Nhà báo dự tòa không phải xin phép

Sáng 10-4, TAND Tối cao đã tổ chức phiên họp lấy ý kiến về dự thảo Thông tư ban hành nội quy phiên tòa (mới nhất).

Chỉ xuất trình thẻ nhà báo

Theo Viện trưởng Viện Khoa học xét xử TAND Tối cao Lê Văn Minh, tiếp thu góp ý của báo chí, dự thảo mới nhất đã bãi bỏ quy định nhà báo muốn tham dự phiên tòa để đưa tin, đưa ảnh phải được sự đồng ý của chánh án hoặc thẩm phán. Thay vào đó, quy định trên được chỉnh lý như sau: “Nhà báo tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa phải xuất trình thẻ nhà báo và chấp hành đúng hướng dẫn của thư ký phiên tòa về khu vực tác nghiệp”.

Như vậy quy định mới này đã có bước tiến lớn, khẳng định quyền tham dự phiên tòa xét xử công khai của nhà báo không còn bị giới hạn, phụ thuộc vào sự đồng ý hay không đồng ý từ phía chánh án hay thẩm phán. Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT) Nguyễn Thái Thiên phấn khởi: “Tôi rất mừng vì dự thảo đã sửa đổi nhiều, phù hợp với các quy định về báo chí hơn. Dự thảo trước bắt phóng viên dự tòa phải xin phép thì bây giờ đã sửa. Hoạt động báo chí tuy có những anh em còn chưa chấp hành đúng quy định, nội quy nhưng nhìn chung đã có những phản ánh đóng góp cho xã hội rất tích cực”.

Đề xuất phải có hai loại giấy, nên chăng?

Trong khi TAND Tối cao đã tiếp thu các góp ý và sửa quy định như trên thì ông Hà Minh Huệ (Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam) lại đề xuất: “Nhà báo dự phiên tòa phải xuất trình cả hai thẻ nhà báo và giấy giới thiệu công tác”. Ông Huệ lý giải: Việc xuất trình cùng lúc hai loại giấy này nhằm tránh trường hợp nhà báo có thẻ nhưng không được báo đài phân công thì đến dự tòa tác nghiệp làm gì.

 
Các nhà báo đợi trước cửa phòng xử án TAND TP.HCM để đưa tường thuật một phiên tòa. Ảnh: HTD

Ủng hộ phương án “dự tòa phải có hai giấy”, ông Nguyễn Thái Thiên nhấn mạnh giấy giới thiệu của cơ quan báo chí cấp cho nhà báo phải ghi rõ nội dung là dự phiên tòa đó: “Có một số báo cấp giấy giới thiệu chung là đi công tác khu vực miền Trung, miền Tây, không lẽ đi ngang rồi cũng ghé vào dự tòa? Còn nhà báo viết mảng văn hóa, nông nghiệp… không được báo phân công thì vào dự tòa làm gì?”.

Ngoài ra, ông Huệ và ông Thiên còn khẳng định các trang tin điện tử không phải cơ quan báo chí nên đương nhiên không có quyền tác nghiệp báo chí. Cũng vì vậy mà hai ông mới đề xuất thêm giấy giới thiệu công tác để đảm bảo chặt chẽ, tăng cường trách nhiệm của nhà báo dự đưa tin phiên tòa.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều nhà báo cho biết không ủng hộ đề xuất “dự tòa phải có hai giấy” nói trên vì không cần thiết, chỉ làm khổ các nhà báo về mặt giấy tờ hành chính. Thực tiễn hoạt động báo chí hiện nay, với các phóng viên chưa đủ thời hạn cấp thẻ nhà báo, các tờ báo vẫn thường cấp giấy giới thiệu công tác để họ liên hệ tham dự phiên tòa. Do đó hợp lý nhất là sửa quy định như sau: “Nhà báo tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa phải xuất trình thẻ nhà báo hoặc giấy giới thiệu công tác của cơ quan báo chí và chấp hành đúng hướng dẫn của thư ký phiên tòa về khu vực tác nghiệp”.

Ghi âm, ghi hình phải xin phép?

Bên cạnh đó, dự thảo quy định: “Việc ghi âm, ghi hình về diễn biến phiên tòa chỉ có thể được tiến hành khi được sự đồng ý của HĐXX theo quy định tại khoản 2 Điều 211 BLTTDS”.

Ông Nguyễn Thái Thiên lo lắng: “Anh em phóng viên nếu không được mang, sử dụng máy ghi âm, máy chụp ảnh thì vô tình mất đi phương tiện hành nghề, như nông dân ra đồng mà không được mang trâu, mang bừa thì sao đi cày. Đây là phiên tòa công khai, nhà báo không giống những người tham dự phiên tòa khác nên không thể áp dụng chung quy định này”.

Ông Hà Minh Huệ đồng tình: “Luật Báo chí và Nghị định 51 cho phép nhà báo được tác nghiệp lấy tin, chụp ảnh, quay phim, ghi âm tại các phiên tòa xét xử công khai… theo quy định của pháp luật. Vì vậy nội quy phiên tòa cũng nên xem xét, quy định sao cho phù hợp”.

Viện trưởng Viện Khoa học xét xử Lê Văn Minh giải thích: Nhà báo ghi âm, ghi hình diễn biến phiên tòa phải theo quy định của pháp luật mà BLTTDS đã quy định như thế thì mọi người tham dự phiên tòa phải tuân thủ, không thể khác được, nếu muốn sửa trước hết phải sửa luật. Còn Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn cho biết: “TAND Tối cao cũng đang rất vướng, rất khó nghĩ với quy định này. Tuy BLTTDS trao quyền cho HĐXX quyết định việc ghi âm, ghi hình nhưng quyền con người, quyền nhân thân được hiến pháp bảo đảm. Vậy nếu tòa cho phép ghi âm, ghi hình, tức là giới hạn quyền nhân thân, quyền con người, quyền công dân thì có bị vi hiến hay không?”.

Chúng tôi đã đem vấn đề này trao đổi với một số đồng nghiệp, chuyên gia và nhận được nhiều ý kiến thắc mắc: Pháp luật tố tụng dân sự áp dụng cho các phiên tòa dân sự, hôn nhân gia đình… Nhưng với phiên tòa hình sự thì không thể áp dụng BLTTDS mà phải áp dụng BLTTHS. Trong khi đó, BLTTHS lại không hề quy định nhà báo chỉ được ghi âm, ghi hình về diễn biến phiên tòa khi được sự đồng ý của HĐXX. Do đó việc TAND Tối cao dựa vào quy định của BLTTDS để áp dụng chung cho tất cả phiên tòa là chưa ổn.

BÌNH MINH

 

Phải xuất trình với cảnh sát bảo vệ?

Mọi người tham dự phiên tòa đều phải xuất trình giấy tờ để kiểm tra nhằm đảm bảo an ninh trật tự phiên tòa. Do vậy, đề nghị bổ sung quy định “nhà báo dự phiên tòa phải xuất trình giấy tờ với lực lượng cảnh sát bảo vệ phiên tòa”.

Đại diện Cục Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp - Bộ Công an

Không nên chung chung

Hội Nhà báo có quy định về đạo đức nghề nghiệp, cũng có quy định cấm đưa tin xâm phạm đời tư. Nhà báo phải thực hiện đúng quy định nên không cần quá lo về việc tác nghiệp xâm phạm quyền nhân thân, nếu sai thì xử lý. Cần quy định rõ khi nào được ghi âm, ghi hình tại phiên tòa, khi nào thì không. Quy định chung chung “phải được sự đồng ý của HĐXX” thì mông lung, mơ hồ, cảm tính lắm.

Ông NGUYỄN THÁI THIÊN, Phó Cục trưởng Cục Báo chí - Bộ TT&TT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm