Nghịch lý trái cây miền Tây - Bài 2: Xuất khẩu: Kiểu nào cũng thua

Theo ước tính của Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, năm 2011, kim ngạch xuất rau quả đạt khoảng 500-510 triệu USD, tăng 30-40 triệu USD so với kim ngạch xuất khẩu năm 2010. Nhưng đó chỉ là một con số khiêm tốn so với tổng kim ngạch xuất khẩu hơn 15 tỉ USD/năm của toàn ngành nông nghiệp. Phía sau những nỗ lực, những thương vụ xuất khẩu trái cây của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là những câu chuyện đầy cay đắng.

Trồng theo tiêu chuẩn G.A.P, bán theo giá xô

PGS-TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, cho rằng muốn giá trái cây không bấp bênh cần phải tăng cường xuất khẩu và ổn định đầu ra, mà tiêu chí quan trọng nhất là phải trồng chuyên canh quy mô lớn gắn với các chứng nhận Global G.A.P, Viet G.A.P. Trong năm 2011, nhãn và chôm chôm của Việt Nam đã được phép nhập khẩu vào Hoa Kỳ, thị trường trước đây chỉ cho nhập trái thanh long. Hàn Quốc cũng cho phép nhập khẩu thanh long Việt Nam. Nếu năng động hơn, các doanh nghiệp sẽ xuất bưởi nhiều hơn vào Canada, Hà Lan, Đức, Hong Kong, Singapore… Nhưng do chúng ta chưa tiếp thị nhiều nên một số nước nhập khẩu chưa biết.

Về mặt lý thuyết là như vậy nhưng trên thực tế, xuất khẩu trái cây tươi của ĐBSCL gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Đàm Văn Hưng, chủ vựa trái cây Hương Miền Tây chuyên xuất khẩu bưởi da xanh ở huyện Mỏ Cày Bắc (Bến Tre), kể: “Lần nọ tôi được Bộ NN&PTNT đài thọ chi phí để mang trái bưởi da xanh Bến Tre tham dự hội chợ nông nghiệp quốc tế ở Luân Đôn (Anh). Ban đầu tôi rất hào hứng vì đây là cơ hội rất tốt để giới thiệu trái cây đặc sản này. Nhưng tìm hiểu kỹ, tôi đành từ chối chỉ với lý do duy nhất: E ngại rào cản kỹ thuật. Trái bưởi da xanh ngon như vậy nhưng mạnh ai nấy trồng, không theo tiêu chuẩn chất lượng nào. Nếu khách hàng đặt mua, chất vấn trái cây này canh tác theo tiêu chuẩn nào, thì tôi không biết phải trả lời ra sao”.

Nghịch lý trái cây miền Tây - Bài 2: Xuất khẩu: Kiểu nào cũng thua ảnh 1

Bưởi da xanh Bến Tre chất lượng tuyệt hảo, có Viet G.A.P đàng hoàng nhưng vẫn khó xuất khẩu. Ảnh: HÙNG ANH

Theo ông Hưng, hiện nay trái bưởi da xanh Bến Tre đã đạt được tiêu chuẩn Viet G.A.P nhưng khi xuất khẩu thì khách hàng đòi tiêu chuẩn Global G.A.P. Vì vậy doanh nghiệp phải xuất qua nhiều trung gian nước ngoài với chi phí lên đến 300 USD/tấn. Nếu được canh tác theo tiêu chuẩn chất lượng toàn cầu Global G.A.P thì sẽ tiết kiệm được số tiền đó, người trồng bưởi sẽ được lợi nhiều hơn, trái bưởi da xanh sẽ không còn cảnh phải bán giá chợ.

Tương tự, chôm chôm Viet G.A.P ở cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy) cũng chẳng hơn. Dù áp dụng tiêu chuẩn Viet G.A.P nhưng nhà vườn vẫn phải bán với giá 4.000 đồng/kg, ngang bằng giá bán xô ngoài thị trường.

Ông Trần Hữu Trí, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất chôm chôm Viet G.A.P Tân Phong, than: “Cực khổ mấy năm mới được hơn 16 ha vườn chôm chôm Viet G.A.P, tưởng bán được giá cao hơn chôm chôm thường, ai ngờ giá bán cũng vậy”.

Trước đó, trái vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim Global G.A.P cũng trầy trật. Ông Nguyễn Văn Mười, chủ vườn vú sữa Lò Rèn rộng 8.500 m2 trồng theo tiêu chuẩn chất lượng Global G.A.P ở ấp Phú Quới, xã Phú Phong (Châu Thành, Tiền Giang), nhớ lại: “Hồi đó khi vận động nhà vườn tụi tui trồng vú sữa Global G.A.P, Hợp tác xã vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim làm hợp đồng tiêu thụ với từng chủ vườn, cam kết thu mua hết số lượng trái nhưng khi cây trồng đúng tiêu chuẩn chất lượng cho trái thì 44 xã viên trồng vú sữa Global G.A.P của xã Phú Phong chẳng bán được cho HTX trái nào. Tụi tui phải mang vú sữa ra chợ bán vì HTX nói không tìm được nguồn tiêu thụ nên không thu mua theo hợp đồng. Coi như huề cả làng!”.

Nhà vườn “bẻ kèo” (?)

Giữa lúc trái cây ĐBSCL trong tình trạng giá cả phập phù, cạnh tranh yếu kém thì ông Phan Quốc Nam, Giám đốc Công ty TNHH Long Uyên Tiền Giang, phát hiện một vấn đề quý như vàng đối với trái cây trong nước. Trong những lần đi nước ngoài công tác, ông Nam nhận thấy trái cây tươi ĐBSCL có thể chiếm ưu thế trên thị trường châu Âu, Bắc Mỹ, châu Á với điều kiện phải được chế biến đóng hộp.

Nghịch lý trái cây miền Tây - Bài 2: Xuất khẩu: Kiểu nào cũng thua ảnh 2

Nếu doanh nghiệp và nhà vườn hợp tác chặt chẽ với nhau, trái cây miền Tây sẽ còn vươn xa ra nhiều thị trường. Ảnh: SÀI GÒN TIẾP THỊ ONLINE

“Hồi đó tôi nhận thấy người tiêu dùng ở các thị trường này rất thích trái cây tươi nhiệt đới gọt vỏ xắt miếng, đóng hộp đông lạnh theo kiểu thức ăn nhanh. Đây là cơ hội rất tốt để giới thiệu chất lượng trái cây tươi tuyệt hảo của miền Tây, đồng thời làm tăng giá trị của trái cây trong nước vì chế biến đóng hộp không cần trái cây xuất khẩu loại một, giá quá cao” - ông Nam nhớ lại.

Về nước, ông Nam thực hiện ngay những sản phẩm trái cây theo nhu cầu thị trường và gửi đi chào hàng. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều thương nhân từ Hàn Quốc, châu Âu, Bắc Mỹ tới tấp gửi email đặt hàng xoài, ổi, chôm chôm. Nhưng lúc này ông Nam lại vấp phải một chuyện tưởng phi lý nhưng có thật: Không có đủ nguyên liệu để chế biến dù xí nghiệp đặt trên vùng nguyên liệu rộng hơn 300.000 ha, sản lượng hơn 3 triệu tấn trái cây các loại.

Ông Nam kể: “Cuối năm 2010, tôi sang Hàn Quốc ký được hợp đồng xuất 10 tấn xoài cắt miếng đông lạnh, giao hàng vào tháng 1-2011. Đầu tháng 1-2011 phía Hàn Quốc tiếp tục đặt hàng thêm 20 tấn, cuối tháng phải giao hàng. Nhưng tôi buộc lòng phải từ chối đơn hàng mới vì nhà máy không thể nào thu mua đủ xoài trái nguyên liệu để xuất lô hàng 10 tấn ban đầu, nói gì đến ký cái mới”.

Theo ông Nam, sản phẩm xoài gọt vỏ cắt miếng đông lạnh do phía Hàn quốc đặt hàng là giống xoài cát chu, được trồng rất nhiều với diện tích hàng ngàn hecta tại hai huyện Cái Bè (Tiền Giang) và Cao Lãnh (Đồng Tháp). Sản phẩm xoài đông lạnh không cần trái phải bóng đẹp như xoài bán chợ hoặc xuất khẩu tươi vì vỏ được gọt bỏ nhưng dù tăng giá mua nhưng các thương lái thu gom xoài trong vùng vẫn không thể cung ứng được cho nhà máy. “Thật tình tôi không hiểu tại sao nhà vườn, thương lái chấp nhận đổ xoài thành đống ngoài chợ bán với giá rẻ bèo nhưng nhất định không bán cho nhà máy với giá cao hơn”.

Năm 2011, công ty của ông Nam tiếp tục mở rộng thêm thị trường tiêu thụ trái cây chế biến đóng hộp nhưng lúc nào cũng nơm nớp lo lắng chuyện thiếu hụt nguyên liệu. “Nhiều khi tôi cũng muốn tự mình xây dựng vùng nguyên liệu để đảm bảo sản xuất, an tâm nhận đơn đặt hàng. Nhưng nói thật làm ăn với nhà vườn quá khó. Dù có ký hợp đồng cung ứng nguyên liệu nhưng khi giá xuống họ mới chịu bán cho doanh nghiệp. Còn khi giá ngoài thị trường cao hơn giá trong hợp đồng bao tiêu thì nhà vườn “bẻ kèo” tỉnh queo, hoặc chỉ bán vừa đủ số lượng ký kết rồi ngưng. Cho nên, nếu hấp tấp ký hợp đồng với nước ngoài mà không đủ nguyên liệu để xuất thì coi chừng đền hợp đồng sạt nghiệp” - ông Nam ngao ngán nói.

Công nghệ sơ chế còn lạc hậu

Ông Phan Quốc Nam, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến Nông sản Xuất khẩu Long Uyên (Tiền Giang), nói dù có Global G.A.P hay Viet G.A.P nhưng công nghệ sơ chế đóng gói trái cây tươi Việt Nam còn rất lạc hậu so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực. Việt Nam cũng chưa có kho lạnh chuyên dụng để bảo quản trái cây tươi, không có tàu biển chuyên dụng để vận chuyển trái cây như các nước, trái cây xuất khẩu chỉ đi bằng đường hàng không.

“Theo tôi biết, trái cây tươi của Thái Lan nếu đi bằng đường hàng không thì được Chính phủ nước này trợ cước nên giá thành rất thấp, trong khi ở ta thì không được trợ cước. Như vậy làm sao trái cây của ta cạnh tranh nổi với trái cây Thái Lan?” - ông Nam nói.

HÙNG ANH (còn nữa)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm