Nhì nhằng giám định tâm thần

Vụ án Đồng Đăng Phúc giết người tại TP.HCM phải kéo dài hơn năm năm vì các kết quả giám định tréo nhau, làm rối các cơ quan tố tụng. Bốn bản giám định pháp y đã dẫn bị cáo đi từ chỗ không có tội đến có tội một phần và cuối cùng là có tội hoàn toàn.

Khi có bệnh, khi không bệnh

Phúc là người lái xe cho vợ chồng anh L., vì vi phạm hợp đồng nên bị cho nghỉ việc không trả lương. Phúc không đồng ý nên nhiều lần đến đòi khoản tiền này. Chủ không chịu trả nên Phúc đã đột nhập vào nhà giết chết nạn nhân.

Sau khi bị bắt vào trại giam, Phúc bỗng dưng phát bệnh tâm thần. Giám định lần một kết luận Phúc bị bệnh tâm thần phân liệt, không chịu năng lực trách nhiệm hình sự và cần đưa đi chữa bệnh một thời gian. Lần thứ hai cho kết quả, Phúc phải được cho đi… chữa bệnh. Tuy nhiên, đến lần ba thì Phúc bị rối loạn nhân cách do sử dụng rượu, đề nghị được giảm một phần trách nhiệm hình sự. Từ đó, Phúc bị tòa tuyên án chung thân.

Nhưng tại phiên phúc thẩm, HĐXX lại nhận thấy ba bản giám định đều cho rằng Phúc mắc bệnh tâm thần nhưng mâu thuẫn nhau. Đặc biệt hơn, bị cáo tâm thần lại quá tỉnh táo trả lời mọi câu hỏi nên tòa hủy án, điều tra lại. Và kết quả giám định lần bốn cho thấy Phúc hoàn toàn bình thường, không hề mắc bệnh tâm thần trước, trong và sau khi gây án. Với kết luận này, cuối cùng cấp phúc thẩm đã tuyên Phúc án tử hình.

Trên thực tế, những chuyện tương tự như vụ này không thiếu khiến cho việc xử lý án kéo dài và lắm gian nan.

Nhì nhằng giám định tâm thần ảnh 1

Không thể quy trách nhiệm

Tuy nhiên dù các kết quả giám định tâm thần khi trên trời, khi dưới vực… thì cuối cùng trách nhiệm của người giám định đều giống nhau là vô can, vui vẻ cả làng.

Luật cũng chỉ quy định người giám định là người có kiến thức cần thiết về lĩnh vực giám định để thực hiện việc giám định. Sự quy định này là thiếu chặt chẽ dẫn đến nhiều thiếu sót nhưng không thể chế tài. Thậm chí có những sai sót lớn nhưng cũng không truy cứu trách nhiệm hình sự được.

Tuy nhiên, nói đi thì cũng nói lại, đứng ở góc độ người giám định, nhiều giám định viên pháp y tâm thần luôn than phiền việc họ đang rất thiếu cơ sở vật chất để xác định bệnh tật. Hơn nữa, nhiều trường hợp không dễ để phát hiện ra người bị bệnh tâm thần trong ngày một, ngày hai mà bác sĩ phải theo dõi, tìm hiểu kỹ lưỡng thói quen, cách sinh hoạt, cách nghĩ của họ. Ứng vào hiện nay thì quả đúng là các bác sĩ không có đủ thời gian để theo dõi người bệnh thật. Công việc này hiện không khác nào... “thầy bói xem voi, sờ đâu phán đó” chứ không có điều kiện chiêm nghiệm kỹ càng. Vì thế, việc quy trách nhiệm giám định cho họ e rằng chỉ càng làm khổ thân cho các giám định viên tâm thần.

Đang chữa bệnh nhưng vẫn… bình thường

Cơ quan tố tụng tỉnh Hưng Yên cũng đã đau đầu vì kết quả giám định tâm thần của một kẻ trộm. Trước đó, Nguyễn Trọng Huy đến một cửa hàng vàng, thấy chủ đang loay hoay dọn dẹp phía trong nên sinh tà ý. Huy đã mở tủ vơ vàng, bỏ đi và sau đó bị bắt.

Vào cuộc, cơ quan điều tra lúng túng bởi kẻ trộm này đã có ba lần phạm pháp nhưng đều chưa bị xử lý hình sự vì bị bệnh, không đủ năng lực chịu trách nhiệm. Trong thời điểm trộm vàng này, Huy vẫn đang là bệnh nhân được điều trị bắt buộc tại bệnh viện tâm thần.

Dù vậy, Công an thị xã Hưng Yên vẫn trưng cầu giám định tâm thần cho Huy để xác định xem bệnh tình này là thật hay trá. Thật bất ngờ, kết quả giám định mới cho thấy Huy hoàn toàn bình thường, đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Sau đó, TAND thị xã Hưng Yên tuyên phạt ba năm tù.

Thôi miên giúp phục hồi trí nhớ

Tại Nga, nhiều nơi còn sử dụng thuật thôi miên để điều tra tội phạm. Đơn cử như nhờ thôi miên một nhân chứng, cảnh sát bắt được một tên giết người hàng loạt nhiều năm liền sống ngoài vòng pháp luật.

Thông thường các nhân chứng bị sốc mạnh nên nhất thời không nhớ được nhân dạng và đặc điểm của tên tội phạm. Khi bị thôi miên, các nhân chứng sẽ phục hồi trí nhớ, có thể nhớ lại tất cả sự kiện trong quá khứ. Người bị thôi miên cũng có thể tưởng tượng hoặc cảm xúc theo sự sai khiến của người thôi miên qua giọng nói.

Ngày nay, ở nhiều phòng thí nghiệm của các nước tiên tiến trên thế giới, các nhà khoa học còn nghiên cứu áp dụng khả năng ngoại cảm, cũng như ứng dụng những hiểu biết về thế giới tâm linh vào việc điều tra tội phạm.

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm