Phòng, chống tội phạm: Sửa luật để tăng hiệu quả

Chính cách tiếp cận xã hội học mới đem lại những góc nhìn sâu và mới, từ đó cho thấy tình hình tội phạm ở nước ta hết sức đáng lo ngại.

Tình hình tội phạm hình sự ở nước ta đang gia tăng nghiêm trọng cả về số lượng và tính chất. Người ta dễ thấy tội phạm về con người xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự của người dân, tội phạm về sở hữu làm tổn thất thu nhập và tài sản của xã hội. Tuy nhiên, tác hại của tội phạm còn đáng quan ngại hơn dưới lăng kính xã hội học.

Tăng chi phí xã hội, giảm chất lượng sống

Trước hết là phí tổn hữu hình và vô hình của xã hội. Tội phạm nghiêm trọng đòi hỏi Nhà nước phải tăng cường nhân lực và phương tiện phòng, chống. Nếu có số liệu cụ thể để so sánh chi phí phòng, chống tội phạm của Nhà nước hiện nay với 10 năm trước thì chắc chắn sẽ có sự gia tăng rất lớn. Nhà cửa, xe cộ, công sở, tiệm quán phải xây dựng và trang bị an toàn hơn, nghĩa là tốn kém hơn. Sự đi lại, làm việc, nghỉ ngơi, giải trí của người dân sẽ phải thận trọng, cảnh giác, nghĩa là hạn chế hơn. Số lượng người bị giết, gây thương tích, môi trường bị tàn phá, nạn ma túy, tệ tham nhũng, ngoài những tác hại tức thời, hiện hữu cũng để lại những hậu quả xã hội sâu sắc và lâu dài về nhiều mặt.

Các nhà hình sự học đã từng báo động về tình trạng tội phạm hóa một bộ phận dân số. Khi đã có tiền án, thậm chí chỉ là tiền sự, trong điều kiện ở nước ta hiện nay, khả năng cải tạo và tái hòa nhập tương đối thấp. Điều này dẫn đến hậu quả: Tỉ lệ tái phạm sẽ càng cao và càng nghiêm trọng hơn. Càng nhiều người phạm tội, xã hội càng có nhiều tội phạm.

Phòng, chống tội phạm: Sửa luật để tăng hiệu quả ảnh 1

Nạn côn đồ, lưu manh, băng nhóm là một báo động đỏ trong xã hội hiện nay. Trong ảnh: Một phiên xử lưu động về trộm cướp tài sản công dân tại TP.HCM. Ảnh: HTD

Nạn côn đồ, lưu manh, băng nhóm là một báo động đỏ ở Việt Nam vì nó thể hiện những yếu kém, bất cập lớn cả về pháp luật lẫn công tác phòng, chống tội phạm. Doanh nghiệp sử dụng xã hội đen để đòi nợ; người dân, kể cả trong gia đình, giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực; tình trạng côn đồ, lưu manh hóa trong nhà trường, nơi công cộng đang lan tràn; hành vi coi thường, xúc phạm, thậm chí tấn công nhân viên công lực ngày càng phổ biến. Nguy hại của nạn côn đồ, lưu manh và băng nhóm là hết sức lớn vì chúng càng lộng hành thì người dân càng mất niềm tin ở công quyền, công lý và càng có xu hướng dựa vào chúng để đòi công lý bằng bạo lực, bằng “luật rừng”.

Tình trạng trẻ hóa tội phạm là nguy cơ nhiều mặt. Giáo dục yếu kém của nhà trường và gia đình, cộng với đạo đức xã hội suy thoái khiến cho nhiều thanh thiếu niên tiêm nhiễm thói xấu, từ đó bị tiền sự, tiền án rất sớm, để lại những vết sẹo trong tinh thần và nhân cách, làm thui chột, hủy hoại cả phần đời còn lại. Do nhiều nguyên nhân, tỉ lệ tiếp tục dấn sâu vào tội phạm cao hơn tỉ lệ hoàn lương.

Tình trạng tội phạm không bị phát hiện ở Việt Nam cũng gây những tác hại sâu sắc. Thử nghĩ, biết bao kẻ giàu lên từ tham nhũng, lạm dụng chức quyền, đầu cơ, buôn lậu, cho vay nặng lãi… đang cố gắng rửa tiền và tạo vỏ bọc lương thiện nhưng làm sao giấu được thân nhân, đồng bọn và các nạn nhân của họ. Với cái “án không tuyên” đeo đẳng suốt đời, “đâm lao phải theo lao”, họ tiếp tục phạm tội và lây nhiễm tội ác sang người khác, kể cả gia đình mình.

Cần đổi mới trong chính sách hình sự

Để tăng cường phòng, chống tội phạm, công cụ đầu tiên là BLHS và BLTTHS. Thực tiễn mấy năm qua cho thấy có nhiều chậm trễ, bất hợp lý trong pháp luật hình sự Việt Nam. Biết bao dòng sông trong mát ở các miền quê bị các doanh nghiệp gây ô nhiễm, đẩy hàng vạn nông dân vào chốn quẫn bách vì không trồng trọt, đánh bắt được, thậm chí tắm giặt cũng ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhưng ngay cả những vụ cố ý, gian dối xả chất thải độc hại ra môi trường bị bắt quả tang cũng không thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Hàng loạt công ty đa quốc gia khai lỗ triền miên trên sổ sách ở Việt Nam nhưng vẫn mở rộng đầu tư và tăng doanh số mà không thể xử lý tội trốn thuế. Nhiều vụ thua lỗ, thất thoát tài sản công do tham ô, lãng phí nhưng không thể khởi tố nhờ vào lá chắn trách nhiệm tập thể của pháp nhân. Nguyên nhân là ở tư duy pháp lý cũ kỹ, cho rằng chỉ có những cá nhân mới phải chịu trách nhiệm hình sự.

Cả trong luật nội dung và tố tụng nhất thiết phải thay đổi cách hành xử với người phạm tội vị thành niên. Nhiều quốc gia đã hạ tuổi chịu trách nhiệm hình sự tương ứng với sự phát triển tâm sinh lý của thanh thiếu niên để chống lại việc phạm pháp gia tăng trong tuổi niên thiếu hay việc lợi dụng tuổi vị thành niên để phạm tội. Mặt khác, luật pháp nhiều nước quy định người phạm tội vị thành niên phải được xét xử và giam cứu riêng để tránh những tác động tiêu cực đối với lứa tuổi này.

Phải sửa luật để xử lý mạnh những hành vi côn đồ, lưu manh trong thanh thiếu niên, không để chúng phát triển thành tội phạm, gây hại cả đời cho tuổi trẻ. Ở Mỹ, từ thế kỷ trước đã có luật “curfew” (giới nghiêm) đối với người dưới 18 tuổi, sau 22 giờ đêm không được ở nơi công cộng nếu không có người giám hộ hay quy định cấm bán, cho, mời người vị thành niên hút thuốc lá hay uống rượu, vi phạm sẽ bị xử phạt rất nghiêm khắc. Những kinh nghiệm từ nhiều quốc gia phát triển đang rất cần cho xã hội Việt Nam, đã từng được đề xuất nhưng chưa được áp dụng.

Phải bắt đầu từ con người!

Phòng, chống tội phạm trước hết là vấn đề con người, nguyên nhân của mọi nguyên nhân, bởi phạm tội là con người và chống tội phạm cũng là con người. Xã hội càng phát triển, công nghệ càng nâng cao thì người phạm tội càng tinh vi về phương thức, xảo trá về thủ đoạn và hiện đại về công cụ. Tình hình tội phạm các năm qua cho thấy sự lạc hậu về trình độ, kỹ năng và phương tiện của lực lượng phòng, chống chuyên nghiệp, đòi hỏi phải có chuyển biến mạnh trong đầu tư của Nhà nước về đào tạo nghiệp vụ và cơ sở vật chất. Trong một số vụ án, sự chậm trễ, thiếu trang thiết bị, thiếu kinh phí đã ảnh hưởng đến tốc độ và chất lượng phá án.

Nhưng nói đến con người thì không chỉ có trình độ và kỹ năng nghiệp vụ. Kinh nghiệm của Việt Nam và các nước đều cho thấy đạo đức và phẩm hạnh của lực lượng phòng, chống tội phạm mới là yếu tố quyết định. Khi người phạm tội bị phát hiện, việc đầu tiên của họ là mua chuộc nhân viên công lực. Trong những vụ án nghiêm trọng, người phạm tội sẵn sàng chi nhiều tiền cho lực lượng điều tra, công tố, quan tòa hay mua sự can thiệp của một số lãnh đạo để xóa sửa hiện trường, tẩu tán chứng cứ, thay đổi tội danh… Sự khác biệt ấy có thể giúp một số kẻ thoát hiểm từ tử hình xuống chung thân, từ chung thân xuống án có thời hạn, từ đó chỉ bị giam cứu một thời gian là có thể được ra tù, làm lại cuộc đời một cách ngoạn mục bằng khối lượng tài sản bất chính.

Kết quả chống tham nhũng mấy năm qua cho thấy có sự lờn thuốc, mất sức đề kháng của không ít cán bộ, công chức, do đó phải có những thay đổi cấp bách, đột phá cả về thể chế, quy định và lực lượng phòng chống. Chừng nào chưa đẩy lùi được nạn tham nhũng thì mọi nỗ lực phòng, chống tội phạm, kể cả những đạo luật chặt chẽ nhất cũng bị vô hiệu.

Luật sư TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm