Nhiều nơi cũng lắp camera phòng xử nhưng chưa ‘phủ sóng’ hết

Từ 10 năm trước, ông đã cho tiến hành phát triển công nghệ thông tin tại TAND TP.HCM, xây dựng phần mềm phục vụ công tác quản lý, công tác chuyên môn, lắp camera tại nhiều phòng xử và hỗ trợ màn hình ngoài phòng xử. “Chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ đắc lực từ phía UBND TP.HCM. Chính Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà (lúc đó là giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông) đã quyết liệt hỗ trợ chúng tôi về kinh phí, mở lớp huấn luyện, đào tạo chuyên môn, cử các chuyên viên kỹ thuật giúp chúng tôi thực hiện” - ông Danh nói.

Theo ông Danh, mục đích đầu tiên TAND TP.HCM đặt ra khi áp dụng mô hình công nghệ thông tin là nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch, dân chủ. Lãnh đạo có thể kiểm soát được thái độ, cử chỉ, ngôn phong, tác phong, năng lực, trình độ và kỹ năng xét xử của các thẩm phán, HĐXX. Cạnh đó, việc lắp camera đã hỗ trợ tòa một phần trong việc sử dụng tư liệu làm một trong những nguồn chứng cứ giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến cán bộ và cũng là căn cứ xử lý hành vi vi phạm nội quy phiên tòa của đương sự.

Ngoài ra do phòng xử còn nhỏ nên cần trang bị màn hình ở ngoài để người dân không vào phòng xử được vẫn có thể ngồi ngoài theo dõi phiên tòa. Việc này vừa giúp người dân tiếp cận pháp luật, vừa tuyên truyền pháp luật qua các phiên tòa công khai. Ngoài việc lắp đặt camera, màn hình, tòa còn lập các ki-ốt điện tử để người dân tự truy cập văn bản pháp luật, thông tin về tình hình giải quyết đơn kiện, phòng xử, ngày xử…

Ông Nguyễn Hữu Trí (Chánh án TAND tỉnh Bình Phước) cho biết: “Trước đây TAND Tối cao có cấp kinh phí để chúng tôi lắp hệ thống camera ở một số phòng xử, hành lang tòa. Tuy nhiên, do kinh phí từ cao rót xuống còn hạn hẹp nên dù muốn chúng tôi cũng không thể lắp camera ở toàn bộ phòng xử”. Tương tự, ông Trương Văn Bình (Chánh án TAND tỉnh Cà Mau) nói: “Cũng muốn làm lắm nhưng kinh phí hoạt động không có nên đành chịu”.

Theo tìm hiểu của PV, không riêng gì Bình Phước hay Cà Mau, do thiếu kinh phí (đầu tư hệ thống và duy trì hoạt động) nên tòa án các địa phương đều không thể “phủ sóng” được hết camera tại tất cả phòng xử như tỉnh An Giang. Ngoài ra khác với An Giang, thông thường camera ở các tòa này cũng chỉ hoạt động trong một số phiên xử hình sự, còn các phiên xử dân sự… thì không.

PHAN THƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm