Quyết định thiếu dấu giáp lai

Mới đây, TAND TP.HCM sau một buổi xét hỏi đã quyết định hoãn phiên tòa vụ bà TTHT ở quận Thủ Đức kiện Trường mầm non tư thục L. vì đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Tòa yêu cầu các bên cung cấp thêm chứng cứ để có cơ sở ra phán quyết đúng pháp luật.

Kiện vì bị chấm dứt hợp đồng

Theo hồ sơ, bà T. vào làm việc tại Trường mầm non L. theo hợp đồng ký kết ngày 1-9-2012, thời hạn một năm. Theo thỏa thuận, công việc của bà T. là giảng dạy trẻ mầm non với mức lương 2,6 triệu đồng/tháng kèm phụ cấp. Thực tế, bà T. làm hiệu phó phụ trách chuyên môn của trường và lương thực lãnh là khoảng 5,5 triệu đồng/tháng. Đến ngày 16-4-2013 (trước hạn kết thúc hợp đồng 4,5 tháng), trường ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với bà T., từ đây phát sinh tranh chấp giữa hai bên.

Một tháng sau, bà T. nộp đơn khởi kiện tại TAND quận Thủ Đức. đại diện theo ủy quyền của bà T. trình bày: Nguyên đơn đã bị trường ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động không lý do, quyết định này (có hai trang, in trên hai tờ giấy) có nội dung tại Điều 1 là thỏa thuận bồi thường cho bà 93,6 triệu đồng (ghi ở trang 1), Điều 2 giải quyết lương, phụ cấp các tháng còn lại là 11,7 triệu đồng (ghi ở trang 2). Nay bà T. kiện không yêu cầu trường nhận lại làm việc nhưng phải bồi thường hai khoản trên như quyết định của trường.

Chỉ đòi bồi thường

Ngược lại, phía bị đơn cho rằng bà T. không chấp hành chỉ đạo của trường nên trường mới có quyết định chấm dứt hợp đồng với bà. Đồng thời, trường chỉ thừa nhận nội dung ở trang sau (Điều 2) có chữ ký, con dấu của trường, còn trang đầu không phải của trường. Vì thế, trường đồng ý chấm dứt hợp đồng với bà T. và chỉ bồi thường 11,7 triệu đồng (là 4,5 tháng lương còn lại của hợp đồng).

Xử sơ thẩm tháng 3, TAND quận nhận định trường ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động không có lý do, không thông báo trước cho bà T. biết ít nhất 30 ngày theo luật. Vì vậy, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động này là trái luật. Tòa cho rằng yêu cầu đòi bồi thuờng 4,5 tháng lương còn lại của bà T. là có cơ sở chấp nhận.

Riêng khoản nguyên đơn đòi 93,6 triệu đồng tòa không chấp thuận. Bởi theo tòa, giữa hai bên nguyên đơn - bị đơn không xác lập việc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng, chính nguyên đơn cũng xác nhận bị đơn chấm dứt hợp đồng lao động trái luật với mình nên mới khởi kiện nhưng lại dựa vào quyết định đó để đòi bồi thường là không có cơ sở. Tòa cũng nói rõ thêm đây là trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật nhưng bà T. không yêu cầu các khoản bồi thường khác liên quan nên tòa không xem xét.

Giám định cũng chào thua

Sau phiên sơ thẩm, nguyên đơn kháng cáo. Tại phiên phúc thẩm, đại diện nguyên đơn cho rằng bản án sơ thẩm ghi họ của bà T. sai (sai về dấu) và tiếp tục đòi bồi thường phần bị cấp sơ thẩm tuyên bác.

Phía bị đơn yêu cầu tòa làm rõ vì sao quyết định của hai bên cung cấp có nội dung khác nhau ở trang 1. Bị đơn nói khi ra quyết định trên nhà trường quên đóng dấu giáp lai hai trang nên xảy ra cơ sự là quyết định của nguyên đơn nộp có nội dung không đúng như quyết định của trường đã ra. Cụ thể là Điều 1 trong quyết định của nhà trường chỉ đơn thuần là nay chấm dứt hợp đồng với bà T. với lý do... chứ không hề có khoản thỏa thuận 93,6 triệu đồng bồi thường.

Phía bị đơn cũng cho rằng trong giai đoạn sơ thẩm tòa đã yêu cầu giám định làm rõ mặt trước và sau của quyết định trên có nội dung và hình thức của cùng một văn bản hay không. Thế nhưng Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP.HCM trả lời tòa rằng nội dung yêu cầu giám định là vượt quá khả năng của cơ quan này. Tuy nhiên, phía bị đơn cho rằng nếu nhìn bằng mắt thường thì cũng thấy cỡ chữ trong trang 1 quyết định nguyên đơn xuất trình và quyết định gốc do trường ban hành có khác nhau.

Để lý giải cho sự việc trên, HĐXX hỏi đại diện nguyên đơn cơ sở nào để đôi bên ra được thỏa thuận bồi thường con số 93,6 triệu đồng nhưng phía nguyên đơn không giải thích cụ thể. Phía nguyên đơn chỉ khẳng định ban đầu đồng ý nghỉ vì theo quyết định có sự bồi thường này. Tuy nhiên, sau khi có quyết định, nguyên đơn từng một lần đến trường để lấy tiền và một lần gọi điện thoại nhưng không có kết quả nên mới khởi kiện.

HĐXX nhận định việc cơ quan công an cũng không thể giám định để làm rõ vì sao một quyết định mà hai bên lại trưng ra lại có nội dung khác nhau nên cần phải đi tìm tính hợp tình, hợp lý và hợp pháp của nó. Con số 93,6 triệu đồng là tính theo mức lương hay dựa vào đâu? Bởi nếu cho nghỉ việc thì trường chỉ cần bồi thường cho người lao động 4,5 tháng lương còn lại, dù tính trên mức thực lãnh (5,5 triệu đồng, trong khi lương hợp đồng chỉ 2,6 triệu đồng) thì con số trên cũng chỉ mới hơn 20 triệu đồng.

Sau đó, HĐXX hội ý và hoãn xử để các bên cung cấp thêm chứng cứ nhằm làm rõ các vấn đề mâu thuẫn về thỏa thuận bồi thường.

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm