Níu giữ cái ngàn xưa

Trên địa bàn tỉnh Bình Dương, hơn 200 lò gốm thủ công vẫn còn hoạt động, tập trung ở thị trấn Lái Thiêu, huyện Thuận An và thị xã Thủ Dầu Một. Mặt hàng chủ lực ở các lò hiện nay là heo đất và gốm gia dụng. Một số lò còn gia công làm thêm hàng mỹ nghệ với số lượng nhỏ.

Còn chăng làng gốm Lái Thiêu?

Đến thị trấn Lái Thiêu, chúng tôi vào các lò gốm và được biết đã vài tháng nay nhiều lò không đỏ lửa. “Heo đất chỉ tiêu thụ mạnh vào dịp Tết. Mấy lò gốm của chúng tôi đang nằm trên đất đã quy hoạch và sắp bị giải tỏa để xây khu dân cư” - một chủ lò ngậm ngùi cho biết.

Níu giữ cái ngàn xưa ảnh 1

Anh Sơn lắng đất sét

Chị Nguyễn Thị Quý là chủ lò gốm. Tranh thủ trời nắng, chị đem những con heo đất ra phơi. Những giọt mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt chị. Chị Quý kể: “Từ khi có quyết định dời các lò gốm đến nay, nhiều lò đã bị dỡ bỏ. Dân địa phương cũng đã vào làm trong các công ty. Tôi già rồi nên đành bám víu cái lò cha ông để lại mà kiếm cơm. Gần cả đời gắn bó với nghề gốm, tay chân lúc nào cũng dính bùn đất, giờ mà bỏ thì chịu sao nổi!”. T

rước kia, sản phẩm của lò gốm chị Quý rất đa dạng nhưng vì giá thành nguyên liệu cao nên làm ra khó bán. Vì vậy, chị đành làm heo đất bỏ mối cho các đại lý và tự an ủi rằng dẫu sao cũng còn giữ được cái nghề.

Chúng tôi tìm đến ấp Hưng Lộc (Hưng Định, Thuận An). Nơi đây, một số lò vẫn hoạt động cầm chừng, sản phẩm chủ yếu là chén đất cạo mủ cao su và heo đất. Lò nung của anh Sơn nhộn nhịp nhất vì ngoài heo đất, anh còn nhận gia công làm lọ hoa và gốm mỹ nghệ. Lau mồ hôi trên trán, tay chân vẫn còn lấm lem bùn đất, anh đưa tôi đi tham quan lò gốm.

Anh nói như muốn trút nỗi buồn: “Nghề gốm đang bị cạnh tranh khốc liệt. Hàng Tàu vừa rẻ, vừa đẹp bày bán nhan nhản ngoài thị trường thì làm sao mình cạnh tranh nổi? Hầu hết anh em ở đây lấy công làm lời, làm việc với mong muốn cái nghề của cha ông không bị mai một”.

Níu giữ cái ngàn xưa ảnh 2

Chị Quý đem heo đất ra phơi nắng

Bất kỳ nghệ nhân gốm nào trên đất Bình Dương cũng đều tự hào về lịch sử nghề gốm, làng gốm bởi tổ tiên họ đã khai hoang và gây dựng nên thương hiệu gốm Lái Thiêu, đưa tên tuổi gốm Lái Thiêu vượt ra ngoài lãnh thổ quốc gia. Nghề gốm cũng đã góp phần thay đổi diện mạo vùng đất này. Một chủ lò gốm tâm sự: “Nếu phải đi khỏi mảnh đất này, chắc tôi đau lắm!”

Nguy cơ mất trắng một làng nghề

Theo báo cáo của Phòng Kinh tế huyện Thuận An, từ năm 2005, khi có quyết định của UBND tỉnh Bình Dương về việc di dời các cơ sở sản xuất gốm sứ thủ công ra khỏi khu đông dân cư, đã có 95 cơ sở ngưng hoạt động và 15 cơ sở khác nằm trong vùng giải tỏa của huyện. Chủ trương của UBND tỉnh là di dời và hỗ trợ các lò gốm này về huyện Tân Uyên. Địa điểm mới quá xa so với nơi ở hiện tại, nguồn lao động không có, giá đất cao là những nguyên nhân khiến không ai mạnh dạn di dời.

Thêm một trở ngại nữa là việc xây nhà xưởng, đắp lò, chuyển đổi công nghệ nung gốm... ở nơi mới sẽ ngốn đến tiền tỷ. Số tiền này cả đời người làm gốm cũng chẳng dám mơ tới. Bên cạnh đó, đầu ra cho sản phẩm không ổn định cũng là khó khăn lớn cho các chủ lò.

Níu giữ cái ngàn xưa ảnh 3

Làng nghề gốm Lái Thiêu

Nếu thực hiện đúng quy hoạch di dời và chuyển đổi ngành nghề thì năm 2010, thị trấn Lái Thiêu sẽ không còn lò gốm nào hoạt động. Nguy cơ mất trắng một làng nghề đang ở trước mắt và thương hiệu gốm Lái Thiêu cũng theo đó mà lụi tàn. Ông Đỗ Thanh Sử - Trưởng phòng Kinh tế huyện Thuận An, đã đề ra kế hoạch xây dựng và khôi phục lại làng nghề gốm sứ truyền thống trên địa bàn huyện Thuận An.

Theo kế hoạch này, huyện sẽ quy hoạch ba làng nghề ở thị trấn An Thạnh, xã Thuận Giao và xã Hưng Định (cách thị trấn Lái Thiêu khoảng 5 km) với diện tích lên đến 9,3 ha. Hiện kế hoạch này đang chờ UBND huyện phê duyệt. Mong rằng những động thái tích cực và kịp thời từ các cấp chính quyền sẽ giúp khôi phục lại một làng nghề.

Khoảng giữa thế kỷ 19, những người Hoa gốc Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến định cư và mang theo nghề làm gốm truyền thống đến Lái Thiêu. Kỹ thuật gốm của Lái Thiêu là sự tổng hòa của ba trường phái gốm Nam Trung Hoa là Quảng Đông (chuyên sản xuất các loại tượng trang trí, chậu và đôn các loại, men nhiều màu); Phúc Kiến (các loại chóe rượu, lu, hũ...); Triều Châu (nổi tiếng với các loại gốm gia dụng men nhiều màu và men xanh trắng, nét vẽ sinh động, hoa văn bình dị).

Gốm Lái Thiêu với nguồn nguyên liệu địa phương kết hợp với kỹ thuật truyền thống của người Hoa và cả người Việt đã tạo nên một dòng gốm men nhiều màu bình dị và dân dã.

NAM TRÂN

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 8-2009)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm