Nga và tranh chấp biển Đông - Bài cuối: Nga sẽ chọn thái độ nào?

Theo nhiều chuyên gia, hiện tại có thể dự đoán bốn kịch bản chính cho tương lai biển Đông. Một là tình hình tranh chấp sẽ diễn biến theo chiều hướng tốt hơn. Hai là tình hình vẫn sẽ giữ như hiện nay với sự hợp tác và đấu tranh đan xen lẫn nhau. Ba là tình hình trở nên xấu hơn, xung đột, tranh chấp nhiều hơn hợp tác nhưng vẫn chưa có xung đột quy mô lớn. Bốn là các bên liên quan đều muốn giải quyết vấn đề bằng các biện pháp quân sự và dẫn đến xảy ra xung đột lớn.

Những bất ổn trong tương lai biển Đông chắc chắn sẽ gây ra nhiều thách thức cho an ninh của Nga trong những năm tới. Và điều này cũng sẽ gây ra nhiều tác động chiến lược cho chính sách Viễn Đông của Nga. Vì thế Nga phải tiếp cận vấn đề này một cách khôn khéo, đồng thời phải tung ra những biện pháp can thiệp mang tính giải quyết thật sự đối với vấn đề này. Vậy đâu là sự lựa chọn khả dĩ nhất cho Nga?

Quan hệ tay ba Nga - Trung - Mỹ

Theo ý kiến của chuyên gia Evgeny Kanaev (Trung tâm Nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương) thì “Nga không nhất thiết phải lựa chọn chính sách xoay quanh bất cứ kịch bản nào. Bởi vì kịch bản cho vấn đề can thiệp của Nga mang một bản chất khác biệt, không phụ thuộc vào diễn biến của tranh chấp”. Thêm nữa, Moscow có đủ khả năng cũng như vị thế để xây dựng và tiến hành một chiến lược can thiệp theo kịch bản riêng của mình.

Nga và tranh chấp biển Đông - Bài cuối: Nga sẽ chọn thái độ nào? ảnh 1

Chiếc tàu ngầm Kilo này đã hoàn tất các bài thử nghiệm lặn và các hành trình trên biển trước khi giao cho khách hàng. Ảnh: shipspotting.com

Cũng theo vị chuyên gia này thì trong xu thế phát triển chung như hiện nay, kịch bản cho vấn đề “Nga và biển Đông” chỉ nên được lựa chọn xoay quanh những từ khóa như “can thiệp tích cực”, “đẩy mạnh hợp tác”, “biện pháp hòa bình”… Và đó chỉ có thể là một kịch bản mà trong đó Nga sẽ cố gắng sử dụng tất cả con bài chiến lược mà quốc gia này đang sở hữu. Kịch bản tốt nhất là Nga nên đi theo xu hướng can thiệp mà không can dự với ba “con bài” chiến lược cụ thể như sau:

Một là Nga chủ động kết hợp khéo léo quan hệ với Mỹ và Trung Quốc trong vấn đề biển Đông. Theo nhận xét của cựu đại sứ Ấn Độ M K Bhadrakumar thì “sự hợp tác giữa ba ông lớn này để giải quyết bất cứ một tranh chấp là cả một sự mong đợi to lớn của thế giới”. Vấn đề biển Đông thật sự cũng không thể được giải quyết một cách độc lập chỉ với tam giác Nga - Trung - Mỹ.

Thực tế thì việc ba ông lớn này phối hợp với nhau sẽ làm cho không gian hợp tác tăng lên chứ không hề giảm đi. Mà khi hợp tác càng nhiều thì tổn hại càng ít, lợi ích tăng lên. Biển Đông cũng đang là sân chơi cần sự hợp tác của ba ông lớn này. Việc Mỹ kiềm chế Trung Quốc gần đây ?? d?n t?i t?nh tr?ng đã dẫn tới tình trạng “bằng mặt không bằng lòng” giữa hai quốc gia này. Nhưng với Nga lại khác. Thời gian qua, Nga đã khôn khéo từng bước thể hiện quan điểm đối với vấn đề biển Đông nên Trung Quốc chỉ dừng lại ở mức quan ngại, dè chừng.

Phía Mỹ cũng đã không ít lần kêu gọi và khuyến khích Nga thể hiện nhiều hơn trong vấn đề tranh chấp này. Vì thế việc Nga xuất hiện với vai trò cầu nối giữa hai ông lớn (Mỹ và Trung Quốc) để cùng tạo ra tam giác quyền lực nhằm giải quyết vấn đề biển Đông là một tương lai nên hướng tới. Các chuyên gia phân tích cũng đánh giá rằng “đây là thời điểm thích hợp nhất để Nga thể hiện vị thế và vai trò của mình”.

Sử dụng bàn đạp năng lượng

Hai là Nga tận dụng yếu tố năng lượng như là bàn đạp để can thiệp vào khu vực. Hiện nay năng lượng vẫn là nhân tố quan trọng định hình tương lai của khu vực cũng như thế giới. Theo ý kiến nhận định của hai chuyên gia người Trung Quốc, Xu Ping và Liu Shouxu, đăng trên tạp chíNghiên Cứu Vấn Đề Quốc Tế thì “với tư cách là cường quốc năng lượng có liên quan đến hầu hết mối liên kết năng lượng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Nga có đủ khả năng để sử dụng ngoại giao năng lượng để gây áp lực và kiềm chế sự hung hăng của Trung Quốc, tiến tới giúp đỡ các quốc gia đang phát triển như Việt Nam”. Thông qua các hợp đồng khai thác năng lượng với các nước trong biển Đông, con đường hiện diện tại khu vực của Nga cũng sẽ rút ngắn lại. Việc Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga tuyên bố tham gia dự án khai thác khí đốt tại hai lô 5.2 và 5.3 ở biển Đông có thể coi là một khởi đầu cho việc sử dụng con bài chiến lược này.

Ba là Nga đẩy mạnh và hiện thực hóa các điều khoản trong mối quan hệ hợp tác với ASEAN và các nước thành viên như một phương thức để can thiệp vấn đề. Sau đó Nga sẽ chủ động hơn trong việc thể hiện tiếng nói của mình tại các diễn đàn lớn như APEC, EAS, ARF... Theo phân tích của chuyên gia Evgeny Kanaev, “trong tuyên bố hợp tác giữa Nga với ASEAN có nội dung mong muốn tăng cường hợp tác với ASEAN, bao gồm các vấn đề an ninh. Tranh chấp biển Đông là một vấn đề an ninh, nếu không muốn nói đó là vấn đề an ninh cấp thiết. Vì thế để thể hiện vị thế của mình và đi sâu hơn nữa trong mối quan hệ với ASEAN, Nga cần phải biến điều này thành thực chất, không thể nói suông”. Việc hiện thực hóa các điều khoản vừa giúp Nga nâng cao uy tín, vừa giúp “danh chính ngôn thuận” cho sự có mặt của mình.

Bên cạnh đó, ông Evgeny Kanaev cho rằng Nga cần đẩy mạnh hơn nữa các chiến lược ngoại giao với những quốc gia có liên quan trong tranh chấp. Nga cần dựa vào mối quan hệ chủ lực ở Đông Nam Á với Việt Nam nhằm lèo lái vấn đề theo hướng mà đa số mong muốn. Nga cần biết tận dụng cơ hội của mình ở những thời khắc quyết định. Đồng thời, Nga phải chú ý tách bạch các mối quan hệ với nhau và xử lý khéo léo những khúc mắc giữa các mối quan hệ tay ba như Nga - Trung - Việt.

Can dự nhưng không can thiệp

Điều đặc biệt là Nga cần phải tránh xa những động thái có thể dẫn đến căng thẳng. Nga cần biến mình thành một tác nhân tích cực nhằm can thiệp đến tình hình chứ không phải biến mình thành một đối tượng can dự trực tiếp trong vấn đề này.

Theo GS Vladimir Kolotov (Trưởng khoa sử Viễn Đông, ĐH Quốc gia St. Petersburg, Nga), “mục đích lớn nhất của Nga hiện nay là tạo nhiều mối quan hệ tốt đẹp để hòa nhập sâu rộng vào guồng quay của nền kinh tế năng động của khu vực. Những lợi ích xuất phát từ việc bán vũ khí không đóng vai trò là nguồn thu chính cho cả nền kinh tế to lớn của Nga cũng như bảo đảm cho tương lai phát triển của quốc gia”.

Từ đó có thể khẳng định rằng Nga sẽ xây dựng cho mình một kịch bản với những chiến lược can thiệp nhất định vào khu vực tranh chấp biển Đông để hướng tới lợi ích ngắn hạn và dài hạn của mình, dù hiện tại nước này chưa có nhiều động thái tích cực lắm. Vấn đề chỉ là sớm hay muộn mà thôi.

Tất nhiên, vấn đề giải quyết tranh chấp tại biển Đông là một bài toán rất khó, không thể giải quyết rốt ráo trong một sớm một chiều. Vì thế, nếu Nga tham gia đóng góp tích cực cho việc giữ ổn định và giải quyết tranh chấp bằng hòa bình thì sẽ nhận được sự chào đón nhiệt tình của các quốc gia liên quan và cả dư luận thế giới.

Điểm đến của vũ khí Nga

“Nguy cơ xung đột tại châu Á-Thái Bình Dương khiến nhiều quốc gia trong khu vực tăng ngân sách quân sự. Những yếu tố ấy khiến nhu cầu về vũ khí Nga tăng cao. Trong những năm gần đây, nhiều hợp đồng bán các gói tổng thể đã được ký” - The Voice of Russia dẫn lời ông Igor Korotcheko, Tổng Biên tập tạp chí National Defense.

Theo ông Korotcheko, nhu cầu về chiến đấu cơ là lớn nhất, sau đó là các tàu ngầm chạy diesel. “Nga cũng thành công trong việc xuất khẩu các khu trục hạm, tàu hộ tống có tên lửa dẫn đường. Các khách hàng nước ngoài cũng thể hiện sự quan tâm lớn tới những hệ thống phòng không và các xe bọc thép của Nga” - ông Korotcheko cho biết thêm.

Các quốc gia ở Đông Nam Á và khu vực châu Á-Thái Bình Dương là điểm đến của 43% số lượng vũ khí xuất khẩu của Nga trong năm 2012.

NGHĨA HUỲNH (Irys)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm