Nâng cao năng lực điều tra thay vì hạn chế quyền của nghi can

Quyền im lặng thể hiện một nguyên tắc có từ thời La Mã: Trách nhiệm chứng minh thuộc bên khẳng định (có tội) chứ không phải bên phủ định.Trong tố tụng hình sự, bên khẳng định (có tội) là Nhà nước, do đó người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền im lặng trong suốt quá trình tố tụng chứ không phải chỉ có quyền im lặng cho đến khi có luật sư.

Luật sư tham gia tố tụng để thực hiện quyền chứng minh sự vô tội chứ không phải nghĩa vụ chứng minh sự vô tội. Chính vì vậy, quan điểm cho rằng đội ngũ luật sư của chúng ta còn ít nên không thể thực hiện điều này là không đúng. Theo tôi, không chỉ quy định quyền im lặng, BLTTHS sửa đổi tới đây cần phải quy định các giải pháp đồng bộ từ việc xác định mô hình tố tụng hình sự, các nguyên tắc, quyền của bên bị buộc tội, người bào chữa, vấn đề chứng minh, chứng cứ…

Còn tại sao luật sư muốn quy định quyền im lặng trong luật nhưng cơ quan điều tra thì không? Theo tôi, tuy BLTTHS quy định không được sử dụng lời thú tội của bị can, bị cáo là chứng cứ duy nhất để kết tội nhưng dưới góc độ điều tra, lời khai nhận tội của bị can là nguồn chứng cứ rất quan trọng.

Hiện trên thế giới có hai mô hình tố tụng: Một là tố tụng kiểm soát tội phạm, lấy mục đích trấn áp tội phạm là quan trọng nhất, hiểu nôm na là cho phép bắt nhầm còn hơn bỏ sót. Mô hình thứ hai là tố tụng công bằng, tức là lấy việc bảo vệ quyền con người là quan trọng nhất. Ở Việt Nam, BLTTHS quy định nhiệm vụ của cơ quan tố tụng cực kỳ khó khăn: “không để lọt nhưng không làm oan” nhưng hình như mục đích trấn áp tội phạm có vẻ ưu thế hơn. Chính vì vậy cơ quan điều tra cũng có phần bị sức ép này.

Tuy nhiên, Hiến pháp 2013 đã đưa vào những tư tưởng rất tiến bộ của tư pháp là bảo vệ quyền con người, bảo vệ công lý, đảm bảo tranh tụng. Chính vì vậy, BLTTHS sửa đổi tới đây phải thể hiện được tinh thần này của Hiến pháp 2013. Cơ quan điều tra sẽ gặp khó khăn nhưng cách giải quyết là phải nâng cao năng lực điều tra của chính mình chứ không phải là hạn chế quyền của nghi can!

TS ĐINH THẾ HƯNG (Viện Nhà nước và Pháp luật)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm