VỀ NỘI QUY PHIÊN TÒA LÀM KHÓ NHÀ BÁO

Nên sửa thông tư cho hợp lý, hợp tình

Một thông tư của TAND Tối cao mà ngay từ khi mới có dự thảo đã tạo nên nhiều ý kiến trái chiều chứng tỏ nó “có vấn đề”. Tiếc rằng cơ quan ban hành đã không tiếp thu, chỉnh sửa hợp lý, để khi chính thức ban hành lại một lần nữa khiến dư luận không hài lòng.

Nhà báo khi tác nghiệp thì chịu sự ràng buộc của nhiều quy định pháp luật nhưng quy định chủ đạo vẫn là Luật Báo chí và Nghị định 51/2002 hướng dẫn thi hành luật này. Theo đó khi tác nghiệp, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo - một thẻ hành nghề do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp là đủ. Ở pháp đình cũng thế, nhà báo chỉ cần trình thẻ là được tòa hướng dẫn, tạo điều kiện để nhà báo tác nghiệp tốt nhất mà không ảnh hưởng đến quá trình xét xử của tòa.

Tuy nhiên, có không ít phóng viên (PV) mới vào nghề, chưa đủ thời hạn công tác liên tục ba năm ở một cơ quan báo chí nên chưa có thẻ nhà báo. Vì vậy khi cần tác nghiệp để đưa tin, PV ấy chỉ cần xuất trình giấy giới thiệu của cơ quan báo chí là cũng được các cơ quan, tổ chức, - trong đó có tòa án tạo điều kiện hành nghề.

Bây giờ theo Nội quy phiên tòa mới ban hành (kèm Thông tư 01/2014 của TAND Tối cao), nhà báo muốn dự tòa lại phải cùng lúc xuất trình thẻ nhà báo và giấy giới thiệu của cơ quan. Quy định như thế vừa trái với Luật Báo chí và Nghị định 51/2002, vừa gây khó khăn cho quyền hành nghề của PV, nhà báo. Với người đã có thẻ nhà báo, giấy giới thiệu kèm theo rõ ràng giống như một loại giấy phép con, nó gây rườm rà, phức tạp không chỉ cho nhà báo mà còn cả cho tòa (tòa phải kiểm tra đến hai cái giấy). Còn với PV chưa có thẻ nhà báo, quy định nói trên xem như đã cấm cửa họ đến dự tòa.

Ở các phiên tòa lớn, một số phóng viên không đủ giấy tờ tham dự phiên tòa đành phải săn tin, chụp ảnh ngoài hành lang. Ảnh: HTD

Trả lời Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Văn Độ, Phó Chánh án TAND Tối cao, cho rằng quy định nói trên chỉ áp dụng đối với các phiên tòa lớn, có tính nhạy cảm, còn những phiên tòa bình thường thì không áp dụng mà các tòa cứ thực hiện như lâu nay. Cách trả lời này rõ ràng là không ổn vì rằng các tòa án, thẩm phán chủ tọa có thể không tuân theo một “chỉ đạo” bằng miệng của vị phó chánh án, đó là chưa nói họ có thể viện dẫn đây là phiên tòa lớn chứ không phải là phiên tòa bình thường. PV đi dự tòa mà bị làm khó không thể nào mang theo ý kiến của vị phó chánh án đã đăng báo để tranh luận với tòakhi trong tay tòa đang cầm cái thông tư giấy trắng mực đen có ký tên, đóng dấu đàng hoàng.

Ông phó chánh án cũng đề cập đến một khả năng rằng tòa tối cao có thể sẽ ban hành một hướng dẫn để gửi đến các tòa án cấp dưới nhằm minh định lại việc áp dụng nội dung thông tư đối với “phiên tòa lớn”, “phiên tòa nhỏ”.

Theo chúng tôi, thay vì ra văn bản hướng dẫn như ông phó chánh án đề cập, nếu thấy góp ý của báo chí, của các đại biểu Quốc hội… là đúng, chi bằng TAND Tối cao sửa lại nội dung thông tư là xong. Mà nội dung sửa lại cũng không cần nhiều nhỏi gì, chỉ cần thay từ “và” bằng từ “hoặc” trong Điều 4 Nội quy phiên tòa là xong. Khi đó nhà báo đến dự tòa chỉ cần trình thẻ nhà báo hoặc giấy giới thiệu cho quý tòa.

Quyền tác nghiệp của nhà báo xét cho cùng xuất phát từ quyền được thông tin của người dân. Vì vậy tòa án không nên vì lý do gì mà hạn chế quyền được thông tin, giám sát của người dân qua việc gây khó cho nhà báo.

NGÔ THÁI BÌNH

Thông tư tòa “đá” Nghị định 51/2002

Thông tư 01/2014 của TAND Tối cao “đá” Nghị định 51/2002 của Chính phủ, mà nguyên tắc thì phải thực hiện theo văn bản quy phạm pháp luật cao hơn. Tôi nghĩ Bộ Tư pháp phải “thổi còi” theo chức năng, thẩm quyền kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của mình.

Ông NGUYỄN SỸ CƯƠNG, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Phiền toái và trái luật

Xưa nay tòa lúc nào cũng có quy định này kia để hạn chế quyền tác nghiệp, ngay cả phiên tòa công khai. Theo tôi, chỉ cần có giấy giới thiệu ghi đúng người, đúng việc, đúng vụ án, đúng chỉ đạo là được. Nên tùy vụ việc mà áp dụng, có những vụ chúng ta thừa biết buộc phải có giấy giới thiệu. Còn nếu vụ nào cũng yêu cầu vừa trình thẻ nhà báo vừa trình giấy giới thiệu thì hơi phiền toái, lại trái luật. Nhưng tôi vẫn ủng hộ với những vụ án quan trọng thì nên có cả giấy giới thiệu, thẻ nhà báo. Còn bây giờ nói lúc nào cũng phải thẻ nhà báo thì sinh viên thực tập chết cứng luôn. Bảo đi thực tập mà có vượt qua được hàng rào bảo vệ đâu mà thực tập. Trong khi đó thẻ nhà báo thì phải làm ba năm mới được cấp.

Nhà báo HUỲNH DŨNG NHÂN, Phó Chủ tịch
Hội Nhà báo TP.HCM, Tổng Biên tập tạp chí  
Nghề báo TP.HCM

Cản trở quyền giám sát của truyền thông

Tôi cho rằng nội dung mới trong Nội quy phiên tòa lần này trái với Luật Báo chí, không phù hợp thực tiễn. Hoạt động báo chí có Luật Báo chí điều chỉnh. Thẻ nhà báo do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp là giấy hành nghề tối ưu đối với người hoạt động trong lĩnh vực báo chí. Còn trong trường hợp PV đang chờ cấp thẻ nhà báo thì cơ quan báo chí cấp giấy giới thiệu của cơ quan mình, nói đây là PV của chúng tôi, đến đâu, làm gì, như vậy có thể thay thế thẻ hành nghề rồi.

Tòa xét xử công khai, quy định nơi tác nghiệp rõ ràng, báo chí hoạt động và chịu sự chế tài của pháp luật. Theo tôi, chỉ cần hoặc thẻ, hoặc giấy giới thiệu là đủ. Quy định vừa thẻ vừa giấy giới thiệu theo tôi đã làm khó cho tác nghiệp của báo chí, làm cản trở quyền giám sát của truyền thông và xã hội - một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng tham nhũng trong lĩnh vực tư pháp nói chung và tòa án nói riêng. Đề nghị các nhà làm luật, Bộ Tư pháp và TAND Tối cao xem xét lại quy định này.

Nhà báo ĐOÀN PHÁP, Phó Chủ tịch Thường trực
Hội Nhà báo tỉnh Phú Yên

Không căn cứ vào Luật Báo chí là không ổn

Theo tôi, Thông tư số 01/2014 của TAND Tối cao chứa đựng quy định vô lý, gây khó khăn cho PV, nhà báo tác nghiệp tại tòa.Thứ nhất, Luật Báo chí và Điều 8 Nghị định 51/2002 quy định nhà báo được hoạt động nghiệp vụ lấy tin, chụp ảnh, quay phim, ghi âm tại các phiên tòa xét xử công khai, khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Do đó Điều 4 Nội quy phiên tòa ban hành kèm theo Thông tư số 01 của tòa tối cao quy định nhà báo tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa phải xuất trình thẻ nhà báo và giấy giới thiệu công tác là chưa phù hợp với tinh thần của Luật Báo chí và Điều 8 Nghị định 51. Quy định này vô hình trung gây khó khăn cho nhà báo trong việc tác nghiệp tại tòa.

Thứ hai, trên thực tế có nhiều PV đang tác nghiệp nhưng do chưa đủ điều kiện ba năm công tác liên tục tại một cơ quan báo chí nên chưa có thẻ nhà báo. Thậm chí có trường hợp một số cơ quan báo chí mới được thành lập, chưa hoạt động đủ ba năm và như vậy PV cũng chưa được cấp thẻ nhà báo. Vậy là theo quy định của thông tư nói trên, những PV này không được tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa. Việc có mặt của những PV tại phiên tòa cũng góp phần tuyên truyền phổ biến pháp luật, một hoạt động phù hợp lợi ích công cộng, được Nhà nước bảo hộ và khuyến khích. Do đó nếu hạn chế sự tác nghiệp của PV tại phiên tòa là không đúng với mục đích của Luật Báo chí.

Thứ ba, việc ban hành Thông tư số 01 của tòa tối cao chỉ dựa trên căn cứ của Bộ luật Tố tụng hình sự; Bộ luật Tố tụng dân sự; Luật Tố tụng hành chính; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật mà không căn cứ vào các quy định của Luật Báo chí nên dẫn đến nhiều bất cập. Trong các bất cập đó, nổi bật là các quy định về quyền tác nghiệp của PV tại phiên tòa. Một câu hỏi đặt ra là Thông tư số 01 này tác động trực tiếp đến hoạt động của PV, nhà báo nhưng tại sao lại không căn cứ vào các quy định của Luật Báo chí để bảo đảm quyền tác nghiệp của họ?

ThS CAO VŨ MINH, giảng viên khoa Luật
hành chính ĐH Luật TP.HCM

Gián tiếp hạn chế quyền được thông tin của xã hội

Tự do báo chí là quyền được thông tin và đòi hỏi thông tin nhưng không được gây rối xã hội, trái với lợi ích quốc gia. Trong trường hợp báo chí thông tin sai sự thật thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, bị xử lý tùy theo mức độ. Nhà báo tham dự phiên tòa để thông tin cũng là cách răn đe, giáo dục để xã hội tốt hơn, vậy tại sao lại cấm? Ngay cả họp Quốc hội còn chiếu lên tivi công khai cơ mà.

Có những nhà báo đi tác nghiệp ở tỉnh, cách xa tòa soạn hàng trăm cây số, không thể chạy về cơ quan để lấy giấy giới thiệu rồi quay lại, như thế sẽ lỡ công việc. Đáng lẽ tòa phải tôn trọng người làm báo và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho họ hành nghề. Việc đòi hỏi vừa thẻ nhà báo, vừa giấy giới thiệu như vậy là làm khó nhà báo, gián tiếp hạn chế quyền được thông tin của xã hội. Người dân sẽ nghĩ như thế nào về quy định này của những người vốn giữ cán cân công lý?

TS Nguyễn Minh Mẫn, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm