Quyết định của BHXH vẫn bị kiện

Tại Hội nghị tổng kết công tác ngành tòa án năm 2013, Tòa Hành chính TAND Tối cao có bài tham luận đặt vấn đề quyết định của cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) có phải là quyết định hành chính, thuộc đối tượng khởi kiện vụ án hành chính hay không? Tham luận viện dẫn Điều 131 Luật BHXH để cho rằng BHXH các cấp là tổ chức sự nghiệp, không phải là cơ quan hành chính Nhà nước. Do đó, các quyết định, hành vi của BHXH không phải là quyết định hành chính, hành vi hành chính nên không phải là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính.

Tuy nhiên, thực tiễn xét xử và quy định pháp luật hoàn toàn không phải như vậy.

Vẫn thụ lý, xét xử bình thường

Ngày 24-2-2009, bà Ngô Thị Hà nộp đơn khởi kiện quyết định hành chính giải quyết khiếu nại của BHXH tỉnh Khánh Hòa về việc BHXH tỉnh Khánh Hòa không cộng dồn thời gian của hai giai đoạn đóng BHXH của bà. Cụ thể, thời gian từ tháng 9-1979 đến tháng 11-1989 và từ tháng 11-1996 đến tháng 12-2007 theo quy định tại khoản 5 Điều 3 và Điều 139 Luật BHXH.

Xử sơ thẩm, TAND tỉnh Khánh Hòa đã bác yêu cầu khởi kiện của bà Hà về yêu cầu BHXH tỉnh Khánh Hòa tính thời gian trước tháng 11-1996 để cấp sổ BHXH. Bà Hà kháng cáo. Xử phúc thẩm, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng đã sửa án sơ thẩm, tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Hà. Tòa buộc BHXH tỉnh Khánh Hòa phải tính thời gian tham gia BHXH từ ngày 1-11-1982 đến ngày 30-8-1987 để cấp sổ bảo hiểm cho bà Hà.

Một phiên tòa liên quan đến BHXH diễn ra tại TAND quận Bình Tân, TP.HCM. Ảnh: T.TÙNG

Giám đốc thẩm vụ này, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cho rằng theo quy định tại khoản 5 Điều 3 và Điều 139 Luật BHXH thì thời gian công tác của bà Hà từ tháng 9-1979 đến tháng 11-1989 phải được cộng dồn vào thời gian đóng BHXH từ tháng 11-1996 đến tháng 12-2007 mới đúng. Án sơ thẩm xử bác yêu cầu của bà Hà và án phúc thẩm chưa tính đủ thời gian đóng BHXH của bà Hà là không đúng luật. Từ đó quyết định giám đốc thẩm đã hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm, giao hồ sơ cho các cấp tòa án Khánh Hòa xét xử lại theo thủ tục chung.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Chuông kiện BHXH tỉnh Đắk Lắk ra tòa hành chính và cũng đã được tòa án thụ lý, xét xử bình thường.

Luật quy định rất rõ

Tuy nhiên, hiện vẫn có tòa án phân vân, không thụ lý các quyết định hành chính của BHXH. Việc này không biết có phải do ảnh hưởng từ tham luận nói trên của Tòa Hành chính TAND Tối cao hay không. Nhưng theo chúng tôi, tham luận nói trên chỉ là ý kiến cá nhân, không phải là hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao nên không có căn cứ áp dụng. Hơn nữa, bản tham luận này dường như đã hiểu sai các quy định của pháp luật.

Bởi lẽ, Điều 3 Luật Tố tụng hành chính quy định: “Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc người có thẩm quyền trong các cơ quan, tổ chức đó ban hành”.

Như vậy, quyết định hành chính thuộc đối tượng bị kiện theo thủ tục hành chính không chỉ là các quyết định hành chính của cơ quan hành chính nhà nước. Nó còn bao gồm cả quyết định hành chính của các cơ quan, tổ chức khác, nếu quyết định đó hội đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Tố tụng hành chính và Nghị quyết số 02 ngày 29-7-2011 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.

Hiện nay, việc khiếu kiện các quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc lĩnh vực BHXH, nhất là cách tính thời gian đóng BHXH để tính chế độ nghỉ hưu đang là vấn đề bức xúc trong xã hội. Vì vậy, để việc thụ lý giải quyết vụ án hành chính của tòa án được thống nhất, tránh cảnh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” như trên, nên chăng TAND Tối cao cần có văn bản hướng dẫn cho tòa án địa phương để công tác thụ lý giải quyết án hành chính bảo đảm sự nhất quán.

 

Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc người có thẩm quyền trong các cơ quan, tổ chức đó ban hành, quyết định về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể.

Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.

(Trích Điều 3 Luật Tố tụng hành chính)

Quyết định hành chính thuộc đối tượng khởi kiện của vụ án hành chính là văn bản được thể hiện dưới hình thức quyết định hoặc dưới hình thức khác như thông báo, kết luận, công văn do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc người có thẩm quyền trong các cơ quan, tổ chức đó ban hành. Nó có chứa đựng nội dung của quyết định hành chính, được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính...

(Trích khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 02/2011/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao)

 PHAN NGỌC NHÀN (*)

(*) Tác giả - luật sư Phan Ngọc Nhàn nguyên là chánh án TAND thị xã Buôn Hồ - tỉnh Đắk Lắk

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm