Người chưa thành niên phạm luật, xử lý sao?

Bình thường ai cũng biết “làm sai pháp luật thì có thể bị xử phạt, bị bắt, bị ở tù”. Nói theo câu chữ thì có nghĩa là người có hành vi vi phạm pháp luật phải chịu trách nhiệm pháp lý (có ba loại cơ bản là trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự). Theo đó, tuy chưa thành niên (chưa đủ 18 tuổi) nhưng nếu vi phạm pháp luật thì các em cũng phải chịu trách nhiệm pháp lý.

Trách nhiệm hành chính

Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử lý hành chính. Chẳng hạn, đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; trộm cắp tài sản hoặc công nhiên chiếm đoạt tài sản nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự (do tài sản có giá trị dưới 2 triệu đồng…) thì bị xử phạt vi phạm hành chính.

Theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (đã được sửa đổi, bổ sung), có hai hình thức xử phạt chính là cảnh cáo và phạt tiền thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ bị phạt cảnh cáo; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể bị phạt tiền. Tuy nhiên, mức tiền phạt không được quá một phần hai mức phạt đối với người thành niên.
Người chưa thành niên phạm luật, xử lý sao? ảnh 1
Phiên tòa giả định xét xử một vụ bạo lực học đường tại trường THCS Lê Lai, quận 8

Ngoài ra, người chưa thành niên vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác như: giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng.

- Giáo dục tại xã, phường, thị trấn do chủ tịch UBND cấp xã quyết định đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý; người từ đủ 12 tuổi trở lên nhiều lần có hành vi trộm cắp vặt, lừa đảo nhỏ, đánh bạc nhỏ, gây rối trật tự công cộng để giáo dục, quản lý các em tại nơi cư trú.

Thời hạn áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn là từ ba tháng đến sáu tháng.

- Đưa vào trường giáo dưỡng do chủ tịch UBND cấp huyện quyết định đối với người chưa thành niên sau đây có hành vi vi phạm pháp luật để học văn hóa, giáo dục hướng nghiệp, học nghề, lao động, sinh hoạt dưới sự quản lý, giáo dục của trường. Gồm có:

+ Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Bộ luật Hình sự;

+ Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng quy định tại Bộ luật Hình sự mà trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú nhất định;

+ Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi nhiều lần thực hiện hành vi trộm cắp vặt, lừa đảo nhỏ, đánh bạc nhỏ, gây rối trật tự công cộng mà trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú nhất định.

Thời hạn áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng là từ sáu tháng đến hai năm.

Trách nhiệm hình sự

Trách nhiệm hình sự là trách nhiệm của một người đã thực hiện một tội phạm, phải chịu một biện pháp cưỡng chế nhà nước là hình phạt vì việc phạm tội của họ.
Tuổi chịu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:

- Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.

- Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Người chưa thành niên có thể được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự nếu người đó phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây thiệt hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình cơ quan tổ chức nhận giám sát, giáo dục.
Người chưa thành niên phạm luật, xử lý sao? ảnh 2
Học sinh THPT Trần Khai Nguyên nói “Không” với bạo lực học đường

Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người chưa thành niên phạm tội và áp dụng hình phạt đối với họ được thực hiện chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ tính chất của hành vi phạm tội, vào những đặc điểm về nhân thân và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm. Nếu thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội thì tòa án áp dụng một trong các biện pháp tư pháp là giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào trường giáo dưỡng.

Đặc biệt, không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình và không áp dụng các hình phạt bổ sung đối với người chưa thành niên phạm tội. Khi xử phạt tù có thời hạn, tòa án cho người chưa thành niên phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người thành niên phạm tội tương ứng.

Cũng cần lưu ý, trong giai đoạn thực hiện các tố tụng hình sự, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ bị bắt, tạm giữ, tạm giam nếu có đủ căn cứ quy định nhưng chỉ trong những trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể bị bắt, tạm giữ, tạm giam nếu có đủ căn cứ quy định nhưng chỉ trong những trường hợp phạm tội nghiêm trọng do cố ý, phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

Trách nhiệm dân sự

Với loại trách nhiệm này thì có thể hiểu như sau: Nếu người nào có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Đối với người chưa thành niên, Điều 40 Luật Hôn nhân và gia đình quy định: “Cha mẹ phải bồi thường thiệt hại do con chưa thành niên theo quy định tại Điều 611 của Bộ luật Dân sự”. Cụ thể, người dưới 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu (trừ trường hợp người dưới 15 tuổi trong thời gian học tại trường mà gây thiệt hại thì trường học phải bồi thường thiệt hại xảy ra). Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

Mức phạt tiền một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự 

- Phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau.
- Phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:
+ Trộm cắp tài sản;
+ Công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác;
+ Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác;
+ Sử dụng trái phép tài sản của người khác.

 (Theo Nghị định 73/2010 của Chính phủ)



NGUYÊN THI

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 185)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm