Người tâm thần ly hôn: Tòa chỉ định người giám hộ

Cụ thể: Nếu để vợ hoặc chồng người bệnh làm người giám hộ thì không đảm bảo công bằng vì quyền lợi đối lập nhau. Mặt khác, tòa cũng không thể cử người khác làm người giám hộ bởi luật quy định tòa chỉ được làm việc này khi người bệnh chưa có người giám hộ đương nhiên. Chưa kể, có người còn phân vân rằng ly hôn là một quyền nhân thân, phải do chính đương sự thực hiện…

Theo khoản 1 Điều 22 Bộ luật Dân sự, khi chồng (hoặc vợ) bị mắc bệnh tâm thần thì người bạn đời của họ có quyền yêu cầu tòa tuyên bố là người bệnh bị mất năng lực hành vi dân sự. Nếu đã có quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự của tòa, lúc này người bạn đời sẽ là người giám hộ đương nhiên cho người bệnh (khoản 1 Điều 62 Bộ luật Dân sự). Người bạn đời sẽ là người đại diện theo pháp luật cho người bệnh khi tham gia vào các quan hệ pháp luật (khoản 2 Điều 141 Bộ luật Dân sự).

Khi người bạn đời nộp đơn ra tòa làm thủ tục xin ly hôn với người bệnh thì người bạn đời có hai tư cách: Vừa là nguyên đơn vừa là người đại diện cho người bệnh (bị đơn). Đây là trường hợp không được làm người đại diện trong một vụ án vì quyền lợi hai bên rõ ràng là đối lập nhau (khoản 1 Điều 75 Bộ luật Tố tụng dân sự).

Như vậy, người bạn đời của người bệnh sẽ không thể trở thành người đại diện tham gia tố tụng cho người bệnh khi chính họ có yêu cầu ly hôn. Vậy ai sẽ đóng vai trò là người đại diện cho người bệnh trong trường hợp đặc biệt này? Theo tôi, một khi tòa đã thụ lý vụ ly hôn theo yêu cầu của người bạn đời của người bệnh thì căn cứ vào Điều 76 Bộ luật Tố tụng dân sự, chính tòa sẽ chỉ định người đại diện: “Trong khi tiến hành tố tụng dân sự, nếu có đương sự là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà không có người đại diện hoặc người đại diện theo pháp luật của họ thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 75 của bộ luật này thì tòa án phải chỉ định người đại diện để tham gia tố tụng tại tòa án”.

Vấn đề là sau đó tòa nên chỉ định người đại diện là những người có mối liên hệ thân thích với người bệnh để làm sao bảo vệ được tốt nhất quyền lợi hợp pháp cho người bệnh.

QUANG NGHỊ, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Thái Bình

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm