Nhớ nhà báo Trần Quang Thịnh - Những gam màu sáng của cuộc đời...

Cuộc đời anh là một bức tranh với rất nhiều gam màu sáng, ấm và tươi vui dẫu khung hình của bức tranh ấy - như những gì tôi biết - thật chẳng nhẹ nhàng.

Trần Quang Thịnh - đó là bút danh đã thành danh trong làng báo, đi vào lòng bao thế hệ độc giả ở Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh. Còn những nơi dấu chân anh đã đến, thân quen như ở nhà - trong những xí nghiệp, ga tàu, bến cảng ở quận 1, quận 5, quận 6…, những căn chòi lá của các lão nông tri điền ở Hóc Môn, Củ Chi… để viết nên những bài báo có tựa đề với giai điệu thật tươi vui, háo hức “Vui từ trong nhà, vui ra chợ Tết”, “Người Anh hùng trên sông nước kể chuyện sông nước tạo anh hùng”…, - thì anh em, bà con chỉ giản dị kêu anh bằng cái tên thật trìu mến, thân thương: “Anh Tư!”. Và chắc chắn hôm nay, họ sẽ vô cùng thương nhớ con người thật gần gũi ngay từ lần gặp đầu tiên ấy đã trở về cát bụi trong không gian bao la này.

Nhớ nhà báo Trần Quang Thịnh - Những gam màu sáng của cuộc đời... ảnh 1

Nhà báo Trần Quang Thịnh (thứ 5 từ phải qua) trong chuyến công tác tại Nông trường Cao su Xà Bang, tỉnh Đồng Nai tháng 9-1984. Ảnh: T. L

20 năm công tác ở Báo Sài Gòn Giải Phóng (SGGP), tôi may mắn có một thời gian khá dài trực tiếp làm việc với anh. Đấy là những năm 1992-1997. Tổng Biên tập Báo SGGP lúc bấy giờ là nhà báo Vũ Tuất Việt. Phó Tổng biên tập là anh Dương Trọng Dật, còn anh là Thư ký Tòa soạn, chúng tôi là những biên tập viên còn rất non nớt.

Cuộc đời anh là một bằng chứng thật rõ ràng rằng, con người luôn phải vươn lên theo thiên hướng của mình, sống theo sự mách bảo của trái tim mình. Và anh - “ông chủ” cuộc đời mình luôn có những lựa chọn thật bản lĩnh những gam màu cho bức tranh cuộc sống. Không phải ai cũng có thể có sự lựa chọn để biến cái không thể trở thành có thể, cái phức tạp trở nên “đơn giản như không” giống anh nếu không có cách sống vô cùng sâu sắc: theo lương tâm và trái tim mình.

Vào năm 1995, một hôm tôi vừa biên tập xong một số bài chuẩn bị cho trang 2 số báo hôm sau, tôi mệt mỏi đưa tập bài cho anh, anh nhìn tôi, bảo: “Cứ sống như thế. Vô không mà thắng hữu không, em gái ạ!”. Thời gian trôi qua, càng ngày tôi càng thấm thía những lời nói ấy của anh - những lời chắt lọc từ gan ruột và trải nghiệm của chính anh. Thấm thía hơn cả là tình người, tình anh em, đồng nghiệp mà một bậc thầy, bậc đàn anh đã thấu hiểu, động viên, chia sẻ cho lớp đàn em trong nghề cũng như trong cuộc đời chẳng ai biết khi nào là vinh là nhục của mỗi con người.

Văn là người. Đọc những bài viết của anh, đặc biệt là những bài thuộc thể loại sổ tay trên trang 2 của SGGP những năm 90, có thể cảm nhận sự sắc sảo, tinh tế vô cùng của ngòi bút Trần Quang Thịnh. Dĩ nhiên, những gì anh thể hiện trên báo cũng chỉ là một phần rất nhỏ những gì trong cuộc sống anh đã thấy và hiểu rõ bằng góc nhìn của một nhà báo và tâm hồn của một nghệ sĩ. “Biết 100, viết chỉ 1 nhưng là 1 ẩn chứa giá trị của nhiều số 0 đằng sau nó” - Đấy cũng là điều anh vẫn thường nhắc những nhà báo trẻ chúng tôi mới vào nghề.

Rất nhiều lần tôi được nghe những lời khen của Tổng Biên tập Vũ Tuất Việt về những bài viết của anh: “Chỉ có nhà báo Trần Quang Thịnh mới nhìn ra và viết nên như thế”. Và tôi cũng may mắn nghe những lời anh bày tỏ sự kính trọng với cố nhà báo Vũ Tuất Việt: “Anh Hai thật tuyệt vời!”.

Anh là người có khá nhiều giai thoại trong làng báo, trong anh em cùng cơ quan. Những giai thoại ấy bao giờ cũng xuất phát từ việc có thật xảy ra trong cuộc sống của anh. Đôi khi, cũng chính anh tạo ra giai thoại với nhiều tình tiết có vẻ phức tạp, khác người nhưng anh luôn có cách ứng xử thật thông minh, nhẹ nhàng khiến anh em, bạn bè chỉ biết “chắp tay bái phục”.

Quả thật, nếu không hiểu, cứ nhìn qua cách anh sống, có thể nghĩ có lúc anh cứ như đánh liều cuộc đời mình trong một ván bài trôi nổi, nhưng thực chất anh lại rất có trách nhiệm với gia đình, vợ con, anh em, bè bạn… Có lần anh rủ chúng tôi ra thăm đứa con trai ở Bình Thuận. Lần ấy, anh đã uống say tới mức quên luôn chúng tôi lên xe về trước. Đến đêm tỉnh rượu, anh đã gọi điện xin lỗi chúng tôi mãi. Tôi cũng không ngờ, sáng hôm sau còn nhận được một lá thư thật dài có tựa đề “Thư xin lỗi” của anh. Không kể lúc nhậu vui với anh em, bạn bè, anh bao giờ cũng nói năng thật lịch sự, áo quần “cứng ly” thật “đẳng cấp”, khiến chúng tôi rất nể.

Có sinh có tử, ấy là quy luật của tạo hóa. Biết là như thế mà sao sống mũi vẫn cay sè khi nghe tin anh ra đi. Lúc còn sống, nhà báo Vũ Tuất Việt nói về anh: “Đây là một nhân sĩ thực sự, chúng ta phải học rất nhiều điều”. Xin được dùng lời nói ấy của cố nhà báo Vũ Tuất Việt như một nén hương thành kính nhớ về anh: Trần Quang Thịnh – anh Tư Thịnh - một nhà báo đàn anh của làng báo phía Nam! 

Theo HỒNG QUÂN (SGGP)
 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm