Người sở hữu kỷ vật của gần 100 vị tướng

Từ thói quen “săn” tin buồn trên báo

Sưu tập từ năm 12 tuổi, những thứ đầu tiên anh có chính là vài tờ tiền giấy Việt Nam Dân chủ cộng hòa phát hành năm 1959. Đến những năm 1992, 1993 anh mới bắt đầu sưu tập huân, huy chương. Ban đầu chỉ là những tấm Huy chương Chiến sĩ vẻ vang.

Sau gần 20 năm, số lượng huân, huy chương anh Việt sở hữu đã lên tới con số hàng nghìn chiếc, gần đủ các loại theo danh mục, cùng với hơn 100 bằng huân chương, bằng huy chương.

Người sở hữu kỷ vật của gần 100 vị tướng ảnh 1

Bộ quân hàm và cầu vai kiểu cũ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bốn huy hiệu, huy chương của Thượng tướng Lê Khả Phiêu

Tính đến thời điểm hiện tại, nhà sưu tập Trần Vương Việt đang lưu giữ hơn 4.300 chiếc huân, huy chương, kỷ niệm chương Việt Nam với hơn 350 loại khác nhau. Bộ sưu tập này không ngừng được tăng lên, trung bình một năm anh lại “nạp” thêm khoảng 300 chiếc huân, huy chương, kỷ niệm chương mới cho bộ sưu tập của mình. Không chỉ sưu tập huân, huy chương, anh Việt còn sưu tập lưu bút, kỷ vật của các tướng lĩnh.

Giờ đây, anh đã có đủ đại diện 25 loại phù hiệu gắn trên quân hàm và nhiều bộ quân hàm cầu vai của các cấp bậc học viên, binh nhì đến đại tướng của các quân chủng, ngành, lực lượng trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

Anh Việt tâm sự, ban đầu sở thích sưu tập huân chương của anh mới chỉ dừng lại ở “lượng”, tức là anh chỉ nghĩ đến việc tìm kiếm thật nhiều huân, huy chương. Nhưng đến khi đã tích lũy được một khoản “vốn” kha khá rồi, anh mới nghĩ đến chuyện tăng cường “chất” bằng cách chủ động tìm kiếm những kỷ vật độc đáo.

Anh kể, khi đọc Báo Nhân dân, anh thường lật nhanh đến trang báo cuối cùng để tìm tin tức cũng như địa chỉ của những người mới khuất, xem tiểu sử của họ, nếu thấy cần thiết thì sẽ cắt giữ lại. Rồi khi có điều kiện anh lặn lội tìm tới những địa chỉ đó và đặt vấn đề… xin kỷ vật. Lâu dần thành quen, chuyện quan tâm đến “tin buồn” trên các báo đã vô tình trở thành thói quen của anh từ lúc nào không hay.

… Đến bộ sưu tập

Hơn 20 năm “trong nghề”, tính đến nay anh Việt đã từng gặp và xin được huân, huy chương, kỷ vật và lưu bút của gần 100 tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam, một số kỷ vật còn có chữ ký của các tướng lĩnh. Đây là một trong những bộ sưu tập mà anh tâm đắc nhất. Trong số những hiện vật mà anh Việt coi như báu vật, có bộ quân hàm và cầu vai kiểu cũ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bốn huy hiệu, huy chương của Thượng tướng Lê Khả Phiêu.

Người sở hữu kỷ vật của gần 100 vị tướng ảnh 2

Nhà sưu tập Trần Vương Việt bên bộ sưu tập bằng khen, huân chương

Về bộ quân hàm, cầu vai của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, anh Việt đã phải mất rất nhiều công sức. Đầu tiên, anh tìm địa chỉ nhà của Đại tướng, sau một số lần hẹn gặp, anh đã được tiếp xúc với Đại tá Nguyễn Huyên - người hơn 40 năm làm trợ lý cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Anh Việt kể: “Lúc đầu khi trình bày nguyện vọng muốn xin một tấm bằng huân chương hay bằng huy chương của Đại tướng để lưu giữ làm kỷ niệm, các nhân viên làm việc trong Văn phòng Đại tướng lúc bấy giờ rất ngạc nhiên. Bởi lẽ người đến thăm và làm việc tại Văn phòng Đại tướng không phải là ít nhưng hiếm ai có những ý định kỳ lạ như của tôi. Nhưng rất may mắn, khi trình bày về mong muốn của tôi thì Văn phòng Đại tướng đã nhiệt tình giúp đỡ và tạo điều kiện cho tôi”.

Số huy hiệu và huy chương của Thượng tướng Lê Khả Phiêu lại là một sự tình cờ và may mắn khác. Lần đầu tiên khi anh tìm đến nhà đồng chí Lê Khả Phiêu với mong muốn xin lưu bút cho bộ sưu tập “Lưu bút của các tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam”. Anh rất ngạc nhiên và không ngờ được rằng chính đồng chí Phiêu là người gợi ý một hướng mới phát triển về “chất” cho bộ sưu tập của mình: Đó là ngoài những chữ ký nên xin thêm những hiện vật gắn liền với các vị tướng đó, bởi lẽ chúng sẽ là những hiện vật có giá trị, có tính tuyên truyền, thuyết phục cao khi trưng bày bộ sưu tập. Thượng tướng Lê Khả Phiêu đã chủ động tặng anh Việt 4 chiếc huy chương, huy hiệu.

Và như vậy, bộ sưu tập lưu bút và kỷ vật của các vị tướng cứ thế “dày” lên với nhiều hiện vật có giá trị như chiếc la bàn của Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Ngọc Lan - người phi công đầu tiên bắn rơi máy bay Mỹ xâm lược miền Bắc, giấy chứng nhận được tặng Kỷ niệm chương của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Bằng Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng của Thiếu tướng Doãn Sửu…

Và một phần không thể không nhắc đến trong bộ sưu tập giá trị của anh đó chính là những hiện vật của một số cá nhân trưởng thành từ đội viên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam: Bằng và Giấy chứng nhận Huân chương Kháng chiến hạng Nhất của cố Thượng tướng Vũ Lập, lưu bút của Thiếu tướng Hùng Tân, lưu bút và ảnh chân dung của hai ông Hà Hưng Long, Tô Năng Cắm…          

Theo Vô Hà - Tùng Yến (ANTĐ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm