì đến huyện biên giới Mường Lát. Đường sá ở đây phải nói là kinh hoàng. Từ bản Pá Quăng trên đường 520 nối Thanh Hóa đến Mường Lát vào bản Ko Kài chỉ có 13 km nhưng đi xe máy phải mất hơn 1 tiếng đồng hồ. Xe cứ phải chồm lên hụp xuống vì đường mới mở.

Cũng giống như đường vào xã Trung Sơn (huyện Quan Hóa), con đường này một bên là vực sâu thăm thẳm, một bên là núi cao chót vót. Tôi phải luôn cài số 1, xe gầm rú liên tục mới bò được lên đỉnh núi. Xuống thoai thoải 4 km là bản Ko Kài hiện ra với vài chục nóc nhà bên sườn núi.

Bản có 100% hộ nghèo

Trưởng bản Ngân Văn Cảnh đưa tôi đến các hộ đặc biệt khó khăn. Nhà Ngân Văn Miếng ở đầu bản. Chủ nhà mới 62 tuổi mà người hom hem đang ngồi co ro bên bếp lửa. Kế đó là một người nằm đắp chăn. “Vợ mình đấy, bệnh viện bảo là bị khối u, mình đành mang về nhà để nằm chờ “đi”. Mỗi ngày chỉ đồ vài thìa hồ bột sắn, không biết đi ngày nào…” - ông Miếng nói.

Đập vào mắt tôi khi đến nhà ông Ngân Văn Đàm là một rổ sắn (mì) luộc và một đĩa lá đen đen trộn với muối. Hỏi ra mới biết đó là lá sắn ngâm muối. Còn nhà ông Lộc Văn Đôi thuộc loại khá hơn cũng ăn sắn ngày hai bữa nhưng có độn ít gạo. Ông Đôi thu nhập bằng cách vót nan vầu (một loại tre). Cứ hai ngày vừa chặt, chẻ, vót được 100 kg mới được 80.000 đồng.

Rẻo cao Thanh Hóa đói mùa giáp hạt - Bài 2: Nghèo đói và ma túy hoành hành ảnh 1

Bếp nhà ông Ngân Văn Miếng trống trơn. Ảnh: NGUYỄN DÂN

Tôi hỏi trưởng bản: “Ông nói bản mình 100% hộ nghèo, tại sao thế?”. “Thì có nguồn thu nhập nào đâu. Đất trồng sắn ở các sườn núi thì có quá ít. Mấy năm chuột chỉ cắn phá lúa nước, năm nay sắn, ngô vừa phát triển là chuột cắn sạch. Trước kia đất canh tác cũng có chút ít nhưng từ khi núi rừng trở thành khu bảo tồn (năm 1999), đất đai ấy bị cấm ngặt không được đụng đến. Bà con chỉ còn chút ít đất xung quanh nhà để trồng sắn. Quanh năm phải đào củ nâu, củ mài và lấy măng, rau trong rừng. Nhà nước cũng có khu tái định cư nhưng chỗ ở thì bên sườn núi dựng đứng đầy đá sỏi, đến con dê cũng không ở được huống là người Mường mình”.

Trưởng bản nói tiếp: “Cái khổ của lớp trẻ bây giờ cứ khoảng 15 tuổi là lén lút chơi thuốc phiện. Trước kia bản mình có 24 nhà có người nghiện nặng. Mà đã nghiện là cả ngày chỉ nằm bẹp dí không làm ăn gì được, nằm đấy chờ bệnh đến là chết”. Tôi tròn mắt ngạc nhiên khi nghe ông nói tiếp: “Bản mình vẫn còn tốt đấy chứ bên các bản Cá Giáng, Cánh Cổng, Tà Kón, trăm nhà người Mông thì cả trăm có người nghiện”.

Một đám tang trên núi

Con đường trơn trượt dựng đứng đưa tôi đến một khu vài mươi nóc nhà đen xám. Đó là bản Khặm I (xã Trung Lý, huyện Mường Lát), một bản toàn người Mông nằm chơ vơ trên đỉnh núi, cách biên giới Lào chưa đến 10 km đường chim bay. Đây là một trong những bản đặc biệt khó khăn và là nơi trọng điểm chính quyền đang tập trung ngăn chặn nạn ma túy.

Đến đây, tôi chợt nghe tiếng khóc, tiếng hờ, kể lể vọng ra từ một ngôi nhà lụp xụp, u ám nằm trên sườn núi. Thì ra nhà bà Thào Thị Dua đang có tang. Tôi bước vào. Căn nhà tối tăm, vài mươi người đang xúm xít quanh một dải sắn bày ở nhà làm mâm cơm cúng người mất. Ở góc nhà, trên một cái giường kê thấp là xác một người nằm dài xuôi tay với y phục một cô gái Mông. “Thằng Sòng A Dính đấy” - trưởng bản nói khẽ vào tai tôi. “Ủa, đó là cô gái mà?” - tôi thắc mắc. “Theo tập quán người Mông mình, nhà có người qua đời thì phải cho người ta ăn mặc, trang điểm thật đẹp. Thằng Dính thường ngày chẳng có đồ nào tử tế để mặc. Áo quần này có lẽ là của chị nó” - trưởng bản giải thích.

Rẻo cao Thanh Hóa đói mùa giáp hạt - Bài 2: Nghèo đói và ma túy hoành hành ảnh 2

Vợ trưởng bản Ko Kài Ngân Văn Cảnh đang chuẩn bị bữa ăn trưa với sắn lẩy nhỏ. So với nhiều nhà trong bản, nhà ông Cảnh thế này đã khá lắm rồi. Ảnh: NGUYỄN DÂN

Rẻo cao Thanh Hóa đói mùa giáp hạt - Bài 2: Nghèo đói và ma túy hoành hành ảnh 3

Chiếc quan tài sơ sài, chơ vơ trên đỉnh núi để đưa Sòng A Dính về bên kia thế giới. Ảnh: NGUYỄN DÂN

Nhà bà Dua nghèo đến nỗi thằng Dính chết mà chẳng còn gì để làm ma chay cho nó. Bà con xung quanh phải gom góp người nắm gạo, người miếng thịt để làm mâm cơm cúng. Bên hông nhà, dăm ba người đàn ông đang dùng rìu đẽo những khúc gỗ tạp ghép làm quan tài để chiều nay đưa người chết đi chôn.

Chồng bà Thào Thị Dua chết cách đây một năm vì nghiện hút, gầy kiệt sức rồi chết. Hai đứa con trai trước đó cũng vì nghiện mà chết. Lần này là đến thằng Sòng A Dính, đứa con trai cuối cùng trong bốn đứa con của bà. Nó chết vì bị nghi sưng gan nhưng người trong bản bảo nguyên nhân cũng từ ma túy mà ra…

Bắt ma túy không xuể

Mới đầu tháng này, ở bản Khặm II, một ông giám đốc có xe tải và nhà lầu nhưng lại buôn thuốc phiện bên Lào về rồi bị bắt. Nghe đâu công an tịch thu cả mấy kilogam heroin.

Ngay tại nhà nghỉ mà tôi trọ tối qua, người ta cho biết ngay hôm trước công an cũng đã bắt tại đây một tay cán bộ xã Nhi Sơn đang giao “hàng” đến 1,1 kg thuốc phiện. Và hồi giữa tháng, công an cũng đã triệt phá hơn một mẫu cây anh túc ở xã Pù Nhi…

Chỉ riêng trong tháng 3 này, công an huyện cũng đã bắt nhiều vụ ma túy khác. Ngày 17-3, bộ đội biên phòng ở huyện liên tiếp bắt được hai vụ vận chuyển ma túy. Trước đó một ngày, tổ tuần tra biên phòng xã Pù Nhi đã bắt hai đối tượng Lê Văn và Cao Ngọc Toàn (đều trú ở huyện Đông Sơn, Thanh Hóa) buôn bán thuốc phiện. Cùng ngày, cũng tại xã Pù Nhi, Tổ tuần tra Đồn biên phòng Quang Chiểu bắt giữ đối tượng Chẹo Văn đang vận chuyển heroin…

Tôi chợt nhớ đến lời dặn của trưởng bản Pượn Vi Xuân Nhất ở huyện Quan Hóa trước khi tôi đến Mường Lát: “Trên đường đi gặp người nào xin đi nhờ thì anh tuyệt đối không cho và phóng xe thật nhanh. Cả khi trọ cũng vậy, không bao giờ rời hành lý khỏi mình, vì có thể bọn chúng sẽ nhét thuốc phiện vào hành lý của anh (khi có “biến”) mà anh không biết”.

Điều ông Nhất nói đã được chứng minh. Trong thời gian ở Mường Lát, tôi đã ba, bốn lần bị biên phòng và công an hỏi thăm khi họ thấy biển số xe lạ của tôi trên vùng rẻo cao cực tây bắc của xứ Thanh này.

Ngoài lý do không có đất canh tác, ngành nghề không phát triển, chính ma túy đã khiến Mường Lát có tỉ lệ hộ nghèo có lẽ cao nhất nước. Vậy nên đến mùa giáp hạt, bà con ở đây không đói ăn mới là điều lạ.

Bức tranh xám xịt

Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát Lương Quý Hội cho biết đây là huyện cực tây của tỉnh, cách TP Thanh Hóa 250 km, với 100 km đường biên giới chung với nước Lào. Bên kia biên giới, việc trồng cây anh túc (cây thuốc phiện) không bị nước bạn cấm nghiêm ngặt nên việc ngăn chặn, đẩy lùi nạn ma túy là vấn đề rất khó. Mường Lát có tám xã với dân số khoảng 34.000 người, dân cư đa số là người dân tộc Mông (H’Mông), Thái. Tỉ lệ hộ nghèo là 53% (trong khi con số từ Bộ Công an là 74%). Cả huyện có 1.600 hộ đặc biệt khó khăn với 8.700 nhân khẩu thiếu đói, đang chờ tỉnh chuyển gạo cứu đói của Chính phủ đến.

Trong mùa giáp hạt, việc thiếu ăn xã nào cũng có, đặc biệt là hai xã Trung Lý và Mường Lý với trên 60% là hộ nghèo. Những xã này người dân chủ yếu là người Mông, có tập quán du canh du cư. Đến tạm cư ở đâu họ đốt nương làm rẫy đến đấy, đến khi đất bạc màu thì họ lại chuyển nơi khác. Thời gian sau này, do Nhà nước vận động, cộng với quy định cấm ngặt khai thác lâm sản Khu bảo tồn Pù Hu nên người Mông đã phần nào định canh định cư. Nhưng do tập quán và năm vừa rồi nạn chuột tràn lan ở khắp xã cắn phá lúa, bắp nên họ càng thêm thiếu đói.

Phó Chủ tịch Hội nói thêm: Đa phần nhà người Mông nào cũng đông con, nạn tảo hôn phổ biến và đặc biệt là nạn ma túy. Có một số nơi người vợ còn khuyến khích chồng hút ma túy nữa.

Thấy tôi ngạc nhiên, ông Hội lại giải thích: “Chồng nghiện hút thì họ rất hiền lành, ngoan ngoãn. Người vợ phải lo toan việc nương rẫy. Người Mông rất lạ. Họ thường coi mạng sống mình không ra gì. Động một chút, chồng vợ cãi nhau, con cái bị la rầy là sẵn sàng ăn lá ngón (một loại lá cực độc, ăn vào là chết). Hầu như lâu nay dòng họ nào cũng có người chết vì lá ngón”.

NGUYỄN DÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm