Nỗi lòng người Sài Gòn đi xe buýt

“Mặt tiền” chưa hấp dẫn

Nhà chờ xe buýt ở công viên Quách Thị Trang chính là bộ mặt của thành phố. Rất tiếc “bộ mặt” này không đẹp và sang hơn bao nhiêu so với cách đây vài chục năm, chưa xứng tầm của một thành phố lớn của cả nước như TP.HCM. Khách đợi xe tại nhà ga xe buýt đối diện chợ Bến Thành vẫn cứ kẻ đứng người ngồi... chồm hổm. Họ đi lại, chen chúc lộn xộn với hàng trăm xe lớp đậu tại bến, lớp chạy ra chạy vào như mắc cửi.

Nhà ga không có bãi xe cho khách gửi xe. Khách đi xe gắn máy tới trạm xe chính muốn đón xe buýt đi tiếp phải gửi xe tại các chỗ gửi xe dành cho người đi chợ với những phiền toái kèm theo. Nếu quyết tâm đầu tư cho xe buýt, tại sao còn hà tiện trong việc sắm sửa cho nó một bộ mặt khang trang hơn?

Nỗi lòng người Sài Gòn đi xe buýt ảnh 1

Xe buýt trên đường phố TP.HCM

Hướng dẫn còn bất tiện

Tôi vào trang web của Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng thuộc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM để tìm những thông tin cần thiết. Thông tin cần nhất là tìm tuyến xe để đi từ điểm này sang điểm khác. Tôi truy cập mục Thông tin tuyến và sơ đồ để tìm tuyến xe buýt.

Thông tin tuyến liệt kê tất cả 114 tuyến xe buýt của thành phố, kèm theo là tên những con đường xe buýt đi qua ở lượt đi lẫn lượt về. Thông tin còn cho biết số chuyến xe trong ngày, thời gian hoạt động và giá tiền, đơn vị đảm nhận tuyến cùng số điện thoại liên lạc. Sơ đồ tuyến dùng bản đồ để thể hiện lộ trình của 114 tuyến xe buýt thành phố.

Ngoài Thông tin tuyến và sơ đồ tuyến, khách có thể gọi điện thoại số 38.214.444 và 38.214.730 theo hướng dẫn của trang web để nhờ mách bảo. Tôi gọi để hỏi tuyến xe buýt đi từ chợ Bàu Cát đường Nguyễn Hồng Đào (Tân Bình) tới ngã tư Nguyễn Tri Phương-Ba Tháng Hai. Người nhận điện thoại trả lời phải ra tới ngã tư Bảy Hiền, đón xe số 59 để tới đường Nguyễn Tri Phương. Tuy nhiên sau đó, một người quen đi xe buýt mách tôi tuyến 27 đi từ đường Nguyễn Hồng Đào tới giao lộ Nguyễn Tri Phương và Ba Tháng Hai, chẳng phải đi bộ từ đường Nguyễn Hồng Đào tới ngã tư Bảy Hiền.

Tôi thử sử dụng mục Tìm kiếm của trang web để tìm tuyến xe đi từ một điểm này sang một điểm khác nhưng không được. Không biết mục Tìm kiếm được thiết kế để tìm nội dung gì và cách sử dụng ra sao. Sang mục hỏi đáp, tôi thấy có 30 câu hỏi của khách, tất cả đều hỏi tuyến xe.

Đáng mừng là cơ quan quản lý xe buýt thành phố đã có những cố gắng nhất định trong việc cung cấp thông tin cho hành khách qua mạng và điện thoại. Thông tin trên mạng cần cải tiến để hành khách tiện lợi hơn khi muốn chọn xe buýt làm phương tiện di chuyển. Việc tăng cường trao đổi thông tin với khách hàng sẽ khuyến khích người dân đi xe buýt nhiều hơn.

Nhân viên phục vụ chưa coi khách là thượng đế

Có lẽ trong mắt của nhiều người, kể cả một số người đang làm việc trong ngành xe buýt, hành khách đi xe buýt là những người nghèo, có thu nhập thấp, trả tiền mua vé thấp. Họ chỉ đáng được phục vụ với chất lượng thấp mà thôi. Nếu thật sự tôn trọng khách thì sẽ không xảy ra nạn xe bỏ trạm, khách chờ xe tha hồ vừa vẫy vừa la để rồi tiu nghỉu thấy xe lừ lừ chạy qua không buồn dừng lại.

Gặp lúc đông, hành khách phải chấp nhận đứng trên xe buýt. Tuy nhiên, xe buýt tham lam rước quá nhiều khách đến mức lèn chật khách vào nhau không còn chỗ để cục cựa là điều quá đáng. Vài lần đi tuyến xe buýt từ ngã ba Trị An về thành phố vào chiều Chủ nhật, tôi đã nếm trải kinh nghiệm này. Khi hành khách hết chịu nổi, bảo đừng rước thêm khách nữa thì nhà xe bảo cứ... ráng chịu.

Hành khách cũng phải... ráng chịu bị móc túi. Chuyện khách bị móc mất bóp, điện thoại di động, tiền xảy ra thường xuyên, trúng ai nấy chịu, nói chung là hên xui. Dù tài xế và có lẽ cả tiếp viên biết mặt kẻ móc túi nhưng biện pháp ngăn ngừa không được thực hiện.

Xe buýt thành phố tuyển tiếp viên làm nhiệm vụ bán vé trên xe. Thế nhưng có người thu tiền mà không đưa vé cho khách. Tiếp viên để giúp đỡ khách nhưng người khuyết tật, người bệnh, người già không được ngồi vào chỗ dành cho họ theo quy định. Tài xế và tiếp viên cũng không nhắc nhở khách có hành vi gây ồn ào, chửi tục, xả rác, hút thuốc, mở điện thoại nghe nhạc. Thậm chí, họ không ngăn người bán dạo lên xe dùng loa quảng cáo bán hàng.

Nỗi lòng người Sài Gòn đi xe buýt ảnh 2

Hành khách đứng chờ xe buýt ở công trường Quách Thị Trang

Tiếp viên xe buýt tuyến Mộc Bài-TP.HCM rất tích cực giúp đỡ người buôn hàng miễn thuế từ siêu thị miễn thuế Mộc Bài. Tôi đã chứng kiến một tiếp viên giúp đưa lên xe và tìm chỗ để cất một số hàng hóa cho vài hành khách, trong đó một người đưa lên xe vài chục thùng bia Heineken. Về đến TP.HCM, xe dừng ở một trạm trên đường Lê Lai, dành nhiều thời gian để xuống hàng cho người đi buôn. Trong khi đó, hành khách bình thường không được “ưu ái” như vậy. Lúc lên xe và xuống xe, khách bị hối thúc dẫn đến một số tai nạn xảy ra.

Tôi thắc mắc không biết tại sao xe buýt thành phố không áp dụng cách bán vé xe và kiểm soát vé  như ở nước ngoài, vừa tiện vừa tiết kiệm người và tiền. Xe buýt Mỹ chỉ có mỗi một tài xế kiêm đủ mọi việc, chẳng cần tiếp viên và kiểm soát viên lên xe soát vé từng hành khách. Khách lần lượt bước lên xe buýt, mua vé qua máy bằng tiền lẻ đã chuẩn bị sẵn. Nếu có vé sẵn thì “cà” vé qua khe của máy kiểm soát vé trước sự chứng kiến của bác tài. Tài xế và hành khách hành xử theo quy định. Làm trái luật, tài xế và  hành khách có thể bị phạt, có trường hợp bị quy vào tội hình sự. Những quy định về quyền lợi và bổn phận của tài xế và hành khách đi xe buýt được thông báo rộng rãi để mọi người đều biết và chấp hành, lâu dần tạo thành nếp văn hóa của người đi xe buýt.

Dư luận thành phố bàn tán nhiều về số tiền thành phố phải chi để trợ giá nhằm khuyến khích người dân sử dụng xe buýt. Nếu vì mục đích khuyến khích đi xe buýt, việc chất lượng xe, cơ sở hạ tầng, chất lượng phục vụ của xe buýt sẽ làm cho nó trở nên hấp dẫn.

Những cảnh dở khóc dở cười với xe buýt

Sáng 21-6-2009, chị P. đi tuyến xe buýt từ ngã tư Hàng Xanh qua quận 8 bị móc mất gần 3 triệu đồng. Sau khi kẻ móc túi xuống xe, tài xế mới báo động cho hành khách về khả năng bị móc túi để tự kiểm tra tiền bạc của mình. Chị P. phát hiện bị mất tiền đã phải xuống xe truy đuổi kẻ móc túi với sự giúp sức của người đi đường.

Chiều 16-3-2009, tại trạm xe buýt trước cổng Trường THPT Gia Định , xe buýt số 19 tuyến Sài Gòn-KCX Linh Trung-Suối Tiên không dừng hẳn xe đón khách. Nữ sinh Phạm Thị Thu Trang, học sinh lớp 12A9 Trường THPT Gia Định, bị thương khi lên xe vì nắm hụt tay người bán vé.

Sáng 31-3-2009, bà Trần Thị Ngọc đi trên xe buýt tuyến Bến Thành-Đầm Sen do tài xế Phan Văn Toại lái. Khi vào trạm  trên đường Lê Đại Hành (quận 10), bà Ngọc bước xuống cửa. Tài xế tưởng bà Ngọc đã xuống nên cho xe chạy. Bà Ngọc bị bánh sau xe  buýt cán nát chân.

Tối  21-5-2009, trên chuyến xe buýt số 53N-4382 từ Bến Thành về quận 12, đến trước Đài truyền hình TP.HCM, phụ xe dùng dụng cụ chặn bánh xe hình khối tam giác bằng gỗ đánh vào đầu hành khách Thân Minh Ngọc vì anh đã yêu cầu phụ xe mở máy lạnh.

TÚY HOA

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 7-2009)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm