Nên hay không xét xử lưu động?

Hàng ngàn người có mặt ở Nhà Thiếu nhi quận Thủ Đức (TP.HCM) theo dõi xét xử hai bảo mẫu hành hạ trẻ em vào ngày 20-1-2014 - Ảnh: H.T.V.

Để giáo dục, răn đe

* Năm 2013, TAND TP Cần Thơ đưa ra xét xử lưu động sáu vụ, còn TAND các quận huyện xét xử lưu động 76 vụ. Những vụ án bị đưa ra xét xử lưu động là những án điểm gây bức xúc trong nhân dân như giết người, ma túy... Việc đưa ra xét xử lưu động có thể ảnh hưởng đến lợi ích bị cáo, nhưng phục vụ được cho cộng đồng xã hội bởi thường xét xử lưu động người đến xem đông hơn nhiều so với xét xử ở tòa. Mục đích của việc xét xử lưu động để giáo dục, răn đe người phạm tội và những đối tượng có ý định phạm tội, cũng như nâng cao sự hiểu biết pháp luật của người dân.

Bà Dương Thị Thu Hà (phó chánh án TAND TP Cần Thơ)

* Có những vụ án điểm về trật tự xã hội như mua bán ma túy, vận chuyển trái phép chất ma túy, cướp giật tài sản... buộc phải xử lưu động để răn đe hành vi phạm pháp, đồng thời nhằm giáo dục, tuyên truyền trong nhân dân. Ngoài ra giúp người dân thấy rõ những thủ đoạn, mánh khóe, phương cách hành động của những kẻ phạm tội để phòng ngừa và góp phần đấu tranh chống tội phạm.

Trước khi quyết định đưa đối tượng ra xét xử lưu động, tòa xem xét cân nhắc rất kỹ, nhất là về nhân thân của bị cáo. Thường là những bị cáo có tiền án, tiền sự nhiều lần. Còn những đối tượng nhất thời phạm tội, hoặc những người chưa thành niên thì không xử lưu động.

Tổ chức những buổi xử lưu động rất cực. Ngoài việc nhờ đội hỗ trợ tư pháp của bên công an bảo vệ trật tự phiên tòa, tòa còn phối hợp với đội xung kích, Đoàn thanh niên... gắn apphich, phát tờ bướm nói về tác hại của tội phạm, nhưng bù lại hiệu quả tác động với xã hội rất cao.

Bà Nguyễn Thị Cẩm Hồng (phó chánh án TAND quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) - MINH TÂM ghi

Không nên bắt bị cáo phải chịu thêm hình phạt

Cho đến nay, chúng ta không có văn bản quy định hay hướng dẫn nào của cơ quan có thẩm quyền về xét xử lưu động, nhưng lâu nay ngành tòa án vẫn tổ chức, thậm chí có lúc có nơi còn tự đặt ra yêu cầu tăng cường xét xử lưu động đối với một số vụ án hình sự.

Trên thực tế, không ai phủ nhận rằng xét xử lưu động có tác dụng cảnh báo, răn đe cho một bộ phận dân cư ít có điều kiện được tiếp cận với các hình thức tuyên truyền và phổ biến pháp luật. Thế nhưng chẳng có bị cáo nào lại muốn mình được hoặc bị đưa ra xét xử lưu động cả. Bởi vì xét xử lưu động có nghĩa là ngoài hình phạt được quy định trong Bộ luật hình sự phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội mà bị cáo đã gây ra, bị cáo còn phải chịu thêm một hình phạt từ phía cộng đồng tại nơi bị cáo cư trú hoặc/và nơi làm việc. Không chỉ thế, người thân của bị cáo cũng phải chịu sức ép, mặc cảm về tội lỗi của bị cáo.

Mục đích của hình phạt ngoài “trừng phạt” còn là giáo dục, cải tạo người phạm tội; làm sao để bị cáo thấy được lỗi lầm, tội trạng của mình để còn tái hòa nhập với cộng đồng, trở thành người sống có ích cho xã hội.

Xét xử lưu động ở nước ta đã được phát sinh trong hoàn cảnh xã hội ở thời điểm mà các phương tiện thông tin đại chúng chưa phát triển và gắn với mục tiêu tuyên truyền phổ biến pháp luật. Hiện nay các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là công nghệ thông tin và truyền thông, phát triển rộng. Đã đến lúc chúng ta nên chấm dứt việc xét xử lưu động, gây tốn kém cho ngân sách, và quan trọng hơn là không nên bắt bị cáo phải chịu thêm hình phạt mà luật không hề quy định, không nên bắt người nhà, người thân của bị cáo phải chịu thêm sức ép từ phía cộng đồng.

Luật sư BÙI QUANG NGHIÊM (phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM)

____________________

Cần quy định, hướng dẫn thống nhất

Sau vụ anh Nguyễn Thanh K. tự tử, nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ hình thức xét xử lưu động, vì Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 không có điều khoản nào quy định về việc tòa án xét xử lưu động. Tòa án chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. Tuy nhiên trên thực tế các tòa án thường tổ chức xét xử lưu động, thậm chí coi xét xử lưu động là tiêu chí để bình xét thi đua hằng năm của các tòa án.

Chưa có tài liệu nào đề cập nhưng căn cứ vào quá trình thành lập và trưởng thành của tòa án nước ta, xét xử lưu động có lẽ ra đời từ những năm kháng chiến chống Pháp và đỉnh cao của hình thức này là thời kỳ cải cách ruộng đất và giai đoạn chống Mỹ. Mục đích của việc xét xử lưu động thời đó chủ yếu nhằm trừng trị, răn đe, còn tuyên truyền giáo dục pháp luật cho nhân dân chưa phải là mục đích chính.

Khi ban hành Bộ luật tố tụng hình sự cũng như qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung, có ý kiến cho rằng nên quy định hình thức xét xử lưu động trong Bộ luật tố tụng hình sự cùng với điều luật quy định xét xử công khai và xử kín. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên việc này chưa được thực hiện. Việc xét xử lưu động cũng không được Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn, nên ở đâu có vụ án cần xét xử lưu động thì do tòa án nơi đó quyết định. Cho đến nay, không có tiêu chí xác định một vụ án như thế nào thì xét xử lưu động, nên không thể tránh khỏi sự tùy tiện theo kiểu “thích thì làm”.

Xét xử lưu động là phiên tòa được xét xử ngoài trụ sở tòa án. Nhưng không phải cứ xét xử ở ngoài trụ sở đều gọi là xét xử lưu động. Có nhiều phiên tòa được xét xử ngoài trụ sở tòa án của mình nhưng lại xét xử ở trụ sở của tòa án khác. Ví dụ: tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại TP.HCM mở phiên tòa tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau để xét xử phúc thẩm vụ án mà Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau đã xét xử sơ thẩm nhưng do có kháng cáo, kháng nghị.

Mục đích của xét xử lưu động là thông qua phiên tòa để tuyên truyền pháp luật, giáo dục, răn đe bị cáo cũng như những người tham dự phiên tòa. Tuy nhiên, mục đích đề ra không phải bao giờ cũng đạt được. Có những phiên tòa do công tác tổ chức không tốt nên xảy ra tình trạng hỗn loạn, xô xát, làm phiên tòa không thể tiến hành; có trường hợp người nhà của người bị hại đuổi đánh hội đồng xét xử; có trường hợp phải điều cảnh sát cơ động đến giải vây cho hội đồng xét xử... Về phía bị cáo bị đưa ra xét xử lưu động thường có tâm lý hoang mang, lo lắng, xấu hổ, bị sỉ nhục, bị áp dụng hình phạt nặng... nên có thể có những xử sự tiêu cực như trường hợp của anh K..

Việc bỏ hay vẫn tiếp tục xét xử lưu động chắc còn phải có nhiều cuộc hội thảo, cần phải tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm... Trước mắt, để nâng cao chất lượng và hiệu quả tuyên truyền, giáo dục, tăng tính răn đe, phòng ngừa tội phạm từ những phiên tòa lưu động, Tòa án nhân dân tối cao cần có hướng dẫn thống nhất loại tội phạm nào thì mới đưa ra xét xử lưu động.

Theo tôi, nếu chưa bỏ hẳn hình thức xét xử lưu động thì chỉ nên xét xử lưu động đối với một số tội phạm như tổ chức đánh bạc hoặc đánh bạc, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy và một số tội phạm thuộc tệ nạn xã hội; không xử lưu động đối với người phạm tội hoặc người bị hại là người chưa thành niên; đối với các tội xâm phạm nhân phẩm như hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu hoặc dâm ô với trẻ em...

Để bảo đảm an toàn cho phiên tòa, tòa án phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công an, viện kiểm sát, chính quyền địa phương, các đoàn thể; chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc xét xử lưu động. Dù là xét xử lưu động, nhưng tòa án cần thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về trình tự, thủ tục như phiên tòa xét xử ở trụ sở.

Luật sư ĐINH VĂN QUẾ (nguyên chánh tòa hình sự TAND tối cao)

 Tự tử trước ngày xét xử lưu động

Trong căn nhà nhỏ của bà Đinh Thị Q. (thôn Đại An, xã Tam Đại, huyện Phú Ninh, Quảng Nam), ở chính giữa là hai bàn thờ chồng và con trai. Khuôn mặt hốc hác, bơ phờ, bà Q. nói không thành lời, nước mắt chỉ chực tuôn trào.

Trước đó ngày 3-9-2013, K. dùng số điện thoại lạ điện và nhắn tin hăm dọa một học sinh lớp 9 trú cùng thôn. Sau đó, K. điện cho học sinh này bảo đưa tiền cho K. để K. chuyển giúp cho các đối tượng “lạ mặt”, nếu không chúng sẽ giết. Hoảng sợ, em học sinh đã lấy 3 triệu đồng của gia đình đưa cho K.. Ngày 20-12-2013, TAND huyện Phú Ninh đưa vụ án cưỡng đoạt tài sản ra xét xử lưu động. Rạng sáng 20-12, do xấu hổ trước việc bị xét xử lưu động rồi áp lực từ gia đình, Nguyễn Thanh K. đã uống thuốc độc tự tử.

Ông Nguyễn Thanh Sen, tổ trưởng tổ 5, thôn Đại An, cho biết K. thường ngày hiền lành, không quậy phá, rượu chè hay trộm cắp gì. Trước ngày xét xử, người dân có nghe UBND xã Tam Đại thông báo trên loa phát thanh cho người dân đến xem. “Chắc nó nghe theo lời bạn bè xúi giục nên làm điều trái pháp luật. Tôi nghĩ tòa án xét xử lưu động, đưa ra quần chúng để làm gương cho những thanh niên khác cũng đúng. Do tâm lý lo sợ, xấu hổ nên cháu đã làm điều dại dột như vậy” - ông Sen nói.

LÊ TRUNG

Theo TTO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm