DI TẢN LAO ĐỘNG VIỆT NAM TẠI IRAQ TRONG CHIẾN TRANH VÙNG VỊNH - BÀI 2

Những ngả đường rời Iraq

Vậy là sau gần một tháng ở Badush sống trong phập phồng chờ đợi, ngày 13-12-1990 những người từ đoàn 31 đến 36 mới thật sự tin rằng mình đến Baghdad để về nước khi xe chuyển bánh.

Những ngày dài

Lúc này chúng tôi mới đối diện cảnh chia tay với bạn bè bằng tâm trạng phân vân, không xác định là sẽ chia ly hay tạm biệt hẹn ngày gặp lại? Người ở lại có cơ sở để lo lắng rằng: Đã nửa tháng nay chưa có đoàn nào về nước, trong lúc đó còn hơn 5.000 người đang chờ đợi ngày về mà thời gian thì còn quá ít!

Xe chạy gần một ngày mới đưa chúng tôi vào nội ô TP Baghdad, thay vì đến thẳng sân bay thì xe chuyển bánh tới các khu nhà nghỉ. Rồi trưởng đoàn lại thông báo phải tiếp tục chờ đợi! Thế là chúng tôi được bố trí ở một khách sạn bình dân. Mỗi phòng dành cho hai người ở thì tám người chúng tôi phải nằm cả dưới sàn nhà. Suốt ngày nay ngồi xe gần 500 km, giờ nghe đói, khát mà không ai đả động gì đến ăn uống. Trong tình cảnh này anh em mới thật sự hoang mang, có bao nhiêu tiền đã mua hàng hay để lại cho bạn bè ở Badush hết rồi!

Ngày thứ nhất: Một số người dân Iraq làm từ thiện phát chẩn cho chúng tôi một số bánh mì “tã lót”, trứng ăn lót dạ. Ngày thứ hai: Vài người trong số chúng tôi phát hiện còn giữ vài dinar làm lưu niệm, họ đến cửa hàng bán thực phẩm dành cho gia súc mua cả bao bánh cừu ăn về phát cho anh em mỗi người một cái, rồi tất cả đóng cửa giải quyết... chuyện đói. Ngày thứ ba: Sáng, một số người rủ nhau ra chợ trời bán tư trang, mũ áo... để đổi lấy thức ăn; chiều, tổ chức IOM và Sứ quán Việt Nam phát tiền ăn 3 dinar/ngày (trong khi đó ở đây 5 dinar/một suất cơm), lại chờ đợi...

Những ngả đường rời Iraq ảnh 1

Tác giả (thứ hai từ trái qua) cùng những người bạn lao động Việt Nam ở Badush.

Nhật ký đợi ngày về

Giờ đây, sau 20 năm, mỗi lần xem lại những trang nhật ký ngày ấy, ký ức như lại hiện về:

Ngày 17-12-1990: Chúng tôi đã chán cảnh ăn đói nằm chờ, khi biết chắc ngày hôm nay chưa đi được, bèn rủ nhau ra chợ trời gần đó buôn bán kiếm ăn. Ban đầu, chúng tôi bán tư trang của mình. Sau đó, phát hiện người Iraq sính ngoại nên chúng tôi mua đầu chợ, bán cuối chợ cũng kiếm sống qua ngày.

Ngày 22-12-1990: Ngày hôm nay theo như mọi người biết, sẽ có cuộc họp tay ba giữa tổ chức IOM với Sứ quán ta và Iraq. Về hay còn ở lại lâu dài nữa? 12 giờ sẽ rõ. Nếu ở lại thì họ sẽ thu hồi hộ chiếu để gia hạn, còn về thì không. Tuy không nói nhưng ai cũng hy vọng. Tin của phiên dịch viên điện về: Mọi thủ tục đã hoàn tất chỉ đợi sự đồng ý của tổ chức IOM nữa thôi. Nhưng tối đến, mọi người ngậm ngùi và bực dọc vì phải nộp lại hộ chiếu để gia hạn...

Ngày 27-12-1990: Ngày mai, theo lịch bay sẽ đến đoàn mình, không biết còn trắc trở gì nữa không? Như vậy còn 14 người của đoàn 36 rớt lại đi theo đường Jordan. Tất cả đều phải vất vả cả, cuộc hồi hương như một chuyện trong phim, gặp trắc trở rồi lại thuận lợi, tiếp diễn như một điệp khúc...

Ngày 28-12-1990: 12 giờ trưa, mọi người chuẩn bị lên xe ra sân bay Bahgdad, tư tưởng lúc này cũng chưa xác định được đi hay không?...

Mình rất hồi hộp khi máy bay chuẩn bị chạy trên đường băng. Máy bay đã lao trên đường băng rồi! Vậy là chắc ăn. Đêm ấy mình thức. Mình đang lênh đênh trên bầu trời!...

Di tản qua ngả Jordan và Iran

Từ ngày 13-12-1990, khi các đoàn 31 đến 36 đến Baghdad thì ở Badush còn hơn 5.000 người nữa. Sứ quán ta chuyển sang hướng khác: Tích cực thúc đẩy IOM, Iraq đàm phán các nước thứ ba như Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và Iran để qua biên giới của họ. Nhờ vậy mà hơn 3.000 người kịp qua biên giới Jordan trước khi Mỹ tấn công.

Những ngả đường rời Iraq ảnh 2

Giấy chứng nhận hoàn thành nhiệm vụ hợp tác lao động và nghĩa vụ đóng góp với Nhà nước do Sứ quán Việt Nam tại Iraq cấp.

Anh Võ Sĩ Trường làm việc tại nhà máy 421, Khazmia, Baghdad kể: Ngày 9-1-1991, lúc này chiến sự đã xảy ra đâu đó, bất chợt cả đoàn xe cờ xí của tổ chức IOM đến tận nhà máy khẩn trương đón họ di tản qua biên giới Jordan. Ở trại tị nạn nằm sâu trong lãnh thổ  Jordan, mọi người được ở lều bạt, phát bánh mì và nước uống, hai ngày sau được lên xe vào thủ đô  Jordan, ra sân bay về nước.

Theo anh Trần Xuân Đản, làm việc tại Badush, thì khi Mỹ đã triển khai cuộc chiến, 2.000 người đã bị kẹt lại làng Badush. Bom nổ rung chuyển mặt đất. Giữa lúc anh em đang hoang mang tột độ thì người của Sứ quán ta xuất hiện kịp thời trấn an, động viên. Theo Sứ quán thì lương thực chúng ta còn ăn được vài tháng nữa, không lo bom đạn lạc vì Mỹ chỉ đánh những mục tiêu quân sự tọa độ tính bằng máy điện tử; chính phủ Iran đã đồng ý cho chúng ta qua biên giới, kế hoạch di tản đã có, chỉ chờ yên tiếng bom chúng ta sẽ lên đường. Dù thế mọi người vẫn lo sợ mỗi lần nghe bom nổ, hằng ngày tới kho nhận gạo nấu ăn, sống co cụm trong nhà chờ đợi.

Anh Đản kể: Ngày 9-2-1991, chúng tôi mới được lệnh lên xe hướng về biên giới Iran. Trên đường đi đoàn xe phải dừng lại nhiều lần vì bom nổ do lính Iraq đốt dầu, vỏ xe... tạo khói để gây cản trở tầm quan sát của máy bay Mỹ. Tới địa điểm tập kết còn phải lầm lũi đi bộ cả tiếng đồng hồ mới tới được vùng đệm gần biên giới Iran, ngồi tựa lưng nhau ngoài trời không đèn đóm, không nước uống trong hỗn độn dòng người các nước di tản. Đói, khát quá, từng nhóm vào trảng hoang hái rau cải trời chia nhau ăn lót dạ. Đến gần trưa hôm sau chúng làm xong thủ tục, đoàn người Việt trật tự tiến qua biên giới Iran, nhận lều bạt, bánh mì, nước uống. Hai ngày thì được lên xe, thẳng tới sân bay Teheran lên máy bay về nước, chấm dứt một hành trình đầy ác mộng.

Dọc đường đi bộ chứng kiến cảnh hỗn độn của người các nước di tản, chúng tôi mới thấy khả năng tổ chức đưa người về nước của cán bộ Việt Nam rất bài bản. Trong điều kiện khó khăn, còn đang bị cấm vận, máy bay không có và chịu lệ thuộc tổ chức IOM phân bố phương tiện cũng như sự chi phối của phía Iraq. Cuộc di tản 18.000 lao độngViệt Nam từ Iraq về nước dù có nhiều gian lao nhưng không hề tổn thất nhân mạng là một thành công lớn.

Tháng ngày về nước

Về đến Hà Nội sau 10 giờ bay, trong tôi dâng lên niềm cảm khái và cảm giác bình yên chỉ những người sống xa Tổ quốc, gặp đầy sóng gió như chúng tôi mới hiểu được khi về với đất nước mình. Nhưng xưa hồ hởi bước lên máy bay, còn giờ trở về thất thểu với chiếc túi lép kẹp. Dù rằng ai cũng an ủi: Người còn là còn tất cả nhưng vẫn không tránh khỏi cảm giác bẽ bàng bởi không có một điếu thuốc mời khách hay một cái bánh cho con.

Vị trí chuyên môn ngày xưa đã có người đảm nhận, muốn làm việc thì phải ra các công trường xa làm lao động phổ thông... Nhưng cuộc sống khó khăn rồi dần cũng qua. Gần một năm sau chúng tôi được mời đến làm thủ tục đền bù chiến tranh vùng Vịnh do Liên Hiệp Quốc chủ sự.

Chuyện đền bù nghĩ đã vào dĩ vãng vì quá lâu không nghe thông tin gì nữa. Nhưng rồi chuyện đời như “Tái ông mất ngựa”, gần 10 năm sau tôi được mời ra Hà Nội nhận tiền đền bù tổng cộng 4.000 USD (tương đương 10 lượng vàng hồi đó). Số tiền tuy không thể thực hiện được giấc mơ “đổi đời” nhưng giúp cho tôi giải quyết được nhiều việc!

Giờ đây, tôi lại so sánh tình cảnh mình với người lao động ở Libya. Họ sẽ gặp khó khăn hơn chúng tôi hồi đó nhiều, vì chúng tôi sang Iraq lao động tổ chức quy mô cấp nhà nước và tính chất cuộc chiến cũng có khác. Không biết nhà nước mình có giải pháp gì giúp đỡ hữu hiệu cho họ không?

Chúng tôi đã đến Iraq khá suôn sẻ nhưng chiến tranh đã khiến chúng tôi rời đất nước “ngàn lẻ một đêm” bằng nhiều con đường, trong nhọc nhằn chờ đợi, trong nỗi lo lắng về tính mạng và giấc mơ đổi đời bị dang dở. Nhưng giờ lần giở ký ức, đó vẫn là những trải nghiệm đáng quý. Ngay cả giấc mơ dở dang kia cũng không phải là vô nghĩa, bởi cuộc đời đâu phải chỉ có một giấc mơ duy nhất để gầy dựng tương lai…

TRẦN KIẾM HẠ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm