Những ngày cuối cùng của Nguyễn Văn Thiệu, Trần Thiệu Khiêm ở Sài Gòn

Một trong những nhân chứng của "phút 89" ấy, là cựu Thiếu tá Nguyễn Tấn Phận, người từng là sĩ quan tùy tùng cho Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, rồi sau đó, đến đầu tháng 4/1975, phụ trách an ninh cho cựu Thủ tướng Trần Thiện Khiêm. Ông Phận cũng là người cùng  Nguyễn Văn Thiệu và Trần Thiện Khiêm chạy khỏi Việt Nam vào buổi tối ngày 25/4/1975.

Kỷ niệm 35 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Chuyên đề ANTG xin giới thiệu đến bạn đọc lời kể của Nguyễn Tấn Phận, nói về những ngày cuối cùng của Nguyễn Văn Thiệu, Trần Thiện Khiêm ở Sài Gòn...

Những ngày cuối cùng của Nguyễn Văn Thiệu, Trần Thiệu Khiêm ở Sài Gòn ảnh 1

Nguyễn Văn Thiệu ở dinh Độc Lập (người đi sau, bên phải là Nguyễn Tấn Phận) 

"Tôi về trình diện Phủ thủ tướng vào đầu tháng 4/1975, chưa nhận nhiệm sở mới thì Đại tướng Trần Thiện Khiêm từ chức thủ tướng chính phủ. Tôi được chuyển qua làm việc tại văn phòng cố vấn quân sự của Phó tổng thống Trần Văn Hương...". Nguyễn Tấn Phận, viên Thiếu tá quân đội Sài Gòn nhớ lại. Sở dĩ có việc này là vì Trần Văn Hương ngay sau khi nhậm chức, đã ký sắc lệnh bổ nhiệm Trần Thiện Khiêm làm cố vấn quân sự.

Dù mang tiếng là làm việc tại "văn phòng cố vấn quân sự", nhưng nhiệm vụ của Phận chỉ lo về an ninh cho vợ chồng Trần Thiện Khiêm. Thỉnh thoảng, ông ta lại hộ tống vợ Khiêm đi thăm viếng, cúng dường các chùa chiền ở vùng Thủ Đức.

Giữa tháng 4, mấy ngày sau khi Trần Thiện Khiêm từ chức, vợ Khiêm cử người đến nhà riêng của tướng Charles Timmes. Phận kể: "Bà cho tôi biết Timmes có viết cho bà mấy câu trong một tấm thiệp nhỏ, đại ý là đừng gọi điện thoại vì nhà ông ta không có... điện thoại (?!)".

Có mặt ở miền Nam Việt Nam từ năm 1961, Charles Timmes là Trung tướng hồi hưu, chỉ huy toán cố vấn Mỹ đầu tiên đến Sài Gòn. Sau đó, Timmes trở thành một viên chức cao cấp, nhiều thế lực của Phái bộ Viện trợ quân sự Mỹ. Timmes quen biết và gần gũi với hầu hết các tướng lĩnh trong quân đội Sài Gòn - kể cả Đại tướng Dương Văn Minh, Nguyễn Cao Kỳ... Nhiệm vụ của Timmes là "tiếp xúc và tìm hiểu tinh thần của họ, nên ai cũng là bạn ông ta" theo như nhận xét của Trần Thiện Khiêm sau này: "Cỡ như Timmes, nếu muốn có... vệ tinh ông ta cũng có được chứ huống gì điện thoại. Chẳng qua ông ta viết thế là để không lưu lại chứng tích gì về trách nhiệm của mình trong những ngày Sài Gòn hấp hối, thế thôi".

Nhận được tấm thiệp, ngày 17/4, vợ Khiêm cho người mời tướng Timmes đến nhà dùng cơm tối. Khi Khiêm đi làm về và biết được chuyện này, Khiêm có vẻ không hài lòng. Nguyễn Tấn Phận kể tiếp: "Trong bữa ăn, từ phòng ăn gia đình gần nhà bếp, tôi để ý thấy bà Khiêm biểu lộ sự xúc động lúc nghe Timmes úp mở tiên đoán về sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn, nhưng không hề òa lên khóc như Frank Snepp, một chuyên viên phân tích tình báo cao cấp của CIA Mỹ, đã kể trong cuốn "Những khoảng cách vừa phải - Decent Interval".

Vào thời gian này, tin đồn về việc Nguyễn Văn Thiệu từ chức đã lan rộng trong xã hội, và câu hỏi là bao giờ thì Thiệu sẽ từ chức? Những người quan tâm đến thời cuộc đều biết vào lúc ấy, Tòa đại sứ và Cơ quan Tình báo Mỹ đang tìm mọi cách để loại Nguyễn Văn Thiệu hầu dựng lên một khuôn mặt tuy cũ nhưng mới - mà theo họ thì ôn hòa hơn. Đó là ông Dương Văn Minh - người được Mỹ đánh giá là có chủ trương mềm dẻo. Phần nữa cũng do một số chính trị gia xôi thịt đang ngồi chơi xơi nước, nghe hơi nồi chõ rồi tung hỏa mù rằng "phía bên kia" chỉ đồng ý nói chuyện với ông Dương Văn Minh, nhằm kiếm một chân trong "chính phủ liên hiệp" - một sản phẩm quái đản của những trí tưởng tượng bệnh hoạn, đui mù!

Trưa ngày 21/4, Trần Thiện Khiêm được Nguyễn Văn Thiệu triệu tập vào dinh Độc Lập họp cùng với Trần Văn Hương. Buổi họp diễn ra trong gần một giờ đồng hồ. Mặc dù đi theo Trần Thiện Khiêm, nhưng Nguyễn Tấn Phận không được vào nên không thể biết chuyện gì đang xảy ra. Mãi khi về tới nhà, Trần Thiện Khiêm bước xuống xe nhưng không đi thẳng vào nhà mà dừng lại chờ Phận đến gần, rồi nói với nét mặt vui vẻ: "Chiều nay nhớ mặc đồ đẹp, vào dinh Độc Lập nghe Tổng thống Thiệu đọc diễn văn từ chức!".

Đó là vào khoảng gần 1h trưa ngày 21/4/1975. Phận nói tiếp: "Và tôi là người đầu tiên nhận được thông tin vô cùng quan trọng mà "cả thế giới" đang chờ đợi". Với những người làm báo, thông tin ấy có giá trị rất lớn trong sự thăng tiến nghề nghiệp truyền thông của họ nếu họ nắm được. Tuy nhiên sau này, trong các tài liệu, hồi ký của các tướng lĩnh, chính trị gia Việt, Mỹ, thì người đầu tiên biết tin Thiệu từ chức lại không phải là Phận, mà là Tòa đại sứ Mỹ!

Trong lúc Thiệu thông báo việc từ chức cho Trần Văn Hương và Trần Thiện Khiêm thì tại Tòa đại sứ Mỹ, hệ thống điện tử đã ghi âm rõ những gì Thiệu nói. Chuyện nghe lén này về sau đã được các tướng tá quân đội Sài Gòn lưu vong đặt ra nhiều giả thiết, là người Mỹ bắt đầu nghe lén các buổi họp của Nguyễn Văn Thiệu từ lúc nào, và bằng cách nào.

Những ngày cuối cùng của Nguyễn Văn Thiệu, Trần Thiệu Khiêm ở Sài Gòn ảnh 2

Thiệu bắt tay Trần Thanh Điền (đứng sát Trần Thanh Điền, phía sau là Hoàng Đức Nhã)

Trở lại chuyện Nguyễn Văn Thiệu từ chức, có mặt tại phòng khánh tiết trong dinh Độc Lập, Nguyễn Tấn Phận nghe từ đầu đến cuối bài diễn văn của Thiệu trước một cử tọa rất đông đảo gồm các nhà lập pháp của hai viện quốc hội, cùng các quan chức trong chính phủ và các cơ quan truyền thông. Trong bài diễn văn, có lúc Thiệu rất cay cú: "...Người Mỹ viện trợ nhiều thì chúng tôi đánh nhiều, còn ít thì chúng tôi đánh ít. Cũng chẳng khác một người đưa cho tôi 1 đôla, mà đòi tôi phải vào ăn một bữa ăn thịnh soạn trong một nhà hàng sang trọng thì làm sao chúng tôi có thể làm được...". Ngay sau đó, Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố bàn giao chức vụ Tổng thống Việt Nam Cộng hòa lại cho Phó tổng thống Trần Văn Hương theo như hiến pháp đã quy định...

Từ bên kia quả địa cầu, nghe tin Thiệu từ chức, Ngoại trưởng Mỹ là Kissinger liền gửi cho Graham Martin, Đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn một điện văn, nội dung Kissinger ỵêu cầu ông đại sứ chuyển lời bày tỏ lòng "kính trọng" của Kissinger đối với Thiệu, và đề nghị muốn giúp Thiệu rời khỏi Việt Nam.

Theo Huyền Sĩ (ANTG)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm