“Nhà báo đăng ký để được hỗ trợ tác nghiệp”

Liệu quy định này có làm khó nhà báo? Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với ông Lê Văn Minh (Viện trưởng Viện Khoa học xét xử TAND Tối cao - thành viên Ban soạn thảo).

Ông Lê Văn Minh (ảnh) cho rằng dự thảo nội quy phiên tòa quy định như trên không nhằm hạn chế quyền tác nghiệp của báo chí tại phiên tòa. Ông lý giải: Dự thảo khẳng định nguyên tắc phiên tòa được tổ chức công khai, trừ trường hợp cần giữ bí mật Nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự. Trong các phiên tòa xét xử công khai, nhất là các phiên tòa xét xử lưu động, người dân vẫn đến xem bình thường thì không có lý do gì hạn chế nhà báo dự, đưa tin. Tòa cũng cần báo chí thông tin hoạt động xét xử để tuyên truyền luật pháp.

Đăng ký để được hỗ trợ tác nghiệp?

. PV: Thưa ông, nếu như vậy thì tại sao lại bắt nhà báo, phóng viên muốn tham dự phiên tòa phải được sự đồng ý của chánh án tòa án hoặc thẩm phán chủ tọa phiên tòa?

+ Viện trưởng Lê Văn Minh: Nếu tham dự phiên xử với tư cách nhà báo, phóng viên thì phải đăng ký, xuất trình giấy tờ chứng minh để được bố trí một số điều kiện tác nghiệp thuận lợi: Khu vực tác nghiệp, vị trí ghi âm, ghi hình. Việc nhà báo đăng ký dự phiên tòa cũng chính là vì quyền lợi của họ trong quá trình tác nghiệp sẽ được tòa án đảm bảo, khác với một người dân bình thường dự phiên tòa. Phòng xử trang nghiêm, không phải bất cứ người dân nào cũng được phép đi lại, chụp ảnh. Nhà báo đăng ký và được chấp thuận thì phía tòa án có trách nhiệm bố trí điều kiện để họ tác nghiệp và họ cũng phải tuân thủ theo sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa để không ảnh hưởng đến phiên xử tôn nghiêm.

Trong một số phiên xử đặc biệt, do số lượng người tham dự quá đông mà phòng xử có giới hạn thì việc nhà báo đăng ký để được bố trí vào khu vực xét xử là cần thiết.

 
Các phóng viên đang tác nghiệp tại một phiên tòa ở TAND TP.HCM. Ảnh: HTD

. Như vậy, việc nhà báo đăng ký tác nghiệp và được sự đồng ý của tòa chỉ thực sự cần thiết trong một số trường hợp đặc biệt để hưởng điều kiện tác nghiệp. Thế nhưng quy định trên không nêu rõ “trong một số trường hợp cần thiết” nên có thể dẫn đến cách nghĩ “nhà báo dự tòa phải được cấp phép - đồng ý” và lo ngại sẽ bị áp dụng cứng nhắc quá mức?

+ Đây là dự thảo, được công bố để nhận ý kiến đóng góp của toàn xã hội. Nếu có những cách nghĩ khác, ý kiến góp ý, chúng tôi sẽ tiếp thu, nghiên cứu để chỉnh lý phù hợp hơn.

Thực tế, nhiều phiên xử công khai hiện nay một số nhà báo vào phòng xử như những người dân khác, không có đăng ký và cũng không bị ngăn trở. Còn theo phép lịch sự, “đến nhà ai muốn được tiếp đón thì cũng nên chào một câu”. Việc nhà báo đến tòa, trình thẻ, đăng ký đâu có gì khó khăn mà được nhiều lợi ích trong tác nghiệp thì có gì phải ngại, mà rất nên làm vì quyền lợi chính mình.

Từ chối phải có lý do chính đáng?

. Nếu nhà báo đăng ký mà không được sự đồng ý của chánh án hoặc chủ tọa phiên tòa thì sao, thưa ông?

+ Có thể có xảy ra trường hợp như vậy. Vì tòa cũng sẽ xem xét để đồng ý hay giới hạn việc nhà báo tham dự, đưa tin, chụp ảnh trong một số vụ án “nhạy cảm”, cần xử “kín” liên quan đến thuần phong, mỹ tục, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, vì bí mật quốc gia... Dự thảo quy định này cũng nêu rõ “… tuân thủ đúng các quy định của Luật Báo chí và các văn bản hướng dẫn thi hành” nên chắc chắn không thể có chuyện từ chối nhà báo dự phiên tòa mà không có lý do chính đáng.

. Hiện chỉ có thẻ nhà báo do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp được chính thức công nhận là thẻ hành nghề của nhà báo. Những trường hợp phóng viên chưa đủ điều kiện được cấp thẻ nhà báo được tòa soạn cấp giấy giới thiệu, còn thẻ phóng viên đã bị “tuýt còi”. Việc quy định như dự thảo “xuất trình thẻ phóng viên” là chưa phù hợp với các quy định hiện hành?

+ Thực tế, thời gian qua có một số phóng viên đến tòa xuất trình thẻ phóng viên. Dự thảo quy định theo hướng “mở rộng” ngoài thẻ nhà báo cũng nhằm tạo thuận lợi cho các phóng viên đến tòa. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tiếp thu và sửa đổi nội dung này trong dự thảo trên tinh thần tuân thủ các quy định của Luật Báo chí và các văn bản hướng dẫn thi hành.

. Xin trân trọng cảm ơn ông.

BÌNH MINH thực hiện

 

Không nên quy định xin phép - cấp phép

Điều 8 Nghị định 51/CP ngày 26-2-2002 đã quy định rõ quyền của nhà báo là “được hoạt động tác nghiệp lấy tin, chụp ảnh, quay phim, ghi âm tại các phiên tòa xét xử công khai, được dành chỗ ngồi riêng, được liên lạc trực tiếp với các thẩm phán, luật sư để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật”. Đây là quy định gốc nhằm đảm bảo thông tin phiên tòa xét xử công khai đến công chúng. Tuy nhiên, thực tế do phòng xử không rộng, có thể số lượng các nhà báo vào dự không được nhiều nên có sự giới hạn. Do vậy, tòa án có thể quyết định số lượng nhà báo vào phòng xử cho phù hợp với điều kiện thực tế nhưng không nên có quy định xin phép - cấp phép tham dự phiên tòa.

Mặt khác, Luật Báo chí hiện hành chỉ quy định duy nhất một loại thẻ nhà báo, không có loại thẻ nào khác như thẻ phóng viên. Nếu dự thảo nội quy phiên tòa có quy định về thẻ phóng viên thì không phù hợp, cần phải sửa đổi.

Ông NGUYỄN VĂN HIẾU, Trưởng phòng Pháp luật chính sách - Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông

Quy định đang gây tranh cãi

Các nhà báo, phóng viên được tham dự phiên tòa để đưa tin, đưa hình khi được sự đồng ý của chánh án tòa án nơi giải quyết vụ án hoặc thẩm phán chủ tọa phiên tòa nhưng phải xuất trình thẻ nhà báo, thẻ phóng viên cho thư ký phiên tòa tại bàn thư ký chậm nhất là 15 phút, trước giờ khai mạc phiên tòa; chấp hành đúng hướng dẫn của thư ký phiên tòa về khu vực tác nghiệp, vị trí đặt máy ghi âm, ghi hình; chấp hành sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa trong thời gian diễn ra phiên tòa; tuân thủ đúng các quy định của Luật Báo chí và các văn bản hướng dẫn thi hành.

(Theo khoản 5 Điều 2 dự thảo nội quy phòng xử án)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm