Phán quyết của trọng tài không còn bị hủy vô cớ

Sau hơn ba năm thực thi Luật, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 01/2014/HĐTP hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật trọng tài thương mại năm 2010. Nghị quyết này có hiệu lực từ đầu tháng 7 này với nhiều quy định cho thấy Tòa án nhân dân tối cao ủng hộ Trọng tài và đây là dấu hiệu rất tích cực cho hệ thống trọng tài Việt Nam.

PLO xin trân trọng giới thiệu bài viết củaPGS-TS Đỗ Văn Đại,(Trọng tài viên, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học pháp lý Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam - VIAC) về những điểm tiến bộ của Nghị quyết này.

Tòa chỉ hủy khi có vi phạm nghiêm trọng tố tụng trọng tài

Khi tiến hành giải quyết tranh chấp, Trọng tài hay Thẩm phán có thể có sai sót. Trong tố tụng tại Tòa án nhân dân dân, chỉ những lỗi “nghiêm trọng” về tố tụng mới dẫn tới bản án của Tòa án bị hủy. 

Tương tự, vi phạm tố tụng của Trọng tài cũng có thể dẫn tới hủy phán quyết trọng tài. Cụ thể tại Điểm b khoản 2 Điều 68 Luật trọng tài thương mại năm 2010 quy định “phán quyết trọng tài bị hủy nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Thành phần Hội đồng trọng tài, thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp với thoả thuận của các bên hoặc trái với các quy định của Luật này”. 

Ở đây, phán quyết trọng tài có thể bị hủy nếu “thủ thục tố tụng trọng tài trái với các quy định của Luật” trọng tài thương mại năm 2010. Tuy nhiên quy định này chưa thực sự rõ và dễ bị lạm dụng bởi bên thua kiện vì họ có thể viện dẫn bất kỳ lỗi nào của Trọng tài để yêu cầu hủy phán quyết bất lợi cho họ.

Tổng kết từ thực tiễn trên và nhằm hạn chế những lạm dụng trong việc yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, Nghị quyết số 01/2014 đã theo hướng chỉ hủy phán quyết trọng tài nếu có vi phạm “nghiêm trọng” tố tụng trọng tài và việc vi phạm này không được Hội đồng trọng tài khắc phục. 

Cụ thể, theo Điểm b khoản 2 Điều 14 của Nghị quyết, trong “trường hợp các bên có thỏa thuận về thành phần Hội đồng trọng tài, quy tắc tố tụng trọng tài nhưng Hội đồng trọng tài thực hiện không đúng thỏa thuận của các bên hoặc Hội đồng trọng tài thực hiện không đúng quy định Luật TTTM về nội dung này mà Tòa án xét thấy đó là những vi phạm nghiêm trọng và cần phải hủy nếu Hội đồng trọng tài không thể khắc phục được hoặc không khắc phục theo yêu cầu của Tòa án quy định tại khoản 7 Điều 71 Luật TTTM” thì ” Tòa án hủy phán quyết trọng tài”. 

Với việc khoanh vùng các trường hợp có thể hủy phán quyết trọng tài như vừa nêu, khả năng phán quyết bị hủy sẽ giảm và đây là điều đáng khích lệ.

Tòa không hủy nếu các bên không phản đối trong thời hạn

Luật trọng tài thương mại năm 2010 có điểm mới là tiếp thu một khái niệm rất phổ biến trên thế giới (nhất là trong lĩnh vực trọng tài). Đó là khái niệm mất quyền phản đối được quy định tại Điều 13 theo đó “trong trường hợp một bên phát hiện có vi phạm quy định của Luật này hoặc của thỏa thuận trọng tài mà vẫn tiếp tục thực hiện tố tụng trọng tài và không phản đối những vi phạm trong thời hạn do Luật này quy định thì mất quyền phản đối tại Trọng tài hoặc Tòa án”.

Tuy nhiên, quy định nêu trên của Điều 13 còn chưa rõ ràng về thời gian phản đối cũng như hệ quả của việc phản đối tới yêu cầu hủy phán quyết trọng tài nên chưa phát huy hiệu quả và Tòa án nhân dân tối cao đã biết được điều này nên đã đưa thêm một số nội dung vào Nghị quyết số 01/2014 tại Điều 6. 

Cụ thể, Nghị quyết xác định “trường hợp Luật TTTM không quy định thời hạn thì thời hạn được xác định theo thỏa thuận của các bên hoặc quy tắc tố tụng trọng tài. Trường hợp các bên không thỏa thuận hoặc quy tắc tố tụng trọng tài không quy định thì việc phản đối phải được thực hiện trước thời điểm Hội đồng trọng tài tuyên phán quyết”.

Còn về hệ quả của việc không phản đối, Tòa án tối cao theo hướng “trường hợp Tòa án xác định vi phạm đã mất quyền phản đối quy định tại Điều 13 Luật TTTM và hướng dẫn tại khoản 1 Điều này thì bên đã mất quyền phản đối không được quyền khiếu nại quyết định của Hội đồng trọng tài, yêu cầu hủy phán quyết trọng tài đối với những vi phạm đã mất quyền phản đối đó. Tòa án không được căn cứ vào các vi phạm mà một hoặc các bên đã mất quyền phản đối để quyết định chấp nhận yêu cầu của một hoặc các bên”.

Từ các quy định nêu trên, Tòa án nhân dân tối cao đã đưa ra những quy định ủng hộ Trọng tài, điều rất cần thiết để hệ thống trọng tài phát triển song song với Tòa án. Nếu những quy định này được khai thác tốt, khả năng hủy phán quyết trọng tài sẽ giảm và điều này phù hợp với mục tiêu của Luật trọng tài thương mại năm 2010. 

PGS-TS Đỗ Văn Đại

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm