Phút trải lòng của một giảng viên đại học ở trại giam

Bây giờ trong trại giam, với vai trò nhạc công của đội văn nghệ của phạm nhân, dường như tiếng kêu "tích tịch tình tang" hàm chứa cả lời tự tình của người làm nên tiếng đàn du dương đó.

Ngôi trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên mùa hè năm 2006 chấn động bởi vụ án ghen tình. Bây giờ, đã hơn 2 năm ngồi "bóc lịch" tại Trại giam Phú Sơn, chặng đường phía trước vẫn quá dài nhưng việc thường nhật của Đỗ Đức Kiên trong trại có gì đó phát huy sở trường làm công tác phong trào như thời làm giảng viên: phụ trách nhạc công của đội văn nghệ trại.

Nơi Kiên thụ án không cách xa ngôi trường dạy học - Đại học Thái Nguyên xưa kia là mấy. Nhưng tâm trạng hối lỗi của một người chồng bất hạnh - nguyên cớ sâu xa biến người giảng viên này thành kẻ thủ ác, hiểu rằng nơi chốn lạnh, phòng cô, sức mạnh lớn nhất thôi thúc anh đứng vững là sự tích cực cải tạo, nhưng còn một sức mạnh khác, nó như sợi chỉ xanh giúp anh đứng dậy mỗi lúc bị tâm can giày vò. Đó là tiếng đàn mỗi tối văn nghệ, sự du dương của nó đến độ nhiều anh em phân trại nói rằng, âm điệu ấy hàm chứa cả tâm sự buồn của người làm ra nó.

"Tôi có ba cú sốc. Cú sốc thứ nhất là việc đối diện án tù 12 năm - tôi rùng rợn không thể hiểu nổi, một giảng viên đại học như mình giờ lại ngồi tù chừng đó thời gian. Cú sốc thứ hai, chỉ ít ngày khi vào trại Phú Sơn, tôi bị dịch màng phổi, nằm lặng thinh ở trạm xá trại giam. Nhưng cú sốc lớn nhất, ấy là chưa đầy một tháng khi vào trại, vợ tôi đến xin gặp..." - Đỗ Đức Kiên bần thần.

- Cuộc gặp đó hẳn rất buồn?

- Đúng, rất buồn. Và rất đau. Tôi cứ ngỡ, có lẽ vợ đã tỉnh ngộ phần nào khi tôi mang án tù vì tình cảm chút ít còn sót lại. Bởi thế trước khi cô ấy đến, tôi nghĩ ít ra cũng được lời động viên, thăm hỏi tôi. Nhưng không, đó là... đơn xin ly hôn đã được viết sẵn. Tôi thẫn thờ, bất động rồi cầm bút ký vào đơn…

Đỗ Đức Kiên nói về cảm giác những ngày mới ở trại như còn đó sự sợ hãi khó lường. Gương mặt người đàn ông trí thức, cũng là cán bộ phong trào nhiều năm chiêm nghiệm sự đắng nghiệt cuộc sống hơn bất cứ thử thách nào. Đối diện với tôi, anh không dám nhìn thẳng. Nhưng câu chuyện cuộc đời cũng đến lúc không phải giấu kín.

Hai người vốn có quen biết từ khi còn học phổ thông. Tình yêu nảy nở, rồi hôn lễ cũng đến với họ. Kết hôn chừng mười năm, lúc cam go cùng nhận ra rằng, cả hai đã chọn đúng khi tất thảy đều cố gắng vượt qua. Nhưng chưa phú quý thì họa lại đến trước, từ khi gia đình có chút tiền dành dụm, cũng gọi là khá một tý, công việc của anh thạc sỹ bận rộn hơn, còn vợ cũng tất bật đi sớm về muộn.

Một ngày, Kiên nhận ra vợ mình có biểu hiện lén lút với người thứ ba. Nhiều lần tra hỏi, vợ một mực chối từ. Nhưng cơn ghen và sự rạn nứt lớn dần.

Phút trải lòng của một giảng viên đại học ở trại giam ảnh 1

Phạm nhân Đỗ Đức Kiên: Tiếng đàn trong trại mang nỗi tự tình

Cuộc mật phục đúng hôm ráng nắng, Kiên như điên loạn khi thấy vợ với kẻ lạ mặt không mảnh vải che thân. Một thứ ác tính sục sôi đưa người đàn ông vốn yêu vợ là thế, phăng phăng con dao xộc vào.

Kẻ tình địch bị Kiên chém trọng thương. Anh bị bắt. Trước tòa, Kiên thừa nhận hành vi phạm pháp. Nhưng Kiên một mực đề nghị Hội đồng xét xử xem xét tình tiết giảm nhẹ, đó là tình huống bị vợ phản bội, không chế ngự được. Cả khán phòng lặng im, họ hiểu, sự hối hận dẫu có muộn của một giảng viên đại học.

Hậu quả thủ phạm gây ra là nghiêm trọng, tòa truy tố tội giết người, dẫu hậu quả giết người chưa xảy ra. Nhưng nguyên nhân phạm tội là điều rất đáng để bàn. Cuối cùng, sự phân tích phải trái được kết luận, bản án 12 năm của tòa tuyên về tội giết người có hiệu lực.

Tâm sự trong trại giam, Kiên nói rằng, hơn 2 năm cải tạo, anh nghĩ rất nhiều điều. Chốn tù, người có vợ thì mong đến lịch hẹn gặp lại, dù ít ỏi thời gian ở "buồng hạnh phúc". Nhưng như Đỗ Đức Kiên, anh chờ đợi điều gì? Cha mẹ ngoài bảy mươi từ khu gang thép Thái Nguyên lọc cọc đến bằng chiếc xe đạp. Chiếc xe ấy tuổi thọ bằng nửa đời người, cha mẹ cũng ở bên dốc núi, sự đeo đẳng nhọc nhằn ngỡ đã hết khi họ cầm sổ hưu. Thế mà... Nay, con vào tù, sức cha gầy mòn nhưng chiếc xe đạp ấy vẫn còn. Để rồi một sáng chủ nhật, anh được hẹn có người nhà đến gặp. Tại phòng khách của trại, người cha gầy gò trầm lặng đợi con.

Cha đi thăm con khi trời chưa sáng
Chiếc xe đạp cũ gồng mình cõng cha vượt dốc
Lọc cọc, leng keng, bươn bả dọc đường đèo

Con trai, con có biết không
Nơi quê nghèo mẹ oằn vai vắt mồ hôi cho cánh đồng đầy hạt
Cho lúa chắc bông, cho trái chín, hoa thơm
Mẹ gửi cho con biển cả sâu tình
Cho trọn lời ru: con thành người có ích

Bước chân gầy gánh củi khô vượt dốc
Mắt mẹ mờ thêm, cha tóc bạc da mồi
Phút đánh mất mình, con thành người tù tội
Tạ tội với mẹ già, lấy chữ tình con chắp bước đường xa...

Kiên viết những dòng thơ này ngay sau cuộc gặp cha. Một lần, Kiên gặp giám thị, nói rằng cũng có lần uất hận khi hay tin vợ đã kết hôn với người xưa kia là bồ, giờ nghĩ bản án bằng cả đoạn đời lênh thênh, anh muốn tìm đến cái chết. Nhưng mỗi lần nghĩ đến điều đó, lại rùng mình. Tháng nào cha mẹ cũng đến đây, chỉ mong để nhìn con có gầy tóp teo như cha mẹ vẫn lo sợ không. Anh bảo, dẫu gì mình cũng đã phạm cái ác, ta còn ở đây cha mẹ còn đến, còn được hy vọng, còn được trông mong, còn có người để mà khóc, mà đớn đau, buồn tủi.

Người ta đau đớn vì bi kịch. Thế nên, cũng từ đó anh không nghĩ quẩn tới cái chết nữa. Trong khắc nghiệt, còn thở than cũng là còn sự níu kéo, nếu vượt qua được thì chưa hẳn phía trước đã khép lại. Chất thi nhân trong nghĩa ấy trở thành xúc tác khiến Đỗ Đức Kiên có nhiều thơ, anh cũng đang viết những bản nhạc trữ tình, làm "vốn" cho các đêm diễn ở trại. Người thầy giáo phạm tội được giao gõ đàn organ cho các bạn tù của mình hát như hôm diễn 26/3/2010, tiếng đàn của anh lại vang lên từ góc sân khấu.

Với Kiên, khi sự ngăn cách với gia đình, xã hội quá lớn, người bạn đời đã bỏ đi, chỉ còn lại sự lắng đọng bằng thứ tình cảm ruột rà, máu mủ thiêng liêng nhất. Tiếng đàn của anh vẫn đều đặn vang lên, có du dương, có lãng mạn, nhưng hơn hết, đó là nỗi tự tình của một người lầm lỗi đang quyết chí đứng lên.

Theo Đăng Trường (CAND)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm