NSA giám sát điện thoại và Internet - Bài 3: Luật pháp mập mờ!

Hai tổ chức dân sự ở Mỹ đã phát đơn kiện vì cho rằng Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã vi phạm pháp luật và hiến pháp khi tiến hành hai chương trình giám sát điện thoại và Internet. Tổng thống Obama lại tuyên bố NSA đã làm đúng pháp luật. Để hiểu rõ vấn đề này, cần quay trở lại Luật Giám sát tình báo nước ngoài được thông qua năm 1978.

Luật cho phép giám sát điện thoại

Trong nhiều thập niên, các cơ quan thực thi pháp luật ở Mỹ đã bí mật tiến hành nghe lén điện thoại của các đối tượng công dân ở Mỹ bị nghi ngờ đe dọa an ninh quốc gia. Đến năm 1978, Tòa án Tối cao Mỹ tuyên bố giám sát điện thoại như thế là vi hiến.

Trong năm 1978, Quốc hội Mỹ thông qua Luật Giám sát tình báo nước ngoài (FISA). Theo luật, thông tin tình báo nước ngoài là thông tin cần thiết để bảo vệ Mỹ khỏi tấn công, phá hoại và khủng bố quốc tế.

Luật cho phép giám sát điện thoại không cần lệnh của tòa trong vòng một năm, trừ trường hợp cần thu thập nội dung thông tin liên lạc mà một trong các bên liên lạc là công dân Mỹ. Trong trường hợp có liên quan đến công dân Mỹ, luật quy định phải được Tòa án Giám sát tình báo nước ngoài cấp giấy phép chậm nhất trong vòng 72 giờ sau khi quá trình giám sát bắt đầu.

Luật cũng đề ra quy trình giám sát của Quốc hội và ngành tư pháp đối với các hoạt động giám sát bí mật của chính phủ.

NSA giám sát điện thoại và Internet - Bài 3: Luật pháp mập mờ! ảnh 1

Trung tâm dữ liệu của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) ở bang Utah. Ảnh: AP

Tòa án đặc biệt hoạt động bí mật

Tòa án Giám sát tình báo nước ngoài là tòa án đặc biệt được thành lập căn cứ Luật Giám sát tình báo nước ngoài năm 1978.

Tòa có chức năng xem xét đề nghị của các cơ quan thực thi pháp luật ở Mỹ (chủ yếu là NSA và FBI) về việc xin cấp lệnh đối với hai nhóm đối tượng:

- Xin cấp lệnh giám sát điện tử và theo dõi thông tin tình báo nước ngoài được trao đổi giữa các tổ chức và cá nhân nước ngoài tại Mỹ.

- Xin cấp lệnh giám sát đối với các mật vụ nước ngoài hoạt động ở Mỹ.

Tòa không có cơ chế đối tụng mà chỉ có một bên là cơ quan chính phủ (như NSA hay FBI) xin lệnh giám sát và một bên là các thẩm phán. Nếu bị tòa bác, NSA hoặc FBI có thể kháng kiện lên Tòa án Phúc thẩm giám sát tình báo nước ngoài. Trong thực tế rất ít khi Tòa án Giám sát tình báo nước ngoài bác đơn đề nghị.

Do tính chất nhạy cảm của công việc, tòa hoạt động như một tòa án mật. Theo Luật Giám sát tình báo nước ngoài, công chúng không được dự điều trần tại tòa này. Hồ sơ tố tụng được giữ bí mật và chỉ được công bố bản sao sau khi đã được biên tập xử lý thông tin mật.

Tòa làm việc kể cả ban đêm và ngày nghỉ. Tối thiểu có một thẩm phán trực điện thoại để sẵn sàng xem xét chứng cứ và quyết định có cấp lệnh giám sát hay không. Lúc mới được thành lập, tòa có bảy thẩm phán do chánh án Tòa án Tối cao Mỹ bổ nhiệm với nhiệm kỳ bảy năm. Sau đó căn cứ Luật Yêu nước năm 2001, số thẩm phán tăng lên 11 người.

Luật cho phép giám sát Internet

Sau vụ nước Mỹ bị tấn công khủng bố ngày 11-9-2001, Quốc hội Mỹ thông qua Luật Yêu nước (Patriot Act 2001) nhằm mở rộng quyền hạn cho các cơ quan thực thi pháp luật thu thập thông tin tình báo ở Mỹ. Tổng thống George Bush ký luật ngày 26-10-2001.

Cuối năm 2001, Tổng thống George Bush ký ban hành “Chương trình giám sát khủng bố” cho phép NSA giám sát điện thoại và Internet mà không cần xin lệnh của Tòa án Giám sát tình báo nước ngoài. Chương trình này đã vi phạm Luật Giám sát tình báo nước ngoài năm 1978.

Năm 2005, báo New York Times phanh phui sự việc, Tổng thống George Bush đề nghị Quốc hội và Bộ Tư pháp nghiên cứu sửa đổi Luật Giám sát tình báo nước ngoài năm 1978. Thay vì truy lỗi của tổng thống, năm 2008, Quốc hội Mỹ thông qua Luật sửa đổi Luật Giám sát tình báo nước ngoài (FISA Amendment Act 2008).

Theo luật sửa đổi, NSA có quyền tiến hành chương trình giám sát Internet đối với người nước ngoài sống ngoài nước Mỹ (chương trình PRISM). NSA làm được điều này vì các hệ thống thông tin liên lạc điện tử của thế giới đều phải đi qua Mỹ do Mỹ có cơ sở hạ tầng Internet lớn nhất thế giới với chi phí đường truyền rẻ.

Luật sửa đổi Luật Giám sát tình báo nước ngoài hết hiệu lực vào cuối năm 2012. Tuy nhiên, ngày 28-12-2012, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu gia hạn luật này đến cuối năm 2017 (73 phiếu thuận, 23 phiếu chống).

Thoải mái giám sát, cứ trình là ký

Nội dung Điều 702 của Luật sửa đổi Luật Giám sát tình báo nước ngoài quy định:

- Bộ trưởng Tư pháp hoặc giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia (NIA) mới có quyền cho phép giám sát.

- Thời hạn giám sát kéo dài đến một năm.

- Đối tượng giám sát là người nước ngoài sống ngoài nước Mỹ.

- Mục đích giám sát nhằm thu thập thông tin tình báo nước ngoài.

- Chậm nhất trong vòng một tuần sau khi cấp phép, bộ trưởng Tư pháp hoặc giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia phải trình văn bản cấp phép cho Tòa án Giám sát tình báo nước ngoài lưu để giám sát.

Theo thống kê của Trung tâm Thông tin riêng tư điện tử (Mỹ), từ năm 2001 đến nay, các cơ quan thực thi pháp luật của Mỹ đã nộp hơn 20.000 đơn đề nghị cấp lệnh giám sát. Tòa án Giám sát tình báo nước ngoài chỉ bác 11 đơn. Năm 2012 có tổng cộng 1.856 đơn thì đều được duyệt tất tần tật.

Đài Truyền thanh quốc gia Mỹ nhận định Tòa án Giám sát tình báo nước ngoài là một công cụ pháp lý rất ít thực quyền, chỉ răm rắp phê duyệt đơn xin giám sát thông tin tình báo nước ngoài của các cơ quan chính phủ.

Ông William Banks, Giám đốc Viện An ninh quốc gia và chống chủng bố ở ĐH Syracuse (Mỹ), nhận xét tòa án này hoạt động không giống tòa án mà giống như một cơ quan hành chính hoặc thư ký giúp việc.

Năm 2008, Tập đoàn Yahoo! có phản đối lệnh của Tòa án Giám sát tình báo nước ngoài yêu cầu cung cấp dữ liệu khách hàng với lý do lệnh đã vi phạm hiến pháp. Tuy nhiên, tòa cho rằng Yahoo! không đưa ra được bằng chứng cho thấy nếu Yahoo! cung cấp thông tin thì có thể dẫn hậu quả gây tổn hại thực tế hoặc tạo ra nguy cơ vi phạm các quyền công dân. Thế là hòa cả làng!

Lịch sử một cơ quan mật vụ

NSA (trực thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ) được bí mật thành lập vào năm 1952 dưới thời Tổng thống Truman và chính thức được thừa nhận năm 1957. NSA ít được biết đến hơn CIA nên ngân sách không được công bố. Chỉ biết NSA sử dụng hàng chục ngàn nhân viên với ngân sách phải cỡ tỉ USD. NSA đã từng tham gia nhiều điệp vụ trong chiến tranh lạnh, từ vụ khủng hoảng tên lửa Cuba đến chiến tranh Việt Nam.

NSA chuyên xử lý thông tin điện từ. Nhiệm vụ ban đầu của NSA là thu thập, xử lý, phân tích, sản xuất và phân phối thông tin tình báo qua truyền tin và dữ liệu của tình báo nước ngoài nhằm mục đích phản gián để hỗ trợ cho các chiến dịch tình báo trong nước. Sau sự kiện khủng bố ngày 11-9-2001, NSA ngày càng chú trọng đến thông tin điện đàm bên trong nước Mỹ. NSA khẳng định đã giữ vai trò then chốt trong vụ tiêu diệt trùm khủng bố Bin Laden.

Tai tiếng lớn đầu tiên liên quan đến NSA là mạng lưới gián điệp Echelon được tiết lộ trong những năm 1990. Dưới thời chiến tranh lạnh, Mỹ và một số nước đồng minh đã bí mật thiết lập mạng lưới nghe lén toàn cầu Echelon. Mục tiêu ban đầu là Liên Xô (cũ) và các đồng minh trong khối Warszawa. Sau đó, mạng lưới Echelon làm luôn công tác tình báo kinh tế và phục vụ cho mục đích chính trị giữa các nước đồng minh.

H.DUY

(Còn tiếp kỳ cuối)

LÊ LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm