Nhân chứng khai báo gian dối: Khó khởi tố?

Bộ luật Hình sự có quy định về tội khai báo gian dối nhưng để xử lý họ lại không hề đơn giản…

Do có mâu thuẫn từ trước, sáng 25-2-2012, tại TP Đà Nẵng, ông M. đã tới quán cà phê của chị gái (mẹ của Hồ Tấn Hoàng) gây sự rồi đập phá bàn ghế nên bị công an xử phạt hành chính. Chiều cùng ngày, Hoàng về nhà thấy người cha đứng khóc ngoài ngõ, kể rằng bị ông M. đánh. Sau đó bà ngoại của Hoàng cũng kể rằng người cậu đập phá đồ đạc và đánh cha mẹ Hoàng.

Trước sau bất nhất

Tức giận, Hoàng đã nhờ mẹ gọi điện thoại cho người cậu tới nói chuyện, đồng thời thủ sẵn một con dao với ý định sẽ hù dọa cậu. Thế nhưng khi người cậu vừa tới, Hoàng lại nổi nóng dùng tuýp sắt trong quán của mẹ đập vào xe máy của cậu. Bị người cậu đánh lại, Hoàng dùng dao đâm liên tiếp ba nhát khiến nạn nhân tử vong.

Hoàng bị khởi tố về tội giết người. Trong quá trình cơ quan điều tra giải quyết vụ án, hầu hết các nhân chứng đều khai nhìn thấy mẹ của Hoàng cầm một gậy sắt giơ cao và hét toáng lên đe dọa là: “Tao giết mày, tao giết mày”. Tuy nhiên, sau đó họ lại thay đổi lời khai cho rằng không nhìn thấy mẹ Hoàng cầm cái gì cả.

Ra tòa, gần 10 nhân chứng lại tiếp tục thay đổi lời khai, nói không biết, không nhìn thấy ai đánh ai cả mà khi ra chỉ nhìn thấy nạn nhân đã nằm gục xuống đất chết từ lúc nào không hay. Có nhân chứng thì khai không hề nhìn thấy đánh nhau, khi trời tối ra đường thì nhìn thấy có người nằm gục, khi lại gần mới biết nạn nhân đã chết... Chính vì những lời khai bất nhất này mà các cơ quan tố tụng ở Đà Nẵng đã tốn không ít thời gian xử lý vụ án.

Vụ khác, Nguyễn Văn Bộ bị VKS huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) truy tố về tội hiếp dâm, cướp tài sản. Trong hồ sơ vụ án có lưu một tờ giấy điều trị của nạn nhân được lập tại Trạm y tế thị trấn Hương Canh (Bình Xuyên) vào lúc 14 giờ 20 ngày 7-8-2011. Nội dung giấy thể hiện dấu vết để lại trên cơ thể nạn nhân do hung thủ hãm hiếp. Trong khi đó, Bộ luôn kêu oan rằng không hiếp dâm, cướp tài sản mà giữa hai người chỉ xảy ra va chạm giao thông.

Nhân chứng khai báo gian dối: Khó khởi tố? ảnh 1

Trên thực tế, nhiều vụ án phải trả hồ sơ liên tục để điều tra bổ sung hay điều tra lại vì lời khai của nhân chứng. Ảnh minh họa: HTD

Tại phiên tòa sơ thẩm lần hai (6-6-2012), nạn nhân khẳng định chiều 7-8-2011, bà không đến Trạm y tế thị trấn Hương Canh khám. Y sĩ trạm y tế cũng có lời chứng là không vào trạm y tế khám thời điểm đó. Thế nhưng chỉ sau khi tòa tạm nghỉ và trở lại làm việc, cả nạn nhân lẫn nhân chứng đều bất ngờ thay đổi lời khai là nạn nhân có khám tại trạm y tế vào chiều 7-8-2011. Trước sự việc này, thêm một lần nữa, tòa đã không thể kết tội được bị cáo mà phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Khó chứng minh lỗi cố ý

Chuyện nhân chứng khai báo tiền hậu bất nhất làm khó cơ quan tố tụng như trên xảy ra khá phổ biến. Trên thực tế đã có rất nhiều vụ án phải trả hồ sơ liên tục để điều tra bổ sung hay điều tra lại vì lý do này.

Theo Điều 307 Bộ luật Hình sự, người làm chứng nào mà khai gian dối hoặc cung cấp những tài liệu mà mình biết rõ là sai sự thật thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp có tổ chức hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Luật quy định như vậy nhưng nhiều chuyên gia cho biết để xử lý hình sự nhân chứng về tội khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật không đơn giản bởi rất khó chứng minh họ cố tình làm như vậy để che giấu sự thật.

Theo hai luật sư Hoàng Cao Sang và Trần Ngọc Quý (Đoàn Luật sư TP.HCM), để xử lý hình sự thì cơ quan tố tụng phải chứng minh cho được là người khai bất nhất vì có dụng ý, cố tình khai báo lung tung, sai sự thật để che giấu những gì mình biết trong vụ án. Trong khi đó, nhiều trường hợp, nhân chứng ban đầu khai báo một đằng, về sau khai một nẻo rồi liên tục thay đổi lời khai. Tuy nhiên, cũng có thể chỉ vì họ còn hoang mang, không nhớ kỹ nên khai báo có thiếu sót, sơ hở. Sau đó có thời gian, họ bình tĩnh lại, nhìn nhận chính xác, toàn diện hơn nên khai báo khác. Hoặc họ không phải là người hiểu biết tường tận vụ án, chỉ khai theo ý kiến chủ quan của cá nhân chứ không phải cố tình che giấu sự thật...

Nghi án đổi tài gây tai nạn

Ngày 5-1-2008, sau khi uống rượu, Trần Xuân Viên rủ nhóm bạn đi ăn sáng. Võ Văn Phương (không đội mũ bảo hiểm) đã chở Viên (đội mũ bảo hiểm màu nâu). Chạy được một đoạn, Phương đổi tay lái cho Viên. Do say rượu, không làm chủ tốc độ, Viên tông vào một xe chạy cùng chiều khiến một người bị chấn thương sọ não chết.

Viên vẫn bị khởi tố về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Quá trình điều tra, Viên bảo hoàn toàn không hay biết gì về vụ tai nạn. Viên không phải là người cầm lái, khi được Phương chở, Viên đã ngủ, mở mắt ra thì thấy mình nằm trong bệnh viện.

Vụ án kéo dài do liên tục phải hoãn để xác minh. Tháng 9-2010, TAND tỉnh Bến Tre xử sơ thẩm đã dựa vào lời khai của một nhân chứng quan trọng để phạt Viên ba năm tù. Viên kháng cáo kêu oan, cho rằng nhân chứng này khai gian dối, trước sau không thống nhất. Mặt khác, Phương cùng các nhân chứng khác là bạn của hai người đã đồng lõa đổ tội cho Viên vì tưởng lúc đó Viên đã chết...

Tại phiên phúc thẩm, đại diện VKS đã đề nghị hoãn phiên tòa bởi trong vụ án, một số nhân chứng có dấu hiệu khai báo gian dối, vắng mặt không lý do. Trong trường hợp cần thiết, yêu cầu tòa ra lệnh áp giải nhân chứng đến phiên tòa để việc xét xử được khách quan, công bằng. Đồng tình, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã quyết định hoãn xử.

Không dễ xử lý

Muốn xử lý hình sự nhân chứng về tội khai báo gian dối thì phải chứng minh được là họ có cố tình hay không. Đây là việc rất khó vì nó thuộc về ý thức của nhân chứng. Họ phủ nhận, nói rằng không nhớ hết, khi nhớ khi không, khi nhớ thế này, lúc khác bình tâm lại nhớ ra cái khác… thì không thể kết luận được. Vì vậy, thông thường cơ quan tố tụng chỉ xử lý hình sự khi chứng minh được lời khai của họ rõ ràng là bịa đặt, cung cấp chứng cứ sai lệch sự thật, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quá trình xét xử...

Kiểm sát viên TRẦN VĂN HUY, VKSND quận Sơn Trà
(TP Đà Nẵng)

Phải thận trọng

Theo tôi, ranh giới giữa có tội hay không trong tội danh này rất mỏng manh. Chứng minh lời khai của nhân chứng trước sau bất nhất hay không đúng sự thật thì dễ nhưng chứng minh họ cố ý làm như vậy lại rất khó. Do đó, phải thận trọng để tránh làm oan.

Một thẩm phán TAND quận Hải Châu (TP Đà Nẵng)

DƯƠNG HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm