NHÂN NGÀY NGƯỜI KHUYẾT TẬT VIỆT NAM 18-4

Ông lão và 2.000 phận người bất hạnh

Ông là Hà Xuân Định (82 tuổi), quê ở làng Thượng, xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Từ năm 2001 ông nhận công việc đi tìm trẻ em khuyết tật, trẻ em mồ côi hay gia đình có hoàn cảnh khó khăn để đưa về Hợp tác xã (HTX) Ngọ Hạ - cơ sở sản xuất khảm trai truyền thống hiện đang được một số tổ chức phi chính phủ quốc tế tài trợ với mục đích đào tạo nghề bền vững cho trẻ khuyết tật và trẻ có hoàn cảnh khó khăn.

Đạp xe… tìm trẻ lang thang

Ông đã đưa được về cho trung tâm khoảng 2.000 trẻ. Toàn bộ số trẻ này đều đã có công việc ổn định, nhiều em hiện là giám đốc của các cơ sở sản xuất tư nhân khác.

Giờ đã bước qua cái tuổi 80, răng chỉ còn lưa thưa mấy chiếc và người đã còm nhom nhưng cứ đều đặn một tháng có đôi ba lần gì đấy ông lại khoác cái túi quen thuộc, đội chiếc mũ cối bạc màu và leo lên chiếc xe đạp cà tàng bon bon… đi tìm trẻ lang thang cơ nhỡ.

Việc ông đi tìm trẻ đã thành giai thoại, nhiều người, nhất là những đứa trẻ mà ông tìm gặp ở đâu đó bên những con đường quốc lộ đầy bụi, hay những hốc tối ở lề đường, hoặc trong một túp lều rách nát của đôi vợ chồng nghèo nào đó thì vẫn quen gọi là ông Tiên, ông Bụt. Ông hả hê: “Có những hôm đến thăm các cháu ở HTX, chúng nó không muốn tôi về. Thế là đứa ra xịt hết hơi xe, đứa thu dép, đứa thu mũ của tôi…, tôi phải dọa mãi chúng mới chịu cho tôi về đấy.”

Ông lão và 2.000 phận người bất hạnh ảnh 1

Ông Hà Xuân Định. Ảnh: VIẾT THỊNH

Duyên phận đưa ông đến với công việc mà người đời vẫn cho là gàn dở cũng truân chuyên lắm. Theo như lời ông kể, có lần một tổ chức của nước ngoài tìm về làng để tuyển những người tình nguyện đi tìm các trẻ lang thang, trẻ mồ côi, tật nguyền về để dạy nghề. Cả làng ai cũng nghi ngại, nhiều người bổ vào hỏi: Đi như thế có được lương không, có được xe đưa xe đón không? Ông chẳng cần, ông về lôi cuốn tập vở đã ố vàng của mình ra, tỉ mẩn xé lấy một tờ rồi cặm cụi viết, cái thư ngỏ ấy giống như tâm thư của ông, đại loại trong đó ông bày tỏ ông không cần tiền, ông chẳng cần xe, ông chỉ cần những đứa trẻ ông tìm về thì phải được HTX tạo công ăn việc làm và yêu thương các cháu là được.

Viết xong “bức tâm thư”, ông đem đến nộp cho đại diện của trung tâm, người ta nhìn ông rồi bất giác hỏi: Ông đi xin cho con ông làm hả. Lão nhảy dựng lên: “Con nào? Tôi - ông già Hà Xuân Định sẽ làm, các anh chị đừng thấy tôi già mà coi thường nhé. Sáng nào tôi cũng chạy thể dục hết một vòng làng đấy”. Thấy vẫn chưa đủ thuyết phục, ông chỉ vào chiếc xe đạp mà tuổi thọ chắc cũng sem sém bằng mình nói thêm: “Riêng cái hệ xe đạp này, tôi cứ là đều đều mấy chục cây vẫn bon bon được. Anh chị cứ cho tôi làm, chứ nhìn các cháu tật nguyền, lang thang… tôi không chịu được”. Không biết có phải vì tâm huyết của ông không hay vì chẳng còn ai chịu làm cái việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” ấy không mà đại diện của HTX chấp thuận ông trở thành “đặc phái viên” đi gom nhặt những mảnh đời bất hạnh để đem về HTX Ngọ Hạ để dạy nghề.

Từ nghi ngại đến hàm hơn

Cứ tảng sáng khi người trong làng còn chưa kịp dậy để lo việc đồng áng, dáng ông đã hằn trên những ngõ đường làng. Ban đầu, “địa bàn” của ông chủ yếu là ở xung quanh xã, nới rộng ra nữa là cả huyện Phú Xuyên rộng lớn này. Ngày đó, ông cũng chỉ đi đôi ba ngày rồi lại về nhà. Nhưng rồi càng đi nhiều ông càng nghiệm ra cuộc sống còn nhiều mảnh đời bất hạnh quá. Thế là ông quyết tâm mở rộng “địa bàn” của mình ra các huyện và tỉnh lân cận. Thời gian hoạt động của ông cũng vì thế mà lê thê từ tháng này sang tháng khác.

Ông lão và 2.000 phận người bất hạnh ảnh 2

Phần lớn những trẻ lang thang, tật nguyền được đưa về HTX Ngọ Hà là do ông Định tìm được. Ảnh: VIẾT THỊNH

Sáng đạp xe đi, tối thì xin vào nhà dân ngủ tạm. Ông cứ mải miết đạp xe đi dọc các con đường quốc lộ, rồi vào tận từng làng, từng ngõ, từng nhà. Câu quen thuộc nhất mà ông vẫn thường hỏi là: Làng này, xã này có em nào, cháu nào mồ côi, tật nguyền… không? Ai chỉ đâu, ông xộc đến đấy. Chặng đường thứ hai mà ông phải đối mặt khi tiếp cận với những số phận này đó là thuyết phục gia đình đưa các cháu về dạy nghề và tạo công ăn việc làm. Khi đó ông như một thuyết khách cần mẫn, có khi đến hàng tiếng đồng hồ nhưng vẫn nhận được những cái lắc đầu nguầy nguậy bởi ít người dám tin một người hom hem, già cả như ông lại có thể làm được cái việc tạo công ăn việc làm cho những đứa con vốn tưởng như đã bị cuộc đời cướp đi quyền lao động ấy. Nhưng “mưa dầm thấm lâu”, nhiều gia đình đã chấp nhận. Danh sách mà ông gom nhặt được cũng nhiều lên, nhiều cháu chỉ sau mấy tháng được ông đưa về HTX đã có công ăn việc làm và gửi tiền về cho gia đình. Tên tuổi và uy tín của ông cũng nhờ thế được nhiều người biết đến.

Còn sống còn làm việc thiện

Bắt đầu công việc từ năm 2001, tính đến nay ông đã có 10 năm đi gom nhặt trẻ lang thang, tật nguyền ở khắp nơi. Con số những số phận đầy bất hạnh ấy đến nay theo tính toán của ông đã lên tới con số hơn 2.000 cháu. Điều hạnh phúc nhất của ông đó là tất cả các cháu đó đến nay đều có công ăn việc làm và thu nhập ổn định không những đủ nuôi sống bản thân mà còn gửi về gia đình. Hơn thế nữa đó là sự đồng cảm từ những người xung quanh. Thời gian đầu ông mới làm công việc này không những người làng xì xào tiếng xa tiếng gần rằng ông rỗi hơi nên mới đi làm công việc ấy, mà thậm chí đến vợ và các con ông cũng rầm rầm phản đối đến mức ông phải tuyên bố: Nếu cấm ông tiếp tục “sứ mệnh” ông sẽ bỏ nhà đến sống với các cháu của ông. Đến khi đó vợ con ông mới miễn cưỡng chấp nhận.

Nói là ông vẫn ở nhà chứ thực ra thì một tháng họa hoằn lắm mới thấy ông ở trọn ngày đến vài ba bữa. “Nhà mình mà ông ấy coi như nhà trọ, chủ yếu là ông ấy lang thang ngoài đường. Cái số nó vận vào đời khổ thế đấy anh ạ!” - bà Bòng, vợ ông, chia sẻ. Vợ vừa dứt lời, ông đã chêm vào: “Có khi cũng là cái số thật, mẹ tôi xưa cũng nức tiếng cả làng về lòng nhân ái và đức tảo tần. Tôi cũng lại chịu cảnh đói nghèo từ tấm bé nên giờ mới có lòng thương con trẻ như vậy!”.

Bây giờ, cái dáng nhong nheo của ông trên đường đã thành quen thuộc với nhiều người và cánh lái xe. Ông cho biết cũng có những chuyến đi đến các tỉnh xa, thấy ông cặm cụi đạp xe, nhiều xe khách dừng lại bảo ông lên. Ban đầu họ cũng thu mấy chục ngàn nhưng rồi nghe ông kể về công việc của mình thì không ai nỡ thu của ông một đồng nữa. Cái biệt hiệu Bố già… khuyết tật (cách gọi rút gọn của từ bố già đi tìm trẻ khuyết tật) cũng được cánh lái xe đặt cho ông.

Bà Nguyễn Thị Vui, Giám đốc HTX Ngọ Hạ, kể đã nhiều lần bà đề xuất mua cho ông một chiếc xe đạp điện để ông thuận tiện khi đi công tác, tuy nhiên lần nào ông cũng lấy lý do “không quen xài cái món hiện đại” ấy để từ chối. Hỏi ông có bao giờ từ bỏ công việc đầy ý nghĩa này không, ông nói: “Ông trời còn cho tôi khỏe ngày nào thì ngày ấy tôi còn đi, còn làm việc thiện”.

HỒ VIẾT THỊNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm